|
Post by NHAKHOA on Nov 28, 2006 16:53:05 GMT -5
Đau răng Tác giả : DS. PHAN QUỐC ĐỐNG
Dân gian ta có câu: “Thứ nhất đau mắt, thứ nhì nhức răng”, câu nói ngắn gọn nhưng đủ nói lên mức độ đau đớn, rất khó chịu của cảm giác đau nhức răng. Khi đau răng, nhất thiết ta phải đến bác sĩ nha khoa để khám và điều trị. Nhưng nếu vì lý do nào đó chưa kịp đến bác sĩ, để giảm bớt sự khó chịu do đau răng, ta có thể áp dụng một số kinh nghiệm dân gian, dùng cây nhà lá vườn để chữa trị. 1. Trong trường hợp đau nhức âm ỉ, không dữ dội do viêm xung quanh răng, ta có thể dùng một miếng vỏ quả kha tử, khoảng 3mm x 3mm đặt vào cạnh chỗ chân răng đau. Ngậm như vậy sẽ hết đau nhức.
Kha tử là quả của cây chiêu liêu, còn gọi là xàng tiếu, tên khoa học là Terminalia chebula. Retz, là loại cây lớn, mọc hoang, cao khoảng 20m, lá rộng 7 x 20cm, mặt dưới lá có lông mịn. Quả dài 3-4cm, có 5 rãnh, nhân cứng, trong có hạt ăn được. Quả già phơi khô, không cần chế biến, dùng chữa đau nhức răng. Quả chứa 40% Tanin nên có thể bảo quản được lâu để dùng dần hoặc mang đi xa.
Ngoài Tanin, kha tử còn có acid luteoic, chebulinic, chebulic, chebulin, terchebin... có tính chất kháng viêm, kháng sinh, kháng nấm và siêu vi; Thường dùng để trị đau nhức răng, cảm cúm, viêm họng, ho... bằng cách ngậm, nuốt dần nước tiết ra hoặc nhổ bỏ.
2. Nếu răng bị sâu hà, đã được hàn kín trước đây, nay bỗng đau nhức dữ dội, khác với trường hợp viêm quanh răng nói trên, ngậm kha tử không khỏi, không đỡ thì phải đến bác sĩ nha khoa để lấy hết chất hàn răng sâu ra và uống thuốc theo chỉ dẫn.
Tuy vậy trong thực tế, ta có thể dùng một số biện pháp đơn giản sau để giảm đau nhức:
a. Lấy một cái hoa Cúc áo bóp nát, đặt vào chỗ đau, sẽ giảm hẳn đau nhức.
- Cây cúc áo (Spilanthes acmella. L. Murr - Composite, thuộc loài cỏ nhỏ, thường được trồng làm cảnh. Cao 40-70cm. Lá hình trứng thon dài, mép có răng cưa, dài 3-7cm, rộng 1-3cm. Hoa màu vàng, đế quả màu nâu; toàn thân có vị cay tê đặc biệt, nhất là hoa cay tê, nóng mạnh, làm chảy nước dãi rất nhiều, có tác dụng sát khuẩn. Thành phần chủ yếu là tinh dầu cay, hăng, trong có chất Spilantein và Spilantola có tính sát khuẩn gây tê. Theo kinh nghiệm dân gian, lấy hoa, lá giã nhỏ đắp hoặc ngâm rượu, pha loãng, ngậm khi nhức răng.
b. Ngắt một cành của cây Cành giao (còn gọi là cây xương khô), để nhựa tiết ra, dùng bông tẩm nhựa này đặt vào hố răng đau.
- Cây Cành giao (Euphorbia tirucalli. L - Euphorbiacea) thuộc loại cây nhỏ, cao 4-7m, có nhiều cành, màu xanh, rất ít lá, thoạt trông như cây không có lá. Lá nhỏ hình mác, rất chóng rụng. Hoa tập trung ở những chỗ phân nhánh. Quả nang có lông, có 3 mảnh vỏ. Nhựa cây có tính sát khuẩn, giảm đau, thường dùng trong dân gian để chữa đau răng, sâu răng.
c. Ngắt lá cây hen (còn gọi là cây Bồng bồng, cây Bàng biển), lấy nhựa tiết ra đặt vào hố răng cũng giảm được đau nhức.
