Post by NHAKHOA on Aug 18, 2010 13:16:03 GMT -5
Michelangelo bị tự kỷ
Thiên tài hội họa thời Phục hưng Michelangelo có thể đã mắc phải hội chứng Asperger, một hình thức nhẹ hơn của chứng tự kỷ, khiến người ta gặp khó khăn trong giao tiếp cộng đồng.
Những người mắc hội chứng Asperger có thể là những thiên tài trong một số lĩnh vực như hội họa, âm nhạc và toán học. Nghiên cứu do các nhà chuyên gia Anh và Ireland thực hiện đã chứng tỏ Michelangelo có một số dấu hiệu phù hợp với hội chứng Asperger.
"Michelangelo là một người cô độc và sống ẩn dật. Ông ấy có rất ít bạn bè", tiến sĩ Muhammad Arshad nói.
Michelangelo, nhà điêu khắc, họa sĩ và nhà thơ người Italy, là một trong những nhân vật hàng đầu của thời kỳ Phục Hưng, giai đoạn hồi sinh của nền văn hóa và học vấn, đánh dấu sự kết thúc của thời Trung cổ. Trong số những tác phẩm nổi tiếng của ông bao gồm bức họa trên trần nhà của nhà thờ Sistine và bức tượng điêu khắc David vừa mới được khôi phục.
Các nhà khoa học miêu tả ông là một người lạ lùng, tách biệt và bị ám ảnh bởi thế giới riêng mình. Cha, ông nội và một số anh em của ông đều có những triệu chứng của chứng tự kỷ.
"Chế độ làm việc mẫn cán, lối sống khác thường, sở thích giới hạn, kỹ năng giao tế kém và một loạt những vấn đề trong cuộc sống đều là những dấu hiệu của chứng tự kỷ hay hội chứng Asperger", các nhà nghiên cứu kết luận.
Hội chứng Asperger là một sự rối loạn phát triển, nhưng không giống những người mắc chứng tự kỷ, người bị hội chứng Asperger không gặp trở ngại trong việc phát triển ngôn ngữ. Không có biện pháp cứu chữa nào cho những bệnh nhân này. Nhưng có thể điều trị bằng liệu pháp tâm lý, giáo dục và rèn luyện, đào tạo kỹ năng xã hội...
VnExpress (AFP)
Đề phòng bệnh tự kỷ ở trẻ
Sinh viên khoa tâm lý đang cùng giáo viên Trung tâm Phúc Tuệ dạy các em tự kỷ ám thị
Tự kỷ là một căn bệnh quen thuộc trong điều trị tâm lý đã được phát hiện ngày một nhiều ở trẻ em. Ở VN, cùng với sự phát triển của xã hội, số trẻ mắc bệnh này ngày một tăng, nhưng các trung tâm điều trị lại quá ít.
Phần đông người lớn hiểu chưa đầy đủ về tác hại của loại bệnh này, không ít trường hợp trẻ bị mắc bệnh tự kỷ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Tại Trung tâm tư vấn phát hiện sớm và chăm sóc trẻ chậm phát triển trí tuệ, thuộc Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật VN, cháu Nguyễn Dương là một trong số 92 cháu đang điều trị và chăm sóc. Cháu đã bị mắc bệnh từ khi 18 tháng tuổi.
Khi mới sinh, cháu là một đứa trẻ phát triển bình thường, khỏe mạnh. Chỉ đến khi ngôn ngữ nói của cháu ngày một mất dần, gia đình mới chợt nhận ra rằng, cháu bị mắc một chứng bệnh thần kinh nhưng không rõ là bệnh gì.
Chị Phạm Tuyết Nhung - mẹ cháu Nguyễn Dương cho biết: "Trong số hàng chục cháu bé đến đây điều trị, nhiều cháu trông rất bình thường như bao đứa trẻ khác, thậm chí cha mẹ còn cho cháu là đứa trẻ thông minh vì rất giỏi vi tính hoặc am hiểu âm nhạc".
