|
Post by NHAKHOA on Feb 19, 2009 18:57:50 GMT -5
|
|
|
Post by NHAKHOA on May 26, 2010 14:08:05 GMT -5
Tìm hiểu về tật nghiến răng
Nghiến răng là một hoạt động cận chức năng của hệ thống nhai. (gọi là hoạt động cận chức năng là vì cũng là hoạt động của hệ thống nhai với sự tham gia của tất cả các yếu tố thần kinh – cơ, nhưng không nhằm mục đích thực hiện chức năng). Nghiến răng xảy ra khá phổ biến, chiếm 10% dân số trưởng thành. Thường người bệnh không biết mình có nghiến răng vì nó chỉ xảy ra lúc ngủ. Bệnh nhân thường chỉ đi khám bệnh vì những hậu quả của nghiến răng gây ra hơn là triệu chứng nghiến răng, mặc dù triệu chứng nghiến răng gây khó chịu rất nhiều cho người thân. Nghiến răng là vấn đề còn đang tranh cãi rất nhiều, ngay cả định nghĩa về nghiến răng cũng như những tiêu chuẩn về chẩn đoán vẫn chưa hoàn toàn thống nhất. Những vấn đề trình bày ở đây là những ý kiến đúc kết từ các concensus về nghiến răng (tức nghiên ý kiến được đồng tình nhiều nhất).
Mặc dù nghiến răng có nguyên nhân chủ yếu là từ bệnh học thần kinh, nhưng triệu chứng lâm sàng của nghiến răng chủ yếu thể hiện ở hệ thống nhai, bao gồm các triệu chứng ở răng, mô nha chu, cơ nhai và khớp thái dương hàm. Và điều trị cho đến nay chủ yếu do Bác sĩ nha khoa phụ trách. Biểu hiện ở răng và mô nha chu: 1. Mòn răng: Tùy mức độ nghiến răng, thời gian nghiến răng và đô cứng mô răng mà mức đô mòn răng là nhiều hay ít. Nhiều trường hợp các răng cối mòn đến lô tủy, các răng cửa mòn đến :hơn 2/3 chiều cao của răng. 2. Nứt, gãy răng: Nứt gãy răng cũng là một dấu hiệu của nghiến răng. Cường độ lực cao, tác động lên những vùng mất cấu trúc chịu lực của răng là nguyên nhân của gãy nứt. Tình trạng gãy, nứt có thể khu trú ở phần thân răng, hoặc lan xuống chân răng. Trường hợp nứt, gãy rõ ràng có thể thấy dễ dàng, nhưng cũng có nhiều trường hợp rất khó chẩn đoán. Dấu hiệu duy nhất của những trường hợp này là ê buốt không rõ nguyên nhân. Các bác sĩ nha khoa ít kinh nghiệm cũng rất dễ bỏ sót những trường hợp này. 3. Ê buốt răng: Có thể do mòn răng hoặc gãy, nứt răng. Nếu kiểm tra không thấy mòn răng thì cần phải xem xét có tình trạng gãy nứt xảy ra hay không. 4. Lung lay răng: Nếu mô nha chu suy yếu, nghiến răng có thể biểu hiện bởi tình trạng lung lay răng. Trên phim X quang sẽ có dấu hiệu tiêu xương. Biểu hiện ở hệ thống cơ nhai: Biểu hiện chủ yếu trên hệ thống cơ nhai là tình trạng đau cơ. Do co thắt với cường độ mạnh, các sản phẩm thoái biến sinh ra không kịp đào thải, còn ứ đọng trong cơ gây nên đau cơ. Một số trường hợp có thể có dấu hiệu phì đại cơ nhai. Cơ nhai bị ảnh hưởng rõ ràng và dễ thấy nhất là cơ cắn, do vậy, bệnh nhân thường sẽ có cảm giác đau âm ỉ hai bên vùng má, gần góc hàm. Biểu hiện ở khớp thái dương hàm : Khớp thái dương hàm cũng bị quá tải trong trường hợp nghiến răng. Lực nhai gây ra sẽ tác động vào hệ răng và khớp thái dương hàm. Lực tác động lên răng làm mòn răng, gãy nứt răng, lung lay răng… đồng thời tác động lên khớp gây ra những tổn thương cấu trúc khớp. Tùy mức độ tổn thương khớp mà bệnh nhân sẽ có nhiều biều hiện khác nhau: đau khớp, tiếng kêu vùng khớp, rối loạn vận động (há miệng lệch, há miệng hạn chế…) Biểu hiện khác: Ngoài những triệu chứng chủ yếu ở bộ máy nhai đã nêu, bệnh nhân còn có thể có dấu hiệu đau đầu, cùng những biểu hiện về tâm lý như lo lắng, căng thẳng…
Và với tất cả các triệu chứng trên chúng ta đều cần phải được khám và điều trị.