- Cây hen hay cây bồng bồng (Calotropis gigantea. R.B - Asclepiadaceae) là loại cây nhỏ cao 5-7m. Cành có lông trắng. Lá mọc đối dài 15-20cm, rộng 5-10cm. Hoa mọc thành xim, có nhiều tán, màu trắng xám hoặc đốm hồng. Quả gồm 2 đại, nhiều hạt, trong lá có hoạt chất Calotropin. Dân gian thường dùng hạt để chữa đau răng và chữa hen.
d. Lấy hạt na, đập hạt lấy nhân, nghiền nhỏ đặt vào hố răng, sẽ hết đau ngay.
Cây na (Anona squamosa. L - Annonaceae) còn gọi là cây mãng cầu ta, là loại cây cao 2-6m, thân tròn, vỏ nháp. Lá mọc so le, hình bầu dục. Hoa đơn độc, quả kép gồm nhiều múi, bên trong có hạt màu đen. Trong hạt có một alcaloid; 39-42% dầu, trong đó có các acid béo myristic, panmitic, olein stearic.
Hạt na có tính chất sát trùng, sát khuẩn.
Tuy nhiên cần lưu ý việc sử dụng các phương thuốc trên chỉ mang tính tạm thời, sau đó phải đến bác sĩ nha khoa để được thăm khám và điều trị một cách bài bản
|
|
|
Post by NHAKHOA on Nov 28, 2006 16:54:05 GMT -5
Áp xe vùng dưới hàm Nguyên nhân gây bệnh thường là nhiễm khuẩn răng hàm (nhất là răng khôn dưới), viêm xương, gãy xương hàm dưới... Do nước bọt bị nhiễm khuẩn nên áp xe có thể lan tràn từ dưới hàm sang những vùng xung quanh và ngược lại. Ở giai đoạn đầu, người bệnh đau nhiều dưới góc hàm, mặt trong xương hàm dưới, nuốt đau, nước bọt chảy nhiều. Có thể bị khít hàm, sưng ở dưới góc hàm, sau lan ra cả vùng. Ở giai đoạn toàn phát, vùng góc hàm sưng to, lan xuống xương móng, phía trên lan lên trên má, phía trước lan đến vùng dưới cằm, phía sau lan đến bên cổ. Khi sờ thấy sưng nề thành một khối với xương hàm, mật độ chắc hoặc cứng, nhất là dưới góc hàm; sau mềm ra, ấn rất đau, da màu đỏ sẫm, căng bóng.
Khám trong miệng khó vì khít hàm dữ dội. Có thể thấy sung huyết, nề niêm mạc ngay ở răng nguyên nhân. Niêm mạc rãnh bên lưỡi ở sau miệng có thể sưng phồng, nề, sung huyết. Trụ trước của amidan sung huyết, phần trước của sàn miệng bình thường. Người bệnh mệt mỏi, sốt cao, mạch nhanh, mất ngủ... Quá trình làm mủ thường tiến triển vào ngách. Trong trường hợp đó, biểu hiện ngoài miệng ít, niêm mạc rãnh bên lưỡi sưng phồng nhiều, khó nuốt, đau nhiều khi cử động lưỡi.
Về điều trị, có thể phẫu thuật theo đường ngoài da, gây tê ngắn hay gây tê dọc đường rạch. Ca mổ phải được người có kinh nghiệm tiến hành vì nếu rạch cao quá có thể làm tổn thương nhánh dưới của dây thần kinh mặt và để lại sẹo xấu. Mục đích rạch là dẫn lưu cho mủ chảy ra. Bệnh nhân cần điều trị kháng sinh phối hợp khi nhiễm khuẩn lan rộng để đề phòng áp xe lan đến các vùng sâu.
BS Trịnh Thu Hà,
|
|
|
Post by NHAKHOA on Nov 28, 2006 16:54:46 GMT -5
Viêm xoang hàm do bệnh răng Các bệnh răng dễ gây viêm xoang hàm. Viêm xoang hàm là tình trạng viêm niêm mạc xoang, không có tổn thương xương. Bệnh thường gặp ở người lớn do nhiễm khuẩn quanh cuống răng, nang chân răng làm mủ vỡ vào xoang, biến chứng của răng nanh hoặc răng khôn mọc ngầm, tai biến do nhổ răng... Bệnh có thể biểu hiện dưới 3 thể.