Thực chất, những đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ đều rất sợ tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nhất là những người xung quanh. Các cháu chỉ muốn thu mình trong một không gian nhất định và chỉ thích chơi một loại đồ chơi. Nguyên nhân thì có nhiều: Mẹ bị sốt khi mang thai, tai biến khi sinh nở gây ảnh hưởng đến sự phát triển của não, nhưng nhiều khi cũng do ảnh hưởng của môi trường. Có không ít gia đình không hề biết rằng, việc giữ con em mình quá cẩn thận, không cho ra ngoài cũng có thể làm cho con em mình dễ mắc bệnh.
Theo bà Đỗ Thúy Lan - Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát hiện sớm và chăm sóc trẻ em chậm phát triển trí tuệ: "bệnh tự kỷ không thể chữa khỏi, nhưng nếu được phát hiện và điều trị sớm, trẻ có thể hòa nhập trở lại với cộng đồng. Trên thế giới đã có nhiều trường hợp mắc bệnh này, nhưng do được điều trị và giáo dục đúng hướng đã trở thành tài năng...".
Ở VN, đến thời điểm này vẫn chưa có một cơ sở điều trị nào do Nhà nước lập ra, mà chỉ có một vài trung tâm hoạt động từ thiện thuộc các tổ chức phi chính phủ hoặc tư nhân. Điều quan trọng lúc này là, các bậc cha mẹ khi phát hiện con mình có những biểu hiện bất thường về ngôn ngữ, giao tiếp thì nên đưa đến các cơ sở y tế hoặc các trung tâm để được điều trị kịp thời.
Theo VTV
Con bạn có mắc bệnh tự kỷ?
Cập nhật 9/5/2006 1:01:04 AM
Bệnh thường xuất hiện từ trước 3 tuổi. Trong 2 năm đầu đời, trẻ có thể phát triển, vận động tương đối bình thường; sau đó các khả năng đã có lại mất dần đi. Cha mẹ thường đưa con đi khám vì thấy cháu như bị điếc (gọi không trả lời) hoặc chậm nói.
Nếu chú ý, phụ huynh sẽ nhận thấy những biểu hiện bất thường xuất hiện khá sớm từ khi trẻ mới 10-12 tháng tuổi. Trẻ hầu như thờ ơ, ít đòi hỏi chăm sóc hoặc luôn bứt rứt, quấy khóc, khó ngủ, ít cười hoặc không cười, không phát âm khi được dỗ nựng, ánh mắt đờ đẫn, không tinh nhanh. Khi đến 2-3 tuổi, các biểu hiện của tự kỷ dần dần bộc lộ rõ trong 3 lĩnh vực:
Tương tác xã hội: Trẻ không nhìn vào mắt người khác khi giao tiếp, nét mặt thờ ơ, vô cảm; chỉ chơi tha thẩn một mình, không chơi với các trẻ khác, không thích khoe những thứ mình thích với mọi người. Một số trẻ lại gắn bó lệ thuộc với 1-2 người thân, thường là mẹ hoặc người trực tiếp chăm sóc. Khi cần một đồ vật gì ở cao hoặc xa, trẻ cầm tay người thân đến chỗ đồ vật và xem đó là “công cụ để nối dài tay” cho mình. Trẻ chỉ biết đến nhu cầu bản thân mà không quan tâm đến người xung quanh. Trong khi chơi đùa, trẻ không biết chơi tương tác, không biết luật của trò chơi, không biết chơi “giả vờ” mang tính xã hội.
Ngôn ngữ: Trẻ chậm nói, chỉ nói một số từ đơn điệu, không nói được câu dài hoàn chỉnh. Một số trẻ không nói được từ nào rõ ràng mà chỉ nói những từ, những âm vô nghĩa, người khác nghe không hiểu. Ngoài ra, một số trẻ còn nói lắp, nói định hình một vài câu từ hoặc nói nhại người khác. Trẻ không hiểu ý nghĩa của từ, của lời nói; thường không biết bắt đầu câu chuyện với người khác thế nào và cũng không biết duy trì cuộc nói chuyện. Vì vậy, nhiều người cho rằng trẻ như một người từ hành tinh khác đến và xa lạ với thực tại.
