|
Post by NHAKHOA on Dec 20, 2006 15:18:06 GMT -5
7 quan niệm sai lầm về cảm cúm ở trẻ em mà các bà mẹ nên tránh 2006-12-19
Nguyễn Thị Hồng
*
(VNC) Khi bị cảm, cúm, đau dạ dầy, và viêm tai mỗi người đều có một cách “xử trí”, phương pháp chữa trị có thể được truyền từ đời này sang đời khác, hoặc dựa vào những hiểu biết khoa học đã có. Một số ít người lại cho rằng đó là chuyện bình thường, không đáng lo ngại. Chỉ riêng bệnh cảm cúm – căn bệnh rất dễ gặp không chỉ ở trẻ em mà cả người lớn, ở cả người sức yếu lẫn người khoẻ thì những hiểu biết về nó của mọi người vẫn còn rất mù mờ. Sau đây là 7 quan niệm sai lầm mà các bà mẹ trẻ rất hay mắc phải khi thấy các bé bị cảm cúm.
1. Cảm thì cho ăn, sốt nên bỏ đói.
Đây là một câu nói nổi tiếng của Mark Twain nhưng sự thật đơn giản không phải như vậy. “Tất cả trẻ em và kể cả người lớn khi bị ốm, giả sử bị cảm lạnh, sốt hay cả hai thì đều cần nạp dinh dưỡng và nước để khoẻ hơn”, bà Liegh Ann Greavu – chuyên viên về ăn uống ở phố Paul, Minnessota phát biểu. “Nếu con của bạn không thích ăn cứng thì phở gà, nước hoa quả ép và thậm chí một cây kem cũng là sự lựa chọn tốt”
2. Chất nhầy màu xanh chứng tỏ các con bạn đã mắc phải chứng bệnh gì đó nguy hiểm hơn bị cảm thông thường.
Không phải lúc nào cũng đúng như vậy vì chất nhầy sạch là hiện tượng bình thường thì chất nhầy xanh hay vàng có thể sẽ là triệu chứng của bệnh cảm.Tuy nhiên, nếu chất nhầy không màu lại kèm theo các triệu chứng như sốt cao dai dẳng, chán ăn, ho và chảy máu cam... rất có thể là dấu hiệu nhuyễn trùng, nhiễm trùng khác cảm là đòi hỏi phải dùng đến kháng sinh. Nếu bạn để ý thấy con bạn thường xuyên có nhầy xanh hoặc vàng thì rất có thể con bạn đã mắc phải chứng bệnh nào đó(chẳng hạn như nấm sùi vòm họng ), chính căn bệnh này gây ra sự nhiễm trùng. Trong trường hợp đó, hãy đưa con bạn đến bác sĩ ( đây là cách tốt nhất để phá vỡ chu kỳ tiềm ẩn của mầm cúm).
3. Cảm và cúm chủ yếu bị lây trước khi các triệu chứng xuất hiện.
Hầu như Cảm cúm dễ dàng bị lây khi các triệu chứng xấu đã xuất hiện. Thông thường là lây qua ho hoặc hắt hơi (chứa virut cúm) hoặc lây qua đường tiếp xúc tay với tay. Đặc biệt, trẻ rất dễ bị nhiễm bệnh khi sức đề kháng yếu. Tuy nhiên cho dù thế nào thì nguy cơ mắc bệnh vẫn luôn thường và léo dài dai dẳng. Vì vậy thậm chí khi các bé đã khỏi bệnh, đưa bé đi nhà trẻ. Nhà trẻ có thể vẫn từ chối nhận.
4.Các tốt nhất là cứ để mặc những cơn sốt nhẹ.
Điều này phụ thuộc vào tình trạng của con bạn như thế nào. Những cơn sốt sẽ giúp chống lại sự lây bệnh bằng cách kích thích hệ thống miễn dịch, giết chết các con vi khuẩn và virut vốn không thể tồn tại ở nhiệt độ cao hơn nhiệt độ bình thường của cơ thể. Nhưng thật khó chấp nhận khi cứ để mặc con bạn chịu đựng như vậy. Hãy cố gắng duy trì sự thoải mái cho bé và để cơ thể của con bạn làm công việc của nó. Daniel Levy, phó giáo sư - bác sĩ tại trường Đại học Dược Maryland ở Baltimore nói. Nếu bé bị sốt nhẹ nhưng nhường như rất mệt, ngủ lịm đi, hoặc đau mỏi thì hãy cho bé uống Acetaminophen hoặc Ibuprofen, thuốc sẽ giúp cho con bạn cảm thấy thoái mái và ngủ tốt hơn. Nếu thấy bé khoẻ và thoái mái hơn mặc dù sốt cao gần 40 °C, thì chỉ việc để mắt đến con bạn ( chỉ để chắc chắn rằng sự trao đổi chất của con bạn vẫn tốt). Trừ trường hợp: Đối với bé dưới 6 tháng tuổi, hễ thấy sốt ,cách tốt nhất là lập tức gọi điện cho bác sĩ.
5.Chế độ ăn kiêng chuối + cơm + táo thắng nước đường + bánh mỳ là tốt nhất khi bé bị bệnh tiêu chảy.
Chế độ ăn gồm chuối, cơm, táo thắng nước đường và bánh mỳ đã từng được sử dụng như một đơn thuốc chuẩn mực để trị bệnh tiêu chảy. Tuy nhiên, một bữa ăn nhiều cơm và chuối tráng miệng không phải là nhu cầu thích hợp với một đứa trẻ đang ốm.
“Con bạn sẽ nhanh khoẻ hơn nếu bạn cho bé ăn những gì mà bé vẫn thường ăn”, Andrea McCoy, Phó Giáo sư-Bác sĩ khoa nhi tại trường đại học Pennsylvania ở Philadelphia phát biểu. (chỉ tránh thức ăn cay, có mỡ và nước ép hoa quả)
6. Đừng hôn bé nếu bạn bị cảm cúm.
“Sự thật thì một cái hôn môi sẽ chẳng gây hại gì “, Neil schachter, Bác sĩ đồng thời là tác giả của cuốn “Sự chỉ dẫn cần thiết của bác sĩ về bệnh cảm cúm” đã nói vậy. Không giống một cái hắt hơi hay một cơn ho làm bắn ra hơi nước có chứa đầy vi rut cúm, nước bọt trong miệng bạn chứa rất ít vi rút cúm. Vì vậy, điều khó tin bệnh cúm rất khó lây khi hôn. Cách tốt nhất để ngăn ngừa bé bị lây bệnh cúm từ bạn là: hãy thường xuyên rửa tay sạch sẽ.
7.Cúm sẽ gây ra viêm tai.
Nó có vẻ là như vậy, nhưng tất cả bệnh cúm đều do vi rút gây ra, trong khi 90 % viêm tai lại do vi khuẩn gây nên. Vậy tại sao con bạn lại thường viêm tai mỗi khi bị cúm? “bệnh cúm tạo ra chất nhầy và sự tích tụ dịch lỏng trong tai, đây là một môi trường tốt cho bệnh viêm tai khi vi khuẩn lớn lên”, Ari Brown, bác sĩ đồng thời là tác giả của cuốn “Dành cho bé khi mới biết đi - 411 những câu trả lời rõ ràng và lời khuyên sáng suốt nhất cho bé của bạn”, nói.
(theo CNN – Health) ************************* Trẻ em ăn mật ong, đi máy bay (VienDongDaily.Com - 15/08/2008) Bs. Nguyễn Thị Nhuận Tại sao không nên cho trẻ dưới 1 tuổi ăn mật ong? Có nên cho trẻ em dưới 1 tuổi đi máy bay?