Viêm mủ xoang hàm do răng: Bệnh cảnh giống viêm xoang cấp như đau mặt âm ỉ, sốt, người bệnh ngửi thấy mùi thối, chảy mủ từ lỗ mũi bên xoang bị bệnh. Niêm mạc xoang sẽ bị viêm và một thời gian sau xoang hàm có thể bị viêm mạn tính.
Viêm xoang hàm cấp: Nguyên nhân thường do viêm quanh răng hàm lớn có mủ, do viêm tủy răng hoại thư hoặc do tai nạn nhổ răng đẩy chân răng nhiễm khuẩn vào xoang. Bệnh nhân thường sốt cao, nhức đầu, mất ngủ, vật vã. Đặc biệt là cơn đau, đau từng cơn lan rộng cả hàm trên, mắt, thái dương, trán. Đau tăng khi cử động mạnh hoặc khi người bệnh cúi đầu, đôi khi lan đến các răng hàm trên, chạm vào răng bệnh thấy rất đau, ấn vùng dưới ổ mắt đau tăng hơn. Dịch chảy qua lỗ mũi bên bị bệnh, lúc đầu loãng sau trở thành nhày mủ, mủ có mùi thối.
Viêm xoang hàm mạn: Thường do những nguyên nhân như viêm mũi xoang, viêm xoang cấp mạn tính hóa, ổ nhiễm khuẩn răng không được điều trị tốt, viêm xoang trán hay xoang sàng mạn lan xuống... Người bệnh đôi khi mệt mỏi, nhức đầu, chảy mủ màu vàng xanh bên bị bệnh, chảy nhiều vào buổi sáng sớm, ngửi thối làm cho người bệnh buồn nôn, đau ít hơn viêm xoang cấp, thường tắc mũi bên xoang bệnh. Có thể viêm thanh quản, viêm họng, tiêu chảy... do nuốt phải mủ và các biến chứng khác như viêm xoang sàng, xoang trán, áp-xe hố mắt, viêm thị thần kinh, viêm tắc tĩnh mạch xoang, đau răng.
Việc điều trị tùy theo từng thể bệnh. Đối với viêm xoang cấp, cần dùng kháng sinh, sát khuẩn mũi. Nếu sau vài ngày vẫn còn viêm xoang thì chọc rửa xoang bằng dung dịch kháng sinh. Đối với viêm xoang mạn, cần nhổ răng nguyên nhân gây viêm xoang, sau đó bơm rửa xoang qua đường mũi. Nếu sau nhiều lần bơm rửa mà bệnh vẫn không khỏi thì mổ nạo xoang triệt để.
Để dự phòng viêm xoang hàm do răng, phải kiểm tra và điều trị có hệ thống những răng hàm trên bị thương tổn và nghi ngờ. Nếu xoang bị hở khi nhổ răng, phải điều trị kháng sinh và tránh những động tác không cần thiết làm bệnh nặng thêm. Nếu một chân răng bị đẩy vào xoang, cần lấy ra ngay hoặc đục mổ xoang để lấy, phối hợp với dùng kháng sinh.
BS Trịnh Thu Hà
|
|
|
Post by NHAKHOA on Nov 28, 2006 16:55:42 GMT -5
Viêm quanh răng - tai họa thứ ba của loài người Đánh răng thường xuyên là cách tốt nhất phòng bệnh răng miệng. Đây là một trong những căn bệnh phổ biến nhất ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Theo thống kê gần đây nhất, hơn 90% người trên 35 tuổi ở nước ta bị viêm quanh răng. WHO đã gọi nó là tai họa thứ ba của nhân loại sau bệnh ung thư và tim mạch. Bệnh viêm quanh răng tiến triển thầm lặng. Khởi đầu, người bệnh chỉ cảm thấy miệng hôi hơn bình thường. Lợi và các núm lợi viêm nề, mất màu bóng hồng nhạt, trở nên đỏ thành từng viền bám theo xung quanh răng. Hình dạng của lợi không trơn nhẵn, không bám chắc vào cổ răng làm cho bệnh nhân cảm thấy khó chịu, đánh răng rất nhiều nhưng miệng vẫn hôi. Khi đánh răng thấy lợi rỉ máu, núm lợi to hơn và bong ra khỏi cổ răng. Giữa răng và lợi có những viền màu vàng sẫm và ngả đen. Đây chính là cao răng bám vào trên lợi, ngấm dịch viêm và máu chảy ra từ các tổ chức của lợi.