Hành vi: Trẻ có những hành vi định hình lặp lại vô nghĩa, nhiều khi làm rất lâu một cách thích thú những việc như: giơ tay nhìn bàn tay, ngắm sàn nhà, vỗ tay, vê hoặc xoắn vặn tay, quay tròn, lắc lư người, cười một mình... Trẻ thích chơi với một số đồ vật trong nhiều giờ như: giở xem tranh ảnh ở tạp chí, tháo các đồ vật nhỏ ra rồi tự lắp lại, cầm chong chóng quay, xoay tròn một đồ vật, lăn bóng qua lại... Trẻ không biết dùng đồ chơi theo đúng chức năng của nó. Một số trẻ có trí nhớ máy móc rất tốt, biết điều khiển tivi, đài, video rất thành thạo, do vậy bố mẹ lại cho rằng con mình “thông minh”.
Có trẻ thích ăn những món nhất định; một số cảm thấy bứt rứt, khó chịu nếu trật tự trong phòng bị thay đổi. Nhiều bệnh nhi rất nhạy cảm với âm nhạc, thích nghe nhạc và nhún nhảy theo, hoặc chăm chú theo dõi các chương trình quảng cáo...
Tùy thuộc vào sự biểu hiện của các triệu chứng mà người ta phân loại tự kỷ làm các mức độ nhẹ, vừa và nặng. Khoảng 70-80% trẻ tự kỷ bị chậm phát triển trí tuệ, 20-25% bị động kinh kèm theo. Số khác có thể tăng hoạt động, hung tính... Tỷ lệ mắc tự kỷ là 4-10/10.000 trẻ em, trẻ trai mắc nhiều hơn trẻ gái (gấp 3-4 lần). Bệnh nhi có thể lực bình thường nhưng hay bối rối, lo lắng, bi quan.
Nguyên nhân gây chứng tự kỷ đến nay vẫn chưa được xác định đầy đủ. Qua các nghiên cứu, nhiều nhà khoa học cho rằng tự kỷ là do di truyền bởi nhiều gene. Bên cạnh đó có những yếu tố khác như mẹ bị bệnh rubeolla khi mang thai, trẻ bị sang chấn não khi sinh, bệnh lý xơ cứng củ... Xem xét não của trẻ, các nhà nghiên cứu nhận thấy có một số bất thường ở bán cầu não trái, thùy thái dương, hệ Limbic và tiểu não. Nếu gia đình ít cho trẻ giao tiếp với bên ngoài thì mức độ tự kỷ của trẻ càng nặng hơn.
Trẻ tự kỷ cần được điều trị sớm ngay từ khi phát hiện bệnh, hư cần được đánh giá, hướng dẫn tập luyện bởi đội ngũ nhiều chuyên gia như bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ tâm thần nhi, nhà tâm lý, cán bộ phục hồi chức năng, nhà trị liệu ngôn ngữ, giáo viên giáo dục đặc biệt. Bố mẹ trẻ cần kết hợp chặt chẽ với các nhà chuyên môn để tạo hiệu quả tốt trong việc tập luyện.
Trong chương trình giáo dục đặc biệt, trẻ được huấn luyện các kỹ năng giao tiếp (như chú ý, bắt chước, tiếp nhận và thể hiện ngôn ngữ, tự chăm sóc, kỹ năng xã hội, kỹ năng trước khi đến trường...). Các chuyên gia cũng giúp bệnh nhi huấn luyện hành vi (tìm nguyên nhân để giảm bớt hoặc làm mất đi những hành vi không thích hợp, dạy trẻ kỹ năng học tập), huấn luyện điều hòa các giác quan. Đặc biệt, họ dạy trẻ tập trung nhìn vào vật và vào mắt người giao tiếp, chơi các trò chơi trị liệu...
Bố mẹ nên cho trẻ theo học các lớp đặc biệt (ở Hà Nội đã có một số lớp nằm trong chương trình giáo dục hòa nhập) hoặc các trung tâm phục hồi chức năng, song song với tập luyện tại nhà. Chương trình dạy phải phù hợp với mỗi trẻ và tạo được sự hứng thú. Những trẻ có hành vi tăng động, hung tính hoặc có cơn động kinh..., cần được điều trị bằng thuốc hướng thần.
Ở tuổi đến trường, một số trẻ tự kỷ có sự cải thiện nhất định. Với trường hợp nhẹ, việc điều trị sớm và tích cực sẽ giúp trẻ có được những kỹ năng xã hội và thích nghi dần dần, sau này có thể học tập và có nghề nghiệp, sống đỡ phụ thuộc vào người thân.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)