Vấn đề nguyên nhân của nghiến răng gây khá nhiều tranh cãi từ trước đến nay. Hiện tại, hầu hết các nhà nghiên cứu cho rằng rằng nghiến răng do nhiều nguyên nhân khác nhau phối hợp gây ra, bao gồm các yếu tố tại chỗ (rối loạn khớp cắn), yếu tố tâm lý (stress, lo âu, căng thẳng…) và yếu tố bệnh lý thần kinh. Trước đây, yếu tố tại chỗ được xem là yếu tố chính gây ra nghiến răng, rồi sau đó cho rằng yếu tố tâm lý mới là nguyên nhân, nhưng những nghiên cứu gần đây lại cho rằng yếu tố bệnh lý thần kinh lại là yếu tố chính. Yếu tố tại chỗ Vướng cộm khớp cắn được cho là nguyên nhân của nghiến răng trong một thời gian dài. Hãy tưởng tượng từng cặp răng như từng cặp cối xay. Hệ thống răng sẽ bao gồm nhiều cặp cối xay và chúng phải hoạt động đồng bộ với nhau. Vướng cộm khớp cắn làm cản trở hoạt động đồng bộ này và nghiến răng là một cách phản ứng của cơ thể nhằm loại bỏ những vướng cộm này. Tuy nhiên những nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng những vướng cộm khớp cắn không phải là nguyên nhân chính của nghiên răng. Nghiên cứu so sánh những người nghiến răng cho thấy không phải ai cũng có vướng cộm khớp cắn. Và ngược lại, rất nhiều người có vướng cộm khớp cắn nhưng không hề có nghiến răng. Đồng thời cũng không có nghiên cứu nào chứng minh được rắng vướng cộm khớp cắn là nguyên nhân của nghiến răng. Như vậy, vai trò của nó (nếu có) chỉ là vai trò phụ, chứ không phải là vai trò chính. Yếu tố tâm lý Yếu tố tâm lý cũng được cho là nguyên nhân ủa nghiến răng trong một thời gian. Những người nghiến răng thường hay lo lắng. Và nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy stress cũng là một yếu tố quan trọng ở những người nghiến răng. Tuy nhiên những nghiên cứu chủ yếu thuộc loại nghiên cứu phỏng vấn. Những nghiên cứu gần đây, sử dụng điện cơ đồ, điện não đồ, điện tâm đồ phối hợp trong nghiên cứu giấc ngủ cho thấy rằng thực sụ không có liên quan giữa stress và nghiến răng. Chỉ có yếu tố lo lắng là có ý nghĩa thống kê trong lien quan với nghiến răng. Yếu tố bệnh học thần kinh Yếu tố bệnh học thần kinh ngày càng được lưu ý nhiều hơn và được xem là nguyên nhân chính của nghiến răng. Ví dụ như nghiến răng có liên quan đến những rối loạn giấc ngủ, những thay đổi sinh hóa trong não, một số thuốc, sau chấn thương sọ não, nghiện rượu, hút thuốc… và ngay cả yếu tố di truyền hiện nay cũng xếp vào nhóm này. Nghiến răng chủ yếu xảy ra trong giấc ngủ, và có liên quan mật thiết đến đáp ứng tỉnh thức (arouse response) của cơ thể. Những ghi nhận liên quan giữa nghiến răng và đáp ứng tỉnh thức cho thấy 86% trường hợp nghiến răng xảy ra trong giai đoạn này. Đáp ứng tỉnh thức đặc trưng bởi giấc ngủ kém sâu, nhịp tim tăng, nhịp thở tăng và có những vận động như xoay người, co chân, co tay… trong khi ngủ. Mớ, mộng du… cũng là những hiện tượng xảy ra trong giai đoạn này. Những hiện tượng này còn gọi là hiện tượng cận giấc ngủ (parasomnia) và nghiến răng cũng được xem là một hiện tượng cận giấc ngủ. Đặc biệt những nghiên cứu gần đây xác nhận có sự liên quan giữa rối loạn hệ thống dẫn truyền thần kinh trung ương với nghiến răng. Khả năng là có tình trạng mất cân bằng giữa các đường dẫn truyền trực tiếp và gián tiếp trong hạch nền, nơi tập trung những nhân dưới vỏ có nhiệm vụ phối hợp và điều hòa các động tác. Sự mất thăng bằng là do rối loạn vận chuyển các dẫn xuất dopamine gây nên. Phát hiện