Buổi sáng sớm mới ngủ dậy, người bệnh cảm thấy miệng hôi một cách nồng nặc, nếu sờ nắn vào các răng thấy lung lay rất nhiều. Khám lâm sàng thấy lợi viêm, loét, chảy máu, hình dạng săn chắc, bóng hồng của lợi không còn nữa; va chạm vào lợi, núm lợi thấy chảy máu, giữa răng và lợi không còn liên kết chặt chẽ với nhau. Ấn vào dưới lợi của từng nhóm răng, thấy có mủ vàng xanh, vàng bệch đùn lên. Dùng que tăm thăm dò, ta thấy túi lợi lan sâu xuống dưới, hướng về phía cổ răng, có chỗ đo được 3-10 mm. Chụp phim thấy xương ổ răng bị tiêu hình vát, giống như những cái chêm gỗ.
Tình trạng bất ổn trên khiến cho bệnh nhân thay đổi tính nết, hay cáu giận, nổi khùng hoặc trầm lặng, giảm sự giao tiếp với mọi người. Có bệnh nhân nhổ rất nhiều răng nhưng bệnh không thuyên giảm, tình trạng thực thể và tinh thần bất định. Chỉ khi đến khám chuyên khoa răng hàm mặt mới biết mình bị bệnh viêm quanh răng, giai đoạn này đã quá muộn.
Để phòng ngừa bệnh viêm quanh răng hiệu quả, trước tiên phải biết đánh răng đúng cách. Đánh nhẹ nhàng bằng bàn chải lông mềm, khi các sợi nylon của bàn chải có dấu hiệu lão hóa (các sợi bàn chải bị cong, hướng đổ ra xung quanh, hoặc các sợi bàn chải đã mất hết màu), phải thay bàn chải ngay. Tuyệt đối không nên tiết kiệm mà sử dụng bàn chải quá lâu. Cần lấy cao răng và kiểm tra răng miệng sáu tháng một lần.
Nếu để bệnh quá nặng, việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn. Các bác sĩ sẽ phải phẫu thuật lợi, kết hợp các răng lại để ngăn chặn chúng bị lung lay, hay cấy ghép xương ổ răng. Những biện pháp này nhằm xóa bỏ các túi mủ bệnh lý.
Bệnh viêm quanh răng là một bệnh không lây lan, nhưng nó ngấm ngầm hủy hoại xương ổ răng và lợi, làm răng mất chức năng nhai, nghiền của nó. Do vậy, chúng ta phải thường xuyên (sáu tháng một lần) đến kiểm tra tại các cơ sở chuyên sâu về răng miệng để có được lời khuyên của thầy thuốc trong việc chăm sóc răng miệng.
BS Khuất Duy Quốc
|
|
|
Post by NHAKHOA on Nov 28, 2006 17:36:45 GMT -5
Một số bài thuốc chữa ðau rãng Nhân hạt gấc nýớng chín vàng, tán bột trộn với dấm thanh, chấm vào chỗ rãng ðau. Chỉ cần chấm vài lần vào buổi chiều là ðêm hết ðau và có thể ngủ ðýợc. Ðó là một trong những bài thuốc chữa ðau rãng ðõn giản mà cho kết quả nhanh chóng. Sau ðây là vài phýõng thuốc khác:
- Lấy cây chuối non vắt lấy nýớc ðể ngậm, chỉ vài lần là hết ðau.
- Quả vải phõi khô 20 g, rễ lá lốt 20 g, ðổ một bát nýớc sắc lấy nýớc ðặc. Ngậm nhiều lần trong ngày.