Hỏi: Tôi nghe nói không nên cho em bé ăn mật ong sợ gây bệnh tê liệt. Điều này đúng không? Trả lời: Người Việt Nam hay có tục rơ miệng em bé mới sinh bằng mật ong vì lưỡi các em thường có bợn trắng tự nhiên. Khi rơ lưỡi như vậy, dĩ nhiên các em sẽ nuốt mật ong vào bụng. Điều này khá nguy hiểm vì mật ong thường có chứa những mầm vi trùng Clostridium botulism. Vi trùng này khi vào người sẽ tiết ra độc tố gây bệnh “infant botulism”, một căn bệnh gây ra yếu và liệt các bắp thịt trong người, có thể đưa đến việc ngưng thở ở các trẻ dưới 1 tuổi. Bà có thể hỏi “Vậy tại sao người lớn thường ăn mật ong mà không việc gì?” Câu trả lời là với trọng lượng một người lớn hay một trẻ em lớn hơn 1 tuổi, lượng độc tố nhỏ không gây ta triệu chứng đáng kể nhưng sẽ đáng kể đối với trẻ dưới 1 tuổi, thường cân nặng dưới 10kg. Độc tố của vi trùng Clostridium botulism tác dụng lên hệ thần kinh của em bé. Triệu chứng của bệnh “infant botulism” gồm có: - Bón kinh niên - Tay, chân, cổ mềm oặt - Khóc yếu ớt vì các bắp thịt bị yếu - Nút bình sữa một cách yếu ớt, không ăn được - Có vẻ mệt, buồn ngủ cả ngày, không thức giấc để ăn hay chơi - Không thở được Đa số các em mắc bệnh sẽ dần hồi phục khi được định bệnh và chữa trị. Tuy nhiên, một số các em có thể ngưng thở đưa đến cái chết. Mầm vi trùng gây bệnh, ngoài những chai mật ong bán sẵn, còn có thể có trong đồ ăn đóng hộp tại nhà, corn syrup. Do đó, không nên cho trẻ dưới 1 tuổi ăn những thứ này.
Hỏi: Tôi mới sinh xong và muốn về Việt Nam ở một thời gian để cháu có người săn sóc. Nếu tôi cho cháu bé nhỏ như vậy đi máy bay thì có gì nguy hiểm không? Trả lời: Thường thì trẻ nhỏ vẫn có thể đi máy bay khá an toàn. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ cho rằng trẻ dưới 2 tuần không nên đi máy bay vì trong khoảng thời gian này, em bé vẫn còn đang thích nghi với đời sống bên ngoài tử cung của mẹ và rất dễ bị nhiễm trùng trong không khí “tái dụng” bên trong máy bay. Khi cho em bé đi máy bay, tai các em cũng sẽ bị tác dụng của việc thay đổi áp suất không khí khi máy bay cất hay hạ cánh như người lớn, khiến em bị đau. Bà có thể làm em dễ chịu hơn bằng cách cho em bú trong những lúc này. Nếu em đã no, có thể cho em ngậm núm vú. Nếu em bé đang bị nhiễm trùng tai, có thể em sẽ bị khó chịu nhiều hơn. Nến cho em khám bệnh trước khi đi máy bay. Theo lời khuyên của Hội Nhi Khoa Hoa Kỳ, khi cho em bé đi máy bay, bà nên đem theo car seat. Đặt car seat này ngược chiều trên chỗ ngồi, cho em vào chỗ và ràng car seat chặt vào ghế. Chọn car seat được chứng nhận an toàn và không rộng quá 16 in. để có thể vừa vào ghế ngồi. Nên xin được ngồi chỗ hàng đầu của mỗi vùng trong máy bay (bulkhead seats) để có thể xoay trở dễ dàng hơn và tránh ngồi chỗ lối ra khẩn cấp. Đem theo lên máy bay đồ chơi, chăn gối... quen thuộc của em. Nếu em quá khó chịu, có thể bế em đi lại trên lối đi để giúp em dễ chịu hơn.
|
|
|
Post by NHAKHOA on Dec 22, 2006 0:34:56 GMT -5
CÚM ĐANG DỮ Bác sĩ Nguyễn Văn Đức
Khổ thực, mùa Đông, có năm nào cúm nó thương tình, đi chơi chỗ khác không đến cho chúng ta nhờ! Thường nó lẻn đến tháng 12, đánh lẻ tẻ, rồi ra tay mạnh vào tháng Giêng, nhưng năm nay nó lạ, mãi tháng 3 này mới nhiều, và còn đang tiến tới đỉnh cao ác liệt. Bao người cơ cực vì nó.
Cúm (Influenza) gây do siêu vi trùng cúm “Influenza” (Influenza virus), hoành hành từ tháng 12 tới khoảng tháng 4 mỗi năm. Ta phân biệt “cúm” (nôm na là “flu”) với “cảm” (cold). Cảm xảy ra quanh năm, so với cúm hiền hơn nhiều, gây bởi những siêu vi ít hung dữ bằng siêu vi cúm.
Cúm năm nào cũng đến, song mức độ lan tràn và nặng nhẹ mỗi năm mỗi khác. Những trận dịch cúm lớn, khắp toàn thế giới, cứ 10 đến 15 năm lại xảy ra một lần, kể từ trận dịch lớn năm 1918-1919. Trận dịch toàn cầu năm 1957 làm chết hơn 70.000 người riêng tại Mỹ, chưa kể các nơi khác trên thế giới. Con số người chết bởi các trận dịch lẻ tẻ giữa những trận dịch lớn toàn cầu cũng không phải nhỏ. Những năm gần đây ở Mỹ, mỗi mùa Đông, cúm giết hại 36.000 người. 80-90% số người chết vì cúm ở vào tuổi trên 65. Thứ đến là những vị mang các tật bệnh kinh niên.
Mức độ tấn công của cúm có thể lên đến 20-30% (tức cứ 10 người, đến 2-3 người bị cúm). Có gia đình cả nhà thay nhau bịnh hết.
Siêu vi trùng cúm gian manh, mỗi năm chúng có thể đổi khác đi cái vỏ bọc bên ngoài của chúng. Vỏ quít dày có móng tay... cố nhọn, mỗi năm người ta lại chế thuốc chích ngừa cúm khác đi, với hy vọng sẽ ngừa được dịch cúm sắp xảy ra trong mùa Đông năm đó. Siêu vi cúm có 3 dòng: A, B và C. Dòng cúm A hung dữ nhất, từng gây những trận dịch nổi tiếng thế giới.
Cảm thì quanh quẩn quanh năm, cúm gần như chỉ xảy ra vào mùa Đông. Vậy, cúm ở đâu, cuối năm mới về góp mặt, vui... Đông, đón Tết? Một giả thuyết cho rằng quanh năm, siêu vi cúm luôn có ở một số người trên khắp thế giới, nhưng… nằm chơi sơi nước, không gây triệu chứng, chờ đến mùa Đông mới ra tay hoành hành. Một giả thuyết nữa: vào các mùa khác, siêu vi cúm trốn ở các súc vật, nghỉ dưỡng sức, vào Đông mới vươn vai tỉnh giấc, và lây sang người.
Siêu vi cúm ẩn trong nước mũi, nước miếng người bệnh. Bệnh truyền từ người bị cúm sang người chưa nhiễm khi những hạt nước nhỏ li ti có chứa siêu vi cúm, bắn ra từ mũi, miệng người bệnh khi họ ho, hắt hơi. Bắt tay, ôm nhau cũng có thể truyền bệnh (dịp lễ lạc, gặp nhau ai cũng tay bắt mặt mừng, choàng vai bá cổ, thân hơn còn ôm rịt lấy nhau!). Trong nhà có người đang cúm, bạn khó tránh lây bệnh. (Đang cúm, ho, hắt hơi, bạn nhớ che miệng, mũi bằng mặt trong khuỷu tay, để tránh lây bệnh người khác.)
Triệu chứng
Thời gian từ lúc mới lây bệnh đến lúc bệnh phát ra ngắn, chỉ khoảng 18-72 tiếng đồng hồ. Khác với cảm, triệu chứng của cúm rất đột ngột, nhiều người có thể nói đích xác mình bắt đầu có triệu chứng vào đúng lúc nào.