này giải thích cho rất nhiều trường hợp nghiến răng do sử dụng thuốc lắc (ectasy), nghiện thuốc lá, hoặc một số thuốc điều trị bệnh tâm thần hay bệnh thần kinh gây ra. Amphetamine (ectasy) có tác dụng làm gia tăng nồng độ dopamine trong não, hoặc nicotine (trong thuốc lá) lại có tác dụng kích thích hệ dopaminergic…đã giúp giải thích những ghi nhận liên quan giữa người hút thuốc lá hay sử dụng amphetamine với nghiến răng. Yếu tố di truyền Trước đây di truyền cũng được xem là nguyên nhân của nghiến răng. Nghiên cứu với cỡ mẫu lớn nhất về liên quan giữa di truyền và nghiến răng là của CHRISTER HUBLIN và cộng sự (1998) dựa trên phỏng vấn (questionnaire) trên 1298 cặp sinh đôi cùng trứng và 2419 cặp sinh đôi khác trứng từ 33 đến 60 tuổi. Tỉ lệ nghiến răng xảy ra liên quan đến di truyền chiến 39 – 64%. Tuy nhiên, Michalowicz và cộng sự thực hiện nghiên cứu trên 250 cặp sinh đôi bằng cách phỏng vấn và nghiên cứu lâm sàng lại cho kết quả ngược lại. Do vậy, vẫn chưa thể kết luận được là di truyền có liên quan đến nghiến răng hay không.
Có 2 cách điều trị được áp dụng hiện nay là điều trị thuốc và điều trị bằng khí cụ miệng.
Điều trị thuốc: Thuốc được sử dụng trong điều trị nghiến răng có thể là thuốc uống, thoa thoa và thuốc chích. Thuốc uống là loại thuốc có tác dụng giảm lo âu như buspirone, thường sử dụng trong trường hợp nghiến răng là tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm. Những trường hợp nghiến răng khác không nên sử dụng thuốc này. Thuốc chích là một loại thuốc có tác dụng làm liệt cơ: Botox (thường sử dụng trong thẩm mỹ để xóa nếp nhăn). Thuốc này sử dụng chích vào cơ cắn có tác dụng trong vòng 4 – 6 tháng. Nhiều nghiên cứu cho thấy đây là một giải pháp khá hiệu quả trong nhiều trường hợp, như sau chấn thương, lạm dụng amphetamine (thuốc lắc)… Thuốc thoa là một hỗn hợp gồm các thuốc dãn cơ, kháng viêm, an thần với thành phần chính gồm : cyclobezaprin, có tác dụng làm giảm co thắt cơ, kết hợp với kháng viêm loại nonsteroid (keto-profen) cùng với an thần là diazepam. Thuốc này được thử nghiệm có tác dụng tốt trong nhiều trường hợp. Đây là một loại thuốc mới, đăng lý bản quyền vào tháng 10/2003. Điều trị bằng khí cụ miệng Điều trị khí cụ miệng (máng nhai) đã được thực hiện từ lâu với những hiệu quả được chứng minh trên lâm sàng. Mục đích của máng nhai nhằm làm giảm khả năng mòn răng, gãy nứt răng do nghiến răng gây ra. Đồng thời, máng nhai cũng làm giảm tình trạng co thắt của các cơ nhai. Việc điều trị nghiến răng bằng máng nhai đòi hỏi phải mang máng nhai trong một thời gian dài. Và khi không mang máng nhai, người ta thấy nghiến răng xuất hiện trở lại. Cho đến nay máng nhai vẫn là phương pháp chính trong điều trị nghiến răng trên thế giới. Tuy nhiên, không phải máng nhai hiệu quả trong tất cả các trường hợp nghiến răng (Theo một số nghiên cứu gần đây cho thấy máng nhai không có hiệu quả trong một số trường hợp).
Nghiến răng không chỉ gây khó chịu cho người thân mà còn gây những tổn hại ngay chính người bệnh. Những tổn hại này cần phải được ngăn ngừa trước khi quá muộn. Hãy đến các BS chuyên khoa đề được khám và tư vấn điều trị ở giai đoạn sớm là giải pháp tối ưu. Một ngành chuyên sâu nghiên cứu và điều trị nghiến răng trong ngành nha khoa là chuyên khóa cắn khớp học. Tuy nhiên, hiện nay, chuyên ngành này chưa phát triển lắm ở Việt nam.
Thạc sĩ Trần Ngọc Quảng Phi
|
|