- Kinh giới 20 g, thýõng nhĩ 20 g, sắc lấy nýớc ðể ngậm (mỗi lần ngậm vài phút rồi nhổ ði). Những ngýời bị ðau rãng do phong dùng phýõng thuốc này rất công hiệu.
- Rễ cây cà hoang 30 g, sắc lấy nýớc ðể ngậm.
- Vỏ cây gạo 50 g, thạch xýõng bồ 50 g, sắc lấy nýớc ðặc ðể ngậm. Trýớc khi ngậm cho thêm vài hạt muối.
Lýõng y Trịnh Vãn Sĩ, NNVN
|
|
|
Post by NHAKHOA on Nov 28, 2006 17:38:19 GMT -5
Một số cấp cứu thường gặp về răng miệng Để tránh các bệnh về răng, cần sớm tập cho trẻ thói quen đánh răng. Cơn đau răng dữ dội bỗng nhiên xuất hiện và hành hạ bạn. Đau thường giật theo nhịp mạch đập, có thể lan lên thái dương hay lên đầu và biến mất đột ngột sau 15-30 phút. Đó là các dấu hiệu chứng tỏ bạn bị viêm tủy răng cấp. Nguyên nhân gây viêm tủy răng cấp là vi khuẩn xâm nhập vào buồng tủy kín qua lỗ sâu, lỗ cuống chân răng (viêm tủy ngược dòng) hoặc qua kẽ nứt ở ngà răng và men răng.
Trong trường hợp này, bạn cần đến nha sĩ ngay để được xử trí cấp cứu. Thông thường, bác sĩ sẽ chữa tủy răng. Các răng khôn bị sâu vỡ nhiều hoặc mọc lệch, các răng bị vỡ dọc sẽ được nhổ. Khi chưa kịp tới phòng khám, có thể sử dụng thuốc giảm đau tạm thời (nhưng cần có sự tư vấn của bác sĩ đa khoa về loại thuốc và cách sử dụng).
Viêm quanh cuống răng cấp và bán cấp
Các triệu chứng điển hình của chứng bệnh này là đau liên tục, khi tăng khi giảm (tùy theo kích thích cơ học vào răng), khi cắn răng lại thì đau tăng lên, đau có thể lan lên thái dương và đỉnh đầu. Ngoài ra, bạn cũng có cảm giác răng lung lay.
Viêm quanh cuống răng cấp và bán cấp là biến chứng tiếp theo của viêm tủy răng và tủy hoại tử. Vi khuẩn xâm nhập xuống vùng chóp chân răng và khớp răng (giữa chân răng và xương ổ răng).
Bạn cần đến bác sĩ nha khoa để khám, đánh giá mức độ tổn thương của răng. Bác sĩ sẽ quyết định nên chữa tủy răng hay nhổ răng. Trong lúc chưa kịp đến phòng khám, có thể dùng tạm thuốc giảm đau nhưng cần có hướng dẫn của bác sĩ.
Sang chấn răng và xương ổ răng
Do tai nạn trong giao thông hoặc trong sinh hoạt, bạn có thể bị sứt gãy một phần thân răng (đường gãy ngang hoặc chéo), gãy cả một phần chân răng (chân răng có thể bị bật ra khỏi huyệt ổ răng), thậm chí gãy vỡ xương ổ răng (là phần xương bọc quanh chân răng).
Trong những tình huống này, hãy đến nha sĩ càng sớm càng tốt. Nếu răng bật ra khỏi ổ thì nên giữ cho răng ẩm bằng cách ngâm trong nước muối nhạt hoặc ngậm dưới lưỡi. Tùy theo tình trạng sang chấn, bác sĩ sẽ cắm lại răng đã bật ra khỏi ổ, làm nẹp liên kết răng, chữa tủy răng hay nhổ bỏ răng vỡ, làm răng giả...
BS Lê Long Nghĩa, Sức Khỏe & Đời Sống
|
|
|
Post by NHAKHOA on May 27, 2009 11:19:37 GMT -5
Nhổ răng khi nào, có nguy hiểm không?