Đang tự dưng, bạn bỗng nhiên nhức đầu, nóng sốt (thường trên 38.3 độ C hay 101 độ F), ớn lạnh, yếu mệt, khó chịu trong người, nhức mỏi các bắp thịt. Đi kèm là các triệu chứng hô hấp: sổ mũi, rát cổ họng, ho khan, tức vùng giữa ngực. Mắt cũng cay nóng (burning), khó chịu lúc nhìn ánh sáng, đau khi đảo mắt. Cúm nặng có thể gây mê sảng. Nóng sốt lên cao nhất trong vòng 24 tiếng đầu (nhiều trường hợp đến 41 độ C), rồi giảm dần trong vòng 2-3 ngày sau. Thỉnh thoảng, cũng có trường hợp nóng sốt kéo dài cả tuần. Nhức đầu thường dữ dội, làm ta khó chịu nhất. Các bắp thịt toàn cơ thể nhức mỏi như dần, nhất là ở lưng dưới và chân. Có người đau cả các khớp xương. Ôi, bị cúm, đời đáng chán!
Nếu không có biến chứng, các triệu chứng của bạn giảm dần trong vòng 3 đến 5 ngày, nhưng thời gian hồi phục để có thể trở lại làm việc như trước thường chậm hơn khi bị cảm, mất nhiều ngày hay nhiều tuần, nhất là ở người lớn tuổi.
Vị nào đã chích ngừa cúm, nếu không may... vẫn bị cúm, triệu chứng thường nhẹ hơn so với người không chích ngừa.
Biến chứng
Triệu chứng cúm tuy khó chịu thực, song cúm không nguy hiểm vì các triệu chứng của nó. Những biến chứng (complications) của nó mới nguy hiểm. Biến chứng xảy ra nhiều nhất là sưng phổi (pneumonia). Siêu vi cúm, dữ hơn các siêu vi cảm, làm tổn thương niêm mạc (mucosa) lót lòng các ống phổi. Sưng phổi do chính siêu vi cúm gây ra, hoặc do các vi trùng (bacteria) luôn có sẵn trong đường hô hấp. Các vi trùng này thường ngày vẫn sống chung hòa bình với ta không sao, nay nước đục thả câu, bám vào những chỗ niêm mạc bị siêu vi cúm làm tổn thương, tấn công luôn, gây sưng phổi. Biến chứng sưng phổi hay xẩy ra ở các vị lớn tuổi, hoặc những người có bệnh tim, bệnh phổi kinh niên.
Biến chứng nguy hiểm khác là hội chứng Reye (Reye syndrome) ở trẻ em. Hội chứng Reye hay xảy ra nhất trong khoảng tuổi 2 đến 16, vài ngày sau khi bị cúm. Lúc các triệu chứng của cúm có vẻ như đang bớt dần, trẻ đột nhiên buồn nôn và ói mửa. Sau đó khoảng 1-2 ngày, trẻ lờ đờ hoặc mê sảng, giật kinh phong (seizure), rồi đi dần vào hôn mê và có thể chết. Trước kia, khi người ta chưa biết nhiều về hội chứng Reye, tử vong lên đến hơn 40% (cứ 10 trẻ có hội chứng Reye, hơn 4 trẻ chết). Ngày nay, dù với sự định bệnh mau chóng và với các cách chữa trị thích ứng, tử vong vẫn còn khoảng 10% (10 trẻ bị, 1 trẻ chết). Cơ chế gây ra hội chứng Reye ở trẻ em bị cúm hiện chưa được biết rõ. Tuy nhiên, người ta nhận thấy các trẻ em nhiễm cúm, nếu dùng Aspirin, sẽ dễ bị hội chứng Reye hơn các trẻ không dùng Aspirin. Hội chứng Reye nay đã giảm đi nhiều, kể từ khi các bậc phụ huynh được báo động, không còn dùng Aspirin cho các trẻ em cảm hay cúm.
Các biến chứng khác của cúm: viêm ống phổi, viêm xoang quanh mũi, viêm các bắp thịt, cơ tim, óc, ... Ngoài ra, ở những vị đang mang bệnh tim, phổi hoặc thận kinh niên, cúm có thể làm các cơ quan này, vốn đã yếu sẵn, thành suy yếu hơn, đe dọa tánh mạng người bệnh.
Chữa trị
Sự chữa trị cúm, trong những trường hợp không có biến chứng, gồm các phương cách giúp người bệnh đỡ khổ sở vì các triệu chứng, trong lúc chờ cho cơn cúm đi qua.
Trụ sinh (antibiotics) vừa tốn kém, lại chẳng ăn thua, không làm cúm sợ và đi mau hơn. Trụ sinh chỉ diệt được vi trùng (bacteria), không có kết quả trong những bệnh gây do siêu vi trùng (virus) như bệnh cúm. Chúng... “siêu” hơn vi trùng, nên không sợ trụ sinh. (Các tài liệu y học, vẫn luôn đưa ra lời kêu gọi, yêu cầu các bác sĩ không nên dùng trụ sinh để chữa cảm, cúm). Việc sử dụng trụ sinh chỉ cần thiết, khi đã có các biến chứng (complications) do vi trùng, như sưng phổi, viêm tai giữa (otitis media), viêm các xoang quanh mũi (sinusitis). Các khảo cứu cho thấy, nếu dùng sớm, trụ sinh cũng không ngăn ngừa được các biến chứng. Và một khi biến chứng xảy ra, than ôi, vi trùng đã kháng, đã lờn mặt loại trụ sinh đang sử dụng. Dĩ nhiên cần đổi trụ sinh, có khi phải dùng một loại khác độc hại hơn, đắt tiền hơn, làm thủng túi tiền bạn.
Ta nên nghỉ ngơi và uống thêm các thức uống để cơ thể khỏi thiếu nước, nếu có sốt cao. Ta dùng Tylenol hay các thuốc như Aspirin, Advil, Nuprin, Aleve (mua không cần toa bác sĩ) để hạ sốt, bớt nhức đầu, đau mỏi các bắp thịt. Dùng Tylenol an toàn nhất. Aspirin, Advil, Nuprin, Aleve, ... có thể gây chảy máu đường tiêu hóa ở người lớn. Nhất là, nên tránh dùng Aspirin cho các trẻ em dưới 19 tuổi, để tránh hội chứng Reye. Thuốc ho, thuốc sổ mũi, nghẹt mũi hữu dụng trong trường hợp có ho hoặc sổ, nghẹt mũi.
Hiện có hai thuốc thường được sử dụng để chữa cúm gây do siêu vi trùng A: Amantadine và Rimantadine. Nếu uống ngay trong vòng 48 tiếng kể từ khi bắt đầu có triệu chứng, Amantadine và Rimantadine khiến các triệu chứng cúm mau thuyên giảm (rút ngắn thời gian đau khổ vì cúm khoảng 50%). 5-10% người dùng Amantadine cảm thấy bứt rứt, căng thẳng, khó ngủ hoặc khó tập trung tư tưởng. Các triệu chứng này sẽ chóng hết khi ta ngưng Amantadine. Rimantadine ít gây phản ứng phụ hơn Amantadine, song đắt hơn. Trong mùa cúm, nếu bỗng nhiên nóng sốt, bạn nên nghĩ: “Chết cha, chắc bị cúm rồi”, và đi bác sĩ sớm trong vòng 48 tiếng (2 ngày), để có toa mua thuốc Amantadine hoặc Rimantadine. Chớ mất thì giờ... cạo gió, thoa dầu, vừa đau, vừa nặng mùi, lại chẳng ăn thua (bạn có biết, vào nhà thương, vị nào thoa dầu, bác sĩ và y tá thường họ khám cho nhanh, rồi vội lảng ra xa, vì... không chịu nổi mùi dầu!).
Hai thuốc mới Rilenza và Tamiflu trị được cả cúm A lẫn cúm B. Hai thuốc này khá đắt, và cũng phải dùng ngay trong vòng một hai ngày đầu khi cúm vừa đến thăm, mới mong có hiệu quả.