May 05, 2009
Với những tiến bộ trong công nghệ nha khoa, các răng hư được giữ lại và bảo tồn ngày càng nhiều, các chỉ định nhổ răng ngày càng ít đi. Tuy nhiên, đôi khi vẫn phải thực hiện việc nhổ răng đối với những răng không thể giữ lại được như: răng sâu quá lớn chỉ còn lại chân, răng lung lay do bệnh nha chu, răng khôn mọc kẹt, mọc lệch gây tai biến, hoặc cần nhổ bớt răng để điều trị chỉnh hình…
Vậy nếu vệ sinh răng miệng tốt thì có thể giữ lại những chân răng này trong miệng không? Thật ra chính những chân răng này gây trở ngại cho việc vệ sinh răng miệng, dễ tích tụ thức ăn, mảng bám và vôi răng, gây hôi miệng làm hạn chế giao tiếp xã hội. Nặng hơn có thể đưa đến ápxe xương ổ răng, đây là dạng nhiễm trùng cấp tính có biểu hiện bên ngoài là sưng đỏ, rất đau vùng niêm mạc và nướu quanh chân răng.
Đôi khi nhiễm trùng lan rộng ra các mô lân cận gây sưng rất lớn ở vùng môi, má kèm theo sốt, đau nhức - trong chuyên môn gọi là viêm mô tế bào. Biến chứng nguy hiểm nhất của viêm mô tế bào là nhiễm trùng máu, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
Việc nhổ bỏ các chân răng thường không phức tạp như nhiều người thường nghĩ, bác sĩ sẽ khám xem có cần thiết phải chụp X-quang, có thể cần thực hiện một số xét nghiệm trước khi nhổ. Hiện nay, với sự phát triển của nhiều loại thuốc tê rất hiệu quả, sau khi gây tê sẽ không có cảm giác đau tại vùng răng cần nhổ, bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ thích hợp để nhổ bỏ chân răng nhiễm trùng, nạo sạch các mô bệnh lý ở vùng quanh chóp.
Sau khi nhổ, bệnh nhân chỉ cần cắn gòn chặt tại chỗ nhổ trong 30 phút đến 1 giờ để cầm máu, dùng thuốc theo toa của bác sĩ nếu cần thiết.
PGS.TS Lê Đức Lánh/Tuổi Trẻ
|
|
|
Post by NHAKHOA on Jun 14, 2012 15:19:46 GMT -5
Ai bảo sâu răng là khổ? (VienDongDaily.Com - 09/03/2012) BS. Nguyễn Thị Nhuận Chắc chắn không ai chưa từng bị sâu răng. Nhiều người còn từng trải qua những giờ nhức nhối vì răng sâu. Vậy sâu răng là gì? Sâu răng là những chỗ bị hủy hoại của răng, mới đầu chỉ là một vết nhỏ, sau loang dần ra thành chiếc lỗ sâu hoắm, có thể trông thấy dễ dàng. Khi răng đã bị lỗ sâu như vậy, phần “tủy răng” có những dây thần kinh sẽ bị lộ ra khiến nạn nhân bị nhức răng, nhiều khi đến chịu không nổi. Trẻ em bị sâu răng nhiều nhất nhưng ai cũng có thể bị sâu răng, kể cả em bé dưới một tuổi hay cụ già. Có thể nói bệnh sâu răng là bệnh thông thường nhất của thế giới, không chừa một ai, giầu cũng như nghèo. Nhưng dĩ nhiên là dân nước giầu thì có cơ hội được chữa răng nhiều hơn nên trông bảnh bao hơn dân nước nghèo. Chữa răng sớm thật quan trọng vậy.
Triệu chứng Rất dễ nhận thấy, nhất là khi sâu đã nhiều: - Đau răng - Buốt răng - Đau từ ít đến nhiều khi ăn uống những thứ ngọt, nóng hay lạnh - Vẫn còn đau sau khi ngưng ăn hoặc uống - Thấy lỗ răng sâu - Đau khi cắn xuống - Có mủ chảy ra từ chân răng.