Bạn đang bị cúm (hay lúc bị cảm), nóng lòng muốn “chích thuốc” để cúm mau hết. Muốn chiều lòng bạn lắm, nhưng chích thuốc gì bây giờ? Đúng theo sách vở, các siêu vi trùng cúm, cảm đâu có sợ kim chích, làm gì có thuốc chích để cúm (hay cảm) cuốn gói đi nhanh hơn.
Ngừa cúm
Phương pháp trị cúm hữu hiệu nhất hiện vẫn là chích ngừa cúm hàng năm. Chích ngừa xong, ta không được bảo vệ 100%, nhưng ít ra cũng được 50 đến 80%. Những người trẻ khỏe trong hạn tuổi 5 đến 49 có thể ngừa cúm bằng thuốc xịt Flumist.
* Ai cần được chích ngừa?
Tiểu Ban Cố Vấn về Chích Ngừa (Advisory Committee on Immunization Practices) đề nghị chích ngừa cúm cho các trẻ em (từ 6 tháng trở lên) và những người lớn bị nguy hiểm nếu nhiễm cúm, do cao tuổi hoặc vì đang mang bệnh làm cơ thể yếu sẵn:
- Người lớn trên 64 tuổi, dù không có bệnh gì quan trọng.
- Trẻ em trong khoảng tuổi 6-23 tháng.
- Phụ nữ mang bầu, thai kỳ sẽ vào tháng thứ 4 trở đi khi vào mùa cúm.
- Trẻ em tuy ngoài khoảng tuổi 6-23 tháng và người lớn tuy dưới 65, tuy không mang thai, nhưng đang có các bệnh kinh niên như bệnh tim, bệnh phổi (kể cả bệnh suyễn), bệnh thận, bệnh tiểu đường, thiếu máu nặng, bệnh AIDS, ..., hoặc người đang phải dùng những loại thuốc khiến sức kháng cự của cơ thể suy giảm, như thuốc Prednisone, thuốc chống ung thư.
- Người đang ở trong các viện chăm sóc đặc biệt (nursing homes).
- Người dưới 19 tuổi đang phải dùng Aspirin lâu dài (vì họ có thể bị hội chứng Reye nếu nhiễm cúm).
- Các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế, có nhiệm vụ trực tiếp săn sóc những người thuộc các thành phần kể trên, cả người nhà (household contacts) nữa, cũng nên chích ngừa để tránh nhiễm cúm rồi lây lại cho người thuộc các thành phần cần được chích ngừa cúm kể trên.
Ngoài ra, tuy không thuộc các thành phần trên, nhưng sợ cúm dữ, ai trong chúng ta cũng có thể chích ngừa (trừ người nào bị nhạy ứng với trứng, vì chất đệm của thuốc chế từ trứng).
Người trẻ khỏe trong hạn tuổi 5 đến 49 ngừa cúm bằng thuốc xịt Flumist cũng rất hữu hiệu.
* Chích ngừa lúc nào tốt nhất?
Ở Mỹ, thường dịch cúm chỉ bắt đầu vào tháng 12. Cúm tấn công mạnh nhất vào khoảng tháng Giêng (1) và tháng Hai (2), sau đó vẫn còn hoành hành cho đến tháng 4 khi Xuân sang, song với mức độ ít hơn.
1-2 tuần sau khi chích ngừa cúm, cơ thể bắt đầu có kháng thể (antibody) chống cúm. Kháng thể tồn tại trong cơ thể 6 tháng hay hơn. Tuy nhiên, ở một số vị có tuổi, lượng kháng thể giảm xuống dưới mức bảo vệ sau 4 tháng. Thời điểm tốt nhất để chích ngừa cúm, là khoảng tháng 10 đến giữa tháng 11, trước khi cúm đến. Dù vậy, đang trong mùa cúm, rủi chưa chích ngừa, những vị cần được chích ngừa vẫn nên chích, muộn còn hơn không, may ra có cơ còn tránh được cúm.
A, bạn đang nằm đứ đừ trong chăn, lạnh ơi là lạnh, miệng ho liên miên muốn bứt thở, đầu óc lơ tơ mơ có lúc thấy... cửa Thiên Đường, nghĩ giận lũ siêu vi cúm, giận ơi là giận. Bạn biết thế nào là cúm rồi, không còn lẫn giữa cảm và cúm nữa. Bạn lẩm nhẩm, “Cúm quả không thể coi thường, từ nay xin cạch đến già, không lười được, thế nào cũng phải chích ngừa hàng năm trước mỗi mùa cúm”. (Bạn trẻ, khỏe trong hạn tuổi 5 đến 49, có thể dùng thuốc ngừa Flumist.)
|
|
|
Post by NHAKHOA on Aug 18, 2010 13:32:28 GMT -5
Nuôi con ở Mỹ: Phụ huynh thế hệ lỡ nhịp, nuôi con từ xa và phụ huynh trực thăng.(Skipped generation family, teleparenting and helicopter parents). Trước 1975, trong hoàn cảnh chiến tranh, không ít người trong chúng ta sống trong một gia đình vắng mặt cả cha lẫn mẹ. Có thể là người cha đi lính, mẹ buôn bán tảo tần hoặc đôi khi làm một việc nào đó nơi xa để nuôi gia đình. Có những trường hợp người cha chết trận, mẹ lấy chồng khác để con thơ lại cho ông bà nuôi. Những đứa trẻ không phải là mồ côi nhưng phải sống với những người bà con khác thế cha mẹ mình, thường là ông bà nội ngoại. Thế hệ ông bà, những người bốn mươi trở lên, sau khi đã nuôi nấng con cái trưởng thành, tưởng sẽ được nghỉ ngơi tuổi trung niên hay tuổi già, lại thêm một lần nữa lãnh nhiệm vụ nuôi trẻ con. Thế là những người cha mẹ trẻ tuổi đã vì một lý do nào đó , vắng bóng trong dây chuyền các thế hệ đi từ ông bà, tới cha mẹ, tới con, tới cháu. Thế hệ này, ở Mỹ hiện nay gọi là skipped generation, thế hệ bị nhảy băng qua trong gia đình, lỡ nhịp (giống như trái tịm đang đập đều đặng bỗng bỏ lỡ đi một nhịp, các bác sĩ gọi là skipped beat.). Các gia đình (hộ) này gọi là skipped generation household (hoặc skip generation household). Theo một bài báo mới đây đăng trong The New York Times, hiện tượng này tăng nhanh trong những năm gần đây, nhất là trong giới Da Đen ở các đô thị lớn như Washington DC . Năm 1990 có 1,3 triệu gia đình loại này ở Mỹ, thì nay có khoảng 2,5 triệu hộ loại này. Trong các gia đình này, người đàn ông hoặc chết, hoặc bị bịnh AIDS, ghiền xì ke ma túy, hoặc bị ở tù, và người mẹ, vì một lý do nào đó như vị thành niên, mắc bịnh tâm thần nên đứa trẻ không có người giám hộ hợp pháp chăm sóc. Hệ thống foster care (cha mẹ nuôi tạm thời) hiện phụ trách cho chừng 500.000 trẻ con tại Mỹ. Tuy nhiên foster care đắt tiền (80.000 dollar một năm cho mỗi trường hợp). Hơn nữa theo luật định, trẻ không được ở với foster parents quá 15 tháng (trên thực tế trung bình 30 tháng) và sau đó phải trả về gia đình của nó hoặc giao cho cha mẹ nuôi thực thụ (adopted parents). Trước đây chính phủ không biết giao những đứa trẻ này cho ai, một phần vì nếu bà con ông bà lo cho chúng nó thì chính phủ không chịu trợ giúp. Một chiều hướng gần đây bắt đầu thịnh hành là chính phủ chính thức giao đứa trẻ cho những người thân thuộc của nó nuôi, thường là ông bà của đứa trẻ, hoặc cô, chú.. của nó… Những người này được quyền giám hộ hợp pháp (legal guardmanship to replace foster care, trước đây gọi là kinship care program) và được nhà nước tài trợ. Có những trẻ con Việt nam ở