Nguyên nhân Trong miệng có chứa rất nhiều loại vi trùng. Vài loại này sống nhờ đồ ăn và uống có chứa chất đường hay chất tinh bột lên men được. Khi ta ăn xong, những chất này còn đọng lại trên răng và nếu không được chùi sạch, vi trùng sẽ biến chúng thành chất acid nhiều khi chỉ trong vòng 20 phút. Vi trùng, acid, những miếng đồ ăn nhỏ, và nước miếng sẽ quyện lại thành bựa răng, tức lớp dính dính trên răng. Chỉ cần rà lưỡi lên răng vài giờ sau khi ăn, chúng ta có thể cảm nhận được lớp bựa răng này đang đóng lại. Lớp bựa này dễ cảm thấy ở những răng bên trong, nhất là ngay đường tiếp giáp nướu. Chất acid trong lớp bựa này tấn công lớp men răng tạo thành một chỗ thủng nhỏ, đó chính là lỗ sâu răng. Khi lớp men răng bị ăn mòn, vi trùng và chất acid này sẽ chạm tới lớp dentin kế tiếp. Lớp này mềm hơn nên dễ bị phá hủy bởi chất acid, do đó lỗ sâu sẽ lớn ra rất nhanh. Sau đó, vi trùng và acid sẽ tiếp tục ăn qua những lớp phía dưới của răng tới phần tủy bên trong, là phần chứa dây thần kinh và mạch máu. Tủy xương bị sưng lên. Phần xương nâng đỡ răng cũng bị ảnh hưởng. Khi răng đã bị sâu đến mức này, bệnh nhân sẽ bị nhức răng rất nhiều, dễ nhạy cảm, cắn bị đau hay các triệu chứng khác. Cơ thể cũng có thể phản ứng bằng cách gửi nhiều bạch huyết cầu tới để chống lại nhiễm trùng và có thể biến vùng sâu răng thành một bọc mủ. Tiến trình sâu răng như kể trên có thể xẩy ra trong một thời gian dài. Răng vĩnh viễn thường chắc hơn răng sữa nên có thể “chống cự” lâu hơn, kéo dài 1 hay 2 năm. Nước miếng cũng có thể giúp bớt sâu răng bằng cách rửa sạch vi trùng và acid. Nhưng một khi đã ăn sâu, tiến trình sâu răng càng nhanh hơn. Răng bên trong như răng hàm và tiền hàm dễ bị sâu hơn vì chúng có nhiều rãnh trên thân răng khiến thức ăn dư dễ bám vào hơn. Chúng cũng khó được chùi sạch. Bựa răng do đó dễ đóng lại giữa những răng này, làm chỗ tốt cho vi trùng trú ngụ, tạo ra acid làm hại men răng.
Yếu tố gây hại 1. Vài loại thức ăn uống: Những thức ăn có nhiều chất đường và chất tinh bột dễ gây ra sâu răng vì chúng dính vào răng rất lâu: sữa, mật ong, đường, nước ngọt có gas, nho khô, bánh cake, kẹo cứng, trái cây khô, bánh cookies, ngũ cốc khô, bánh mì, khoai tây chiên... Ngược lại, một vài loại thức ăn thường bị cho là dễ gây sâu răng lại không sao, thí dụ như kẹo dẻo (candy bars), jelly beans, kẹo caramel... vì chúng dễ bị nước miếng rửa sạch. 2. Hay ăn uống vặt: Nếu chúng ta ăn uống vặt thường xuyên, chất acid sẽ có nhiều thì giờ làm hư hại răng hơn. Vì thế, không nên cho các em bé bú bình khi đi ngủ vì những chất sữa, nước trái cây... sẽ dính ở răng lâu và dễ làm sâu răng. Có thể cho em bé uống chút ít nước sau khi bú sữa để làm giảm chất sữa dính ở răng. 3. Không chải răng: Nếu ta không làm sạch răng sau khi ăn, bựa răng sẽ dính chặt khiến dễ bị sâu răng. 4. Uống nước chai thay vì nước máy: Trong nước máy, cơ quan y tế đã cho nhiều chất flouride để giúp giảm sâu răng. Nhưng hiện nay, người ta có thói quen uống nước chai quá nhiều khiến số lượng flouride vào người bị giảm. Đây cũng là một nguyên nhân khiến ta dễ bị sâu răng. Ngược lại, nếu ta uống nước chai có cho thêm flouride, lại uống nước máy có flouride, ta sẽ lâm vào tình trạng dư flouride, cũng nguy hại không kém. Do đó nên hỏi ý kiến bác sĩ hay nha sĩ và đọc kỹ nhãn hiệu chai nước. 5. Tuổi cao: Ở tuổi cao, răng càng mòn và dễ hư hay bị sâu. Người cao tuổi cũng dễ bị hư vùng chân răng. 6. Nướu hở: Nuớu răng rút lại, phần chân răng bị nhô ra nhiều dễ khiến cho bựa đóng vào chân răng. Chân răng thông thường được phủ bởi một lớp cementum, lớp này bị mất đi khi chân răng bị hở ra, khiến dễ bị sâu răng hơn vì lớp dentin bên dưới mềm hơn, dễ bị phá hủy. 7. Miệng khô: Nước miếng giữ nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo vệ răng vì nó quét sạch đồ ăn và bựa trên răng. Những chất khoáng trong nước miếng cũng giúp “vá” lại những chỗ hư. Nước miếng còn ngăn chận vi trùng sinh sôi nảy nở và trung hòa chất acid gây ra hư răng. 8. Chỗ trám lỏng lẻo hay gồ ghề: Những chỗ hở từ những miếng trám răng lâu ngày là chỗ để bựa răng thiết lập và làm hư răng. 9. Bệnh về ăn uống: Những bệnh như không ăn được (anorexia) hoặc ăn rồi ói ra (bulimia) sẽ làm răng bị mòn đi do nước bao tử có chứa nhiều chất acid dính ở răng khi bệnh nhân ói. Những người này còn có thể không tạo ra được nước miếng hoặc nhấm nháp nước soda suốt ngày khiến răng lúc nào cũng có một lớp đường bám ở đó. 10. Bị đau bao tử: Bệnh ợ nóng (heart burn) cũng làm chất acid trào lên miệng gây hư răng. 11. Lây qua gần gũi: Vi trùng có thể từ miệng người này lan qua người khác khi hôn nhau hoặc khi ăn uống chung. 12. Chữa ung thư bằng xạ trị: Chiếu quang tuyến vào vùng đầu cổ có thể gây sâu răng vì làm giảm lượng nước miếng tạo ta.
Khi nào nên gặp nha sĩ? Nhiều khi ta đã bị sâu răng nhưng vết sâu còn bé chưa nhìn thấy bằng mắt thường được. Nếu chữa ngay từ lúc này sẽ ít bị đau và dễ chữa hơn. Do đó, ta nên gặp nha sĩ thường xuyên, hầu khám phá ra chỗ răng sâu khi còn rất sớm và chữa ngay. Đây là cách tốt nhất để đề phòng sâu và hư răng. Khi đã sâu khá nhiều, triệu chứng đầu tiên sẽ là đau răng. Khi đã bị đau răng hay đau trong miệng, ta nên đến gặp nha sĩ ngay. Ngoài triệu chứng đau răng, ta còn nên gặp nha sĩ khi có những triệu chứng sau: - Nướu răng bị đau, sưng đỏ - Nướu răng bị chảy máu - Nướu răng bị kéo lên cao, lộ răng ra khiến răng có vẻ dài thêm - Khi nhấn vào nướu thấy có mủ chảy ra chung quanh răng - Miệng có vị đắng - Hơi thở hôi không biết rõ nguyên nhân - Răng lung lay - Có sự thay đổi của khớp cắn hàm trên và hàm dưới - Răng giả cảm thấy khác - Ăn ngọt, nóng hay lạnh bị buốt - Có những chỗ đau trong răng khiến ta ngại chải vào chỗ đó Một khi triệu chứng đã xuất hiện, răng chúng ta đã bị hư hại. Nên đến nha sĩ khám răng tổng quát và làm sạch răng dù ta không cảm thấy gì khác trong miệng. Hơn lúc nào hết, câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh” áp dụng đối với răng là thích hợp nhất.
Khám và tìm bệnh Nha sĩ thường tìm thấy chỗ sâu răng một cách dễ dàng. Họ sẽ hỏi xem ta có đau răng hay miệng không và dùng những dụng cụ nha khoa tìm chỗ sâu. Họ cũng có thể chụp quang tuyến X vì cách