Mỹ cũng rơi và những trường hợp gia đình “nhảy một thế hệ” tương tự. Một số trẻ bị cha vào tù, mẹ mắc bịnh tâm thần, ở với ông bà của mình. Tuy nhiên những người Việt lớn tuổi ở Mỹ thường không có đủ khả năng về vật chất (sống nhờ trợ cấp (welfare), hay lương thấp, nhà trọ chật chội) và thiếu kỹ năng cần thiết để chăm sóc dạy dỗ trẻ em (như không biết tiếng Anh, không biết khai thác các dịch vụ xã hội). Một số trẻ, sau nhiều lần bị bỏ bê (child neglect) và được dịch vụ bảo vệ trẻ em (child protective service) để ý tới, cuối cùng phải giao cho foster parents, và lần hồi được những người Mỹ nhận làm con nuôi chính thức. Những trẻ này phần lớn sẽ dần dần quên hết quá khứ Việt nam của mình và “hội nhập” hoàn toàn vào gia đình cha mẹ nuôi, và đây cũng là một điều đáng mừng cho các cháu (nếu chúng ta tạm thời khoan nghĩ đến những thiếu thốn về tình cảm và những nuối tiếc về nguồn gốc và bản sắc [identity] có thể có lúc em lớn lên.) Tuy nhiên, điều mà chúng ta nên để ý nhiều hơn là một hiện tượng khác có vẻ như càng ngày càng phổ biến ở Mỹ. Có những gia đình mà người cha và người mẹ hầu như luôn luôn vắng mặt trong nhà. Người cha cũng như mẹ thường đi làm việc từ sáng sớm đến tối mới về. Một số cha mẹ người Mỹ cũng vậy, chỉ khác người Mỹ thường không có ông bà đứa trẻ sẵn lòng ở nhà coi chừng nó, nên người Mỹ nếu muốn để con ở nhà phải mướn người giữ trẻ khá tốn kém (như mướn các cô gái trẻ au-pair từ Châu Âu sang, hoặc các nannies từ Philippines sang), hoặc phải gởi chúng đi nhà trẻ khá đắt tiền và nhất là có giới hạn giờ giấc. Hình như chỉ có các cặp vợ chồng trẻ Việt nam chúng ta là được cái xa xỉ giao con cái cho ông bà chúng (thường là từ Việt nam mới qua), nhiều khi cả tuần không thấy mặt con. Sáng sớm đi làm thì con chưa dậy, khi về thì con đã ngủ rồi. Cho nên, tuy nhìn qua, thấy vẫn ông bà cha mẹ con cái đề huề một nhà, trên thực tế, lắm gia đình của chúng ta cũng là skipped generation household. Một trào lưu khác đang nẩy nở trong lối nuôi con của người Việt hải ngoại chúng ta là gởi con về Việt nam cho ông bà, cô dì của chúng nuôi dùm, vài tháng, có khi vài năm. Trong lúc cha mẹ chúng ở Mỹ ráng làm tiền thật nhiều, gởi về trả người nuôi bé, trang bị nhà ở Việt nam đủ mọi thứ tiện nghi như máy lạnh, TV video, và cho cháu học trường tư, dạy tiếng Anh, đi bác sĩ ngoại quốc. Nếu gọi những gia đình này là skipped generation thì cũng không sai. Làm cha mẹ theo lối này chúng ta có thể tạo nên một từ mới và gọi là “teleparenting” cũng được, giống như hiện nay một số người khỏi cần lái xe đến sở làm (commute), mà chỉ cần ngồi nhà trước computer nối liền với nơi làm việc bằng internet. và điện thoại. Những trẻ được nuôi nấng từ xa này sẽ thiếu vắng người cha và người mẹ trong những năm tháng mà tình cảm gắn bó cha con mẹ con nẩy nở mãnh liệt nhất. Chắc rằng sự vắng bóng của cha mẹ chúng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về sau này của các em (về khả năng hiểu biết, về ý thức kỷ luật, về tình cảm , cách đối xử với người chung quanh) , mặc dù có thể có những điểm lợi cũng đáng kể trước mắt ( trẻ sống ở Việt nam được chiều chuộng, săn sóc hơn vì nhân công ở Việt nam rẻ, những dịch vụ như giải trí, khám bịnh, thầy giáo dạy kèm có thể rẻ tiền hơn và dễ kiếm hơn). Người cha mẹ lúc đầu có thể lo lắng, nhớ con, hơi có mặc cảm "tội lỗi” vì mình không gắn bó với đứa con trong những năm tháng với những mốc phát triển (developmental milestones) của nó, như lúc cháu biết ngồi, cháu biết kêu “ba” , cháu chập chững biết đi…. Nhưng nuôi con qua điện thoại dần dần rồi cũng quen, nhất là đối với những người bận rộn, “lu bu” trong công việc. Vắng mặt đứa con là sợi dây nối liền giữa hai vợ chồng, đôi khi tương quan giữa cha mẹ của bé cũng như muốn tan rã. Tuy nhiên, đứa trẻ được ông bà của nó là những người trung niên hoặc già dặn tuổi đời và nhiều kinh nghiệm sống hơn cha mẹ chúng; đấy có thể là những điểm tốt cho sự nuôi dưỡng và giáo dục chúng và trường hợp này khác một số những gia đình ở Mỹ. Trong số lớn những gia đình skipped generation trên đất Mỹ, thế hệ ông bà bì thất học, nghiện ngập hoặc phạm pháp, đã từng thất bại trong sự giáo dục con cái của chính họ, thì nay đến lúc họ phải phụ trách nuôi nấng thêm một thế hệ nữa, khả năng để thoát ra khỏi vòng lẫn quẩn thật ít ỏi. Đối nghịch với hoàn cảnh trên là một hoàn cảnh gia đình khác cũng đang làm các nhà giáo dục Mỹ cũng như những bác sĩ nhi khoa phải nhức đầu. Thay vì người cha mẹ vắng mặt trong gia đình như trong thế hệ lỡ nhịp thì ta lại có những phụ huynh mà ở đâu cũng có mặt: trong lớp học để canh thầy giáo có lơ là con mình hay không, trong phòng họp với thầy và hiệu trưởng để kỳ kèo thêm từng điểm, trong phòng khám bịnh để sửa sai từng câu nói con mình khai bịnh, cha mẹ giành viết bài luận văn (essay) của con trong lúc con xin vô đại học, ngay cả lúc con xin interview xin việc cũng đi theo thăm dò luôn. Người Việt chúng ta dễ thông cảm những thái độ “quá kỹ” kiểu này và nếu không bị giới hạn bởi khả năng Anh ngữ và văn hóa, có lẽ chúng ta cũng sẽ rất sẵn sang “nhào vô” lo giùm con cái. Tuy nhiên người Mỹ đặt nặng tính tự lập của mỗi con người đang trưởng thành. Họ khuyến khích cha mẹ nhận lãnh trách nhiệm trong giáo dục con cái mình nhưng không can thiệp tới mức làm cho đứa trẻ thấy nó mất vai trò quyết định chủ động, mất đi tính xông xáo, tự tin và khả năng hành xử một cách độc lập căn cứ trên phán đoán của mình. Những cha mẹ ở đâu cũng có mặt đó người Mỹ gọi là helicopter parents, tựa như trực thăng bay luôn luôn lởn vởn trên đầu theo dõi đám đông biểu tình. Người Việt chúng ta có câu: “Nhà giàu đứt tay bắng ăn mày đổ ruột”. Cái ý mỉa mai của câu nói nhiều khi làm người ta quên rằng, đôi khi người ta có thể chết vì biến chứng của một vết thương nhỏ như ngón tay bị đứt và vết thương đổ ruột có thể dễ hồi phục , ít có biến chứng hơn ở những người gọi là nghèo, vì những người này do cuộc sống dãi dầu, có thể có đề kháng tốt hơn, có sức chịu đựng tốt hơn, không bị những bịnh như tiểu đường (diabetes), mập phì (obesity) làm vết thương khó lành . Cho nên nói gì thì nói, người có tiền có của, kiến thức càng nhiều, phương tiện càng nhiều thì càng lo lắng cho con cái họ nhiều hơn, và muốn ‘bao dàn’ về mọi mặt cho cuộc sống của chúng nó. Vì cha mẹ của chúng muốn đứa con trở thành “đại tác phẩm” (masterpiece) để đời của mình, do đó cố gắng quản lý mọi mặt đời sống của con mình, thay thế chúng lo mọi việc , nói theo kiểu Mỹ là “đút ăn tới miệng bằng muỗng bạc”. Đứa trẻ có thể trở thành một con người cái gì cũng biết qua (như học trường đắt tiền, chơi các môn thể thao “quí phái” và tốn kém), trải nghiệm (experience) đủ mọi thứ hiếm hoi trong đời như đi du lịch châu Phi, Alaska vân vân. Nói một cách khác, người con trai hay gái sẽ có một cái resumé rất “ấn tượng”, đủ để ban xét đơn nhập học (admission committee) trường đại học nổi tiếng nào mà cháu nộp đơn xin học cũng sẽ thán phục. Những vùng giàu có ở Mỹ như vùng Bắc Virginia này là những nơi loại “dịch” này rất phổ biến. Những đứa trẻ này sống trong sự gò ép liên tục, luôn luôn bị stress và cuộc sống luôn luôn bận rộn, ngày sinh hoạt của chúng không khác gì thời khóa biểu của một giám đốc công ty lớn. Sau bề ngoài thành công, chúng có thể rất khổ sở và bị nhiều triệu chứng trầm uất (depression), lo âu (anxiety) và lạm dụng thuốc (drug abuse). Gần đây báo Washington Post phỏng vấn Madeline Levin, một tâm lý gia ở California từng nghiên cứu về những trẻ con của các gia đình lợi tức rất cao, từ 120.000 đến 160.000 đô la /năm ở Mỹ. Bà công bố về những trường hợp này trong cuốn “The Price of Privilege’ (Cái Giá Của Sự Ưu Đãi) (Harper Collins xuất bản) trong đó bà nhận xét rằng các phụ huynh vì can thiệp vào cuộc sống con cái mình nhiều quá (over-involved parents) và áp lực chúng để chúng trở thành những ngôi sao (stars), đã tạo nên một thế hệ ‘cực kỳ thiếu hạnh phúc, tách rời với cuộc sống (disconnected) và thụ động. Những trẻ giàu có này thường không được gia đình đem đi bác sĩ tâm lý chữa trị vì như thế sẽ mất cái bề ngoài hoàn hão và sẽ có thể làm gia đình tai tiếng. Đặc biệt, con gái những nhà giàu có (upper middle class) dễ bị depression hơn gấp ba lần các cô gái khác cùng tuổi. Theo Levin, đây là một loại văn hoá của sự trù phú (culture of affluence), nặng về chủ nghĩa vật chất (materialism), chú trọng về cạnh tranh (competition) hơn là sự cộng tác (cooperation) giữa người trẻ. Phụ huynh vì sợ con mình không thành công theo ý muốn, điều khiển và quản lý mọi khía cạnh của cuộc sống của đứa trẻ nên làm cho đứa trẻ không có cơ hội để tự tìm hiểu về chính nó và về cuộc đời qua những kinh nghiệm bản thân và từ những thất bại của nó dùng chúng như những bài học để đối phó với những thử thách mới. (“Kids aren’t having the experiences that are mandatory for the healthy child development-and that’s a period of time to be left alone, to figure out who you are, to experiment with different things, to fail, and to develop a repertoire of responses to challenges’). Đại đa số cha mẹ đều đặt quyền lợi của con mìnnh trên hết mọi thứ, kể cả hạnh phúc cá nhân của mình. Người tị nạn chúng ta phải củng cố địa vị trong xã hội mới bằng mọi cách. Thế hệ đầu tiên tị nạn dễ rơi vào hoàn cảnh skipped generation household vì một số thực tế xã hội và kinh tế. Truyền thống Việt nam chúng ta lại đặt nặng vai trò giáo dục trong mục tiêu thành công vật chất cũng như địa vị trong xã hội Sau khi an cư lạc nghiệp, làm ăn khá giả, quen thuộc văn hóa Mỹ và khả năng tiếng Anh khá rồi, chúng ta dễ rơi vào thái cực bên kia, quá hăng say và trở thành “phụ huynh trực thăng”. Người xưa nói làm người khó thay, thì trong xã hội Mỹ thế kỷ thứ 21 dạy con nên người lại càng khó hơn nữa. Chúng tôi xin nêu một số hoàn cảnh đáng chú ý để mỗi phụ huynh trong chúng ta suy gẫm, để ý thức nhiều hơn về vai trò của mình trong đời sống con cái chúng ta. Bác sĩ Hồ Văn Hiền. Falls Church ngày 28 tháng 8 năm 2006.
|
|
|
Post by NHAKHOA on Apr 13, 2013 17:36:05 GMT -5
Bệnh viêm tai giữaBệnh viêm hay nhiễm trùng tai giữa là một bệnh khá thông thường của trẻ em. Theo thống kê, tới tuổi lên 3, 3/4 trẻ em đã từng bị viêm tai giữa ít nhất là 1 lần. Khi nghe bác sĩ “tuyên bố” con mình bị viêm tai giữa lần đầu, đa số các cha mẹ đều cảm thấy lo sợ. Nhưng không sao, bệnh này thường hết sau vài ngày, và mặc dầu có thể bị đi bị lại, đa số các em đều hết bị bệnh này khi đến tuổi đi học tức 5, 6 tuổi.Triệu chứng Tai giữa là phần tai nằm bên trong, sau màng nhĩ. Do đó, rất khó chúng ta hình dung và tin được con mình đang bị nhiễm trùng phần này. Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi không thể nói cho chúng ta biết em đang bị đau tai. Cha mẹ cần để ý hầu có thể nhận ra những triệu chứng nơi em bé như: -Tự kéo tai như đang có gì khó chịu ở đó -Khóc nhiều hơn bình thường -Khó ngủ hơn -Không phản ứng khi nghe tiếng động -Gây gổ, khó chịu hơn bình thường -Sốt, nhức đầu -Chảy mủ lỗ tai Nguyên nhân -Bệnh viêm tai giữa thường bắt đầu từ một cơn cảm khiến cho phần tai giữa bị sưng lên, nước nhầy tụ lại sau màng nhĩ. -Viêm tai giữa cũng có thể do phần ống thông giữa tai giữa và mũi (eustachian tubes) bị sưng và nghẹt. Ống thông này có nhiệm vụ làm áp suất phía trong và phía ngoài tai cân bằng nhau. Nơi trẻ em, ống thường ngắn và hẹp khiến nước nhầy tiết ra dễ bị giữ lại nơi tai giữa khi ống này bị sưng và nghẹt do bệnh cảm. -Ngoài ra, cục “thịt dư” (adnoids) ngay phía trên họng, sau mũi, cũng có thể ảnh hưởng đến chuyện viêm tai. Cục “thịt dư” này bình thường có nhiệm vụ sản xuất bạch huyết cầu để chống nhiễm trùng nhưng đôi khi chính chúng cũng bị nhiễm trùng và sưng to lên làm nghẽn ống thông tai. Nhiễm trùng cục thịt dư này cũng có thể lan ra ống thông. -Sau cùng, hệ thống miễn nhiễm của trẻ em còn yếu, do đó các em dễ bị mắc bệnh hơn người lớn, nhất là bệnh cảm và viêm tai giữa. Những yếu tố khiến các em mắc bệnh -Tuổi: trẻ em từ 6 tới 18 tháng dễ bị bệnh nhất. Trẻ từ 4 tháng tới 4 tuổi cũng dễ mắc bệnh. -Nhà giữ trẻ: Trẻ em nơi các nhà giữ trẻ dễ bị nhiễm trùng hơn các em ở nhà. -Không khí thở không trong sạch: Trẻ em ở nơi có khói thuốc lá hay nơi không khí ô nhiễm dễ bị bệnh. -Tiền sử gia đình: nếu trong gia đình có người dễ bị nhiễm trùng tai, các em cũng dễ bị hơn. -Dòng giống: người da đỏ và người eskimo từ Alaska hay Canada dễ bị viêm tai hơn người da trắng. -Cách nằm bú sữa: Các em bé nằm bú dễ bị viêm tai hơn các em được đỡ cho đầu cao lên trong khi bú. -Theo mùa: Các em dễ bị viêm tai vào mùa thu và mùa đông hơn. Khi nào nên gọi bác sĩ? -Viêm tai không phải là một trường hợp khẩn cấp nhưng nó làm cho con em bạn rất khó chịu. Ở những trẻ lớn hơn, các em có thể bị đau nhức tai rất nhiều, không thể ngủ được. Trong trường hợp này, bạn nên gọi bác sĩ. -Ở những trẻ dưới 2 tuổi, khi em mới hết cảm mà trở nên quá khó chịu, gây gổ, bạn nên nghĩ tới viêm tai và mang em đi khám bệnh. -Bạn cũng nên mang em đi khám ngay nếu thấy mủ hay máu chảy ra từ tai các em vì có thể em đang bị thủng màng nhĩ. -Nếu em đã được định bệnh là viêm tai giữa và không bớt bệnh sau vài ngày, bạn nên gọi bác sĩ. Biến chứng Đa số các trường hợp viêm tai đều tự khỏi sau khoảng 1 tuần. Tuy nhiên nếu căn bệnh kéo dài, có thể đưa đến những biến chứng sau: -Không nghe rõ. Chất nhầy tụ lại sau màng nhĩ khiến các em nghe không rõ được do tín hiệu nghe khó được màng nhĩ và chuỗi xương trong tai truyền đi trong môi trường nước. Các em có thể bị mất thính lực tới 25 decibels, giống như tai bị nhét giẻ vậy. -Mất thính lực lâu dài. Nước nhầy tụ sau màng nhĩ sẽ dần dần hết đi. Tuy nhiên, trong vài trường hợp, nước này có thể vẫn tồn tại nơi tai giữa một thời gian dài và có thể đưa đến phá hư màng nhĩ và chuỗi xương dẫn âm thanh. -Thủng màng nhĩ. Trong thời gian tai bị viêm, nước nhầy và mủ có thể tích tụ rất nhiều trong tai giữa và đè lên màng nhĩ khiến bệnh nhân bị đau tai rất nhiều. Đôi khi sức ép của khối nước này làm màng nhĩ rách và nước mủ sẽ chảy ra tai ngoài. Khi màng nhĩ rách như vậy, em nhỏ sẽ hết đau. Sau đó màng nhĩ sẽ tự lành khi tai hết viêm. Tuy nhiên nếu màng nhĩ bị rách nhiều lần và không lành, bệnh nhân sẽ bị chứng thủng màng nhĩ, cần phải mổ vá lại. -Viêm xương chẩm (mastoiditis). Bệnh viêm tai không được chữa lâu ngày sẽ đưa đến viêm xương chẩm tức phần xương sọ bằm ngay sau tai. -Viêm óc hay các phần khác của đầu. Chứng này hiếm khi xẩy ra. Cách chữa Có nhiều cách chữa bệnh viêm tai tùy theo tuổi của em nhỏ, bệnh sử và loại nhiễm trùng. -Chữa bằng cách chờ. Nói thì có vẻ buồn cười, nhưng nơi trẻ em, có rất nhiều bệnh chỉ được chữa bằng cách chờ cho bệnh hết nhờ cơ thể tự chữa. Hội Nhi Khoa và Hội Bác Sĩ Gia Đình khuyên nên chờ 72 giờ không cần chữa gì cả nếu em bé lớn hơn 6 tháng, khỏe mạnh, và có triệu chứng viêm tai nhẹ hay không rõ ràng. Đa số các bệnh viêm tai sẽ tự hết trong vòng một vài ngày vì thường là do siêu vi gây ra. Thống kê cho thấy 80% trẻ em mắc bệnh viêm tai sẽ tự hết mà không cần phải uống thuốc trụ sinh. -Nếu em nhỏ khó chịu, bạn có thể cho em uống thuốc giảm đau như Tylenol, Advil, Motrin... -Nếu em không bị chảy mủ lỗ tai hay đã từng đặt ống trong tai, bác sĩ có thể cho một loại thuốc nhỏ tai để giảm đau. -Cho uống trụ sinh. Nếu em bé nhỏ hơn 6 tháng và đã từng bị viêm tai 2 lần trong vòng 30 ngày, hoặc bị viêm tai kinh niên, bác sĩ c ó thể cho em uống thuốc trụ sinh. Nên uống cho hết thuốc để chắc chắn là đã hết nhiễm trùng. -Nếu viêm tai do siêu vi, trụ sinh sẽ không làm em hết bệnh nhanh hơn. Ngược lại, dùng quá nhiều trụ sinh có thể tạo ra những vi trùng kháng thuốc rất nguy hiểm. -Đặt ống trong tai: Nếu em nhỏ bị chất nhầy tích tụ sau màng nhĩ quá lâu khiến em nghe không rõ, hoặc em bị viêm tai rất nhiều lần, có thể bác sĩ sẽ đề nghị cho em đặt ống trong tai. Bác sĩ Tai Mũi Họng sẽ rạch một đường nhỏ nơi màng nhĩ và đặt một ống nhỏ vào đó. Ống này làm chất nhầy sau màng nhĩ chảy ra ngoài và giúp thăng bằng áp suất giữa tai ngoài và tai giữa. Em nhỏ sẽ nghe lại được ngay. Trong vòng khoảng 1 năm, ống này sẽ tự động rơi ra và màng nhĩ tự lành. Trong thời gian chờ đợi, nếu em nhỏ đi bơi, sẽ phải bịt tai lại bằng “ear plug” và tránh đừng cho nước vào tai khi tắm hay gội đầu. -Vài em vẫn tiếp tục bị viêm tai sau khi ống rơi ra. Trường hợp này, em sẽ phải đặt ống lại. Phòng ngừa -Không cho trẻ em đến gần các trẻ bệnh. Không cho đi nhà trẻ quá sớm. -Giữ không cho trẻ hít phải khói thuốc. Tất cả mọi người trong nhà phải ngưng hút thuốc. -Cho em bú mẹ ít nhất là 6 tháng đầu. Trong sữa mẹ có nhiều kháng thể giúp em chống bệnh. -Cho em bé ngồi cao lên khi bú bình. -Đem em đi chích ngừa đầy đủ. Thuốc ngừa nhiễm vi trùng pneumococcal giúp em đỡ mắc bệnh viêm tai.
|
|
|
Post by NHAKHOA on Apr 13, 2013 18:59:55 GMT -5
Chứng đái dầm
BS Nguễn Thị Nhuận/Viễn Đông
Khi được hỏi là em nhỏ có còn đái dầm không, cha mẹ của các em đã lên 6, 7 tuổi thường tỏ vẻ ngạc nhiên; tuy nhiên, một số vẫn phải trả lời rằng: có.
Vì có một số, tuy không nhiều lắm, các trẻ em vẫn còn đái dầm hằng đêm ở tuổi lên 6 hay 7, đem đến nhiều “nhức đầu”, lo sợ cũng như bực mình cho cha mẹ các em. Cha mẹ thường tự hỏi có phải là lỗi của mình không biết tập cho em bỏ tã không. Nhưng nếu nhìn kỹ lại quá khứ, cha hoặc mẹ có thể nhớ lại rằng “hình như” mình cũng vậy, lúc vào tuổi của các em. Và bây giờ lớn rồi, thì mình cũng OK như ai. Nói như vậy để cho thấy rằng, không phải lỗi tại ai mà em nhỏ đái dầm và có nhiều cách để giúp em, cuối cùng rồi thì 99% các em đái dầm sẽ bỏ được tật ấy.
Triệu chứng Đái dầm là đái ra giường vào ban đêm. Đa số các em đều được “toilet trained” tức bỏ tã, tự đi vệ sinh, không đái ra giường ban đêm, vào tuổi lên 4. Tuy nhiên, không có một số tuổi nào nhất định cho chuyện này cả. Vào tuổi 3 đến 5, chỉ còn độ 15% các em là còn đái dầm. Từ 8 tới 11 tuổi, chỉ có 5% hay ít hơn trẻ em vẫn còn bị ướt giường. Đa số các em sẽ hết đái dầm mà không cần phải làm gì cả. Nhưng có một số nhỏ cần được giúp. Một số khác có thể bị bệnh cần phải chữa. Nên đem em đi gặp bác sĩ trong những trường hợp sau: - Em vẫn còn đái dầm ở tuổi 5 hay 6. - Sau khi đã “khô” một thời gian, em bỗng bị “ướt” trở lại. - Em bị đau khi đi tiểu, lúc nào cũng khát nước, nước tiểu mầu hồng hay bị ngáy.
Nguyên nhân Chưa ai biết rõ nguyên nhân chứng đái dầm, nhưng những yếu tố sau có thể đóng góp vào bệnh này: - Bọng đái nhỏ. Bọng đái của bệnh nhân chưa phát triển đủ để chứa hết nước tiểu tiết ra trong đêm. - Bệnh nhân không cảm nhận được bọng đái đầy do hệ thần kinh bọng đái chưa phát triển đủ, khiến bệnh nhân không thức giấc khi bọng đái đầy, nhất là khi em có tật ngủ mê. - Rối loạn kích tố. Một số các em không tiết ra đủ chất kích tố chống làm ra nước tiểu antidiuretic hormone ADH, khiến nước tiểu vẫn tiết ra nhiều ban đêm. - Bị căng thẳng do những biến cố khác thường, thí dụ như mẹ sinh em bé mới, bắt đầu đi học trường mới, ngủ ở nhà lạ... - Nhiễm trùng đường tiểu, khiến em đái dầm cả ban ngày, đi tiểu lắt nhắt và đau. - Ngưng thở khi ngủ. Đôi khi đái dầm có thể là một triệu chứng của bệnh nghẹt thở khi ngủ, một bệnh thường gây ra do cục thịt dư ở cổ và mũi (tonsils và adenoids) sưng to. Những triệu chứng khác của bệnh này gồm có ngáy to, hay bị viêm tai và xoang mũi, đau cổ họng, buồn ngủ ban ngày. - Bệnh tiểu đường. Khi em đã khô một thời gian lâu bỗng bị ướt trở lại, đây có thể là triệu chứng đầu tiên của bệnh tiểu đường. Những triệu chứng khác gồm có đi tiểu ra mỗi lần thật nhiều, thường xuyên khát nước, hay mệt và xuống cân, dù ăn rất nhiều. - Bón kinh niên. Có thể đưa tới giảm dung tích bàng quang gây ra đái dầm. - Bị dị tật nơi hệ thần kinh hay hệ tiết niệu, bệnh này khá hiếm.
Ai dễ bị đái dầm Những yếu tố sau thường thấy ở trẻ bị đái dầm: - Con trai dễ bị hơn con gái. - Di truyền. Nếu cả cha và mẹ đều bị đái dầm hồi nhỏ, có tới 80% là đứa bé sẽ bị đái dầm. - Trẻ bị bệnh hiếu động ADHD dễ bị đái dầm hơn. Tuy không gây ra những biến chứng nguy hiểm, chứng đái dầm dễ đưa đến: - Mặc cảm cho đứa bé. - Bị “hâm” đỏ ở vùng sinh dục. Nên rửa kỹ vùng này vào buổi sáng. Có thể thoa vaseline trước khi đi ngủ.
Chữa bệnh Đa số các em sẽ dần khỏi bệnh mà không cần chữa. Nếu cha hay mẹ từng bị đái dầm, thì em sẽ hết bệnh vào khoảng tuổi mà cha mẹ cũng đã hết bệnh. Chuyện chữa bệnh hay không tùy thuộc vào đứa bé. Nếu em tỏ vẻ không để ý gì lắm đến chuyện lâu lâu tè dầm một lần, thì có lẽ không cần phải chữa. Tuy nhiên nếu em đã lớn cỡ tuổi 7, 8 hay hơn và có nhu cầu đi ngủ ở nhà bạn, em có thể rất đau khổ và ngượng ngùng. Đây là lúc nên chữa bệnh. Có những cách chữa như sau: - Dùng máy báo động ướt. Những máy này chạy bằng pin, mua không cần toa ở các pharmacy, nối với một miếng đệm gắn vào quần hay nệm của đứa bé, sao cho dính ướt ngay khi đứa trẻ vừa đái. Khi miếng đệm này bị ướt, máy báo động sẽ kêu lên, đứa bé ngưng dòng tiểu và dậy đi vào toilet. Nếu đứa bé ngủ quá say, cha mẹ phải nghe alarm và kêu em dậy. Thường phải dùng máy ít nhất là 2 tuần để thấy kết quả đầu tiên và khoảng 12 tuần để “khô” hoàn toàn. Máy báo động rất hiệu quả, ít bị lại và không có tác dụng phụ. - Thuốc: Bác sĩ thường dùng 3 loại thuốc để chữa đái dầm: thuốc làm giảm lượng nước tiểu tiết ra ban đêm, thuốc làm bàng quang bớt co thắt và tăng dung lượng, và thuốc làm thay đổi nhịp ngủ thức của bệnh nhân, tăng dung lượng của bàng quang và giảm lượng nước tiểu tiết ra. Các thuốc này đều có những tác dụng phụ khá nguy hiểm và cũng không chữa hết bệnh. Khi ngưng thuốc, đứa bé sẽ đái dầm trở lại.
Tự giúp Những phương cách sau giúp đứa bé bớt đái dầm: - Giới hạn lượng nước uống vào buổi tối vào khoảng 8 oz. Nếu em chơi thể thao vào buổi tối thì không nên giới hạn nước. - Tránh uống những thứ nước có chứa chất caffeine vào buổi tối như cola, chocolate... - Đi tiểu 2 lần, ngay trước khi vào giường và trước khi ngủ. Để đèn đêm trong phòng để em dễ tìm đường đi toilet ban đêm. - Nhắc em đi tiểu thường xuyên trong ngày và buổi tối. - Chữa bệnh bón. Cũng có thể thử những cách chữa “ngoại khoa” như thôi miên, châm cứu, cữ một vài loại thức ăn, chỉnh xương, thuốc dược thảo. Tuy nhiên nên nhớ đa số những cách này chưa được chứng minh bằng phương pháp khoa học là có hiệu quả. Cũng nên nhớ là tuy bạn rất bực mình khi con mình làm ướt giường, đứa bé cũng rất mắc cỡ và cảm thấy tội lỗi. Bạn không thể phạt khi nó ướt giường và khen khi nó khô, vì việc đái dầm ra ngoài tầm kiểm soát của nó. Bạn cần tập kiên nhẫn và cùng em giải quyết vấn đề như sau: - Để ý đến cảm xúc của em. Nếu thấy em bị căng thẳng, có thể khuyến khích em nói ra. - Tính toán cho việc dọn dẹp thành dễ dàng. Bao nệm bằng miếng nhựa, cho em mặc quần lót dầy, để sẵn khăn trải giường và quần áo ngủ. - Cho em tham dự vào việc dọn dẹp để em cảm thấy mình “làm chủ tình hình”. - Không phạt hay chọc ghẹo chuyện đái dầm của em. Khen em khi em cố gắng theo những biện pháp cần để tránh đái dầm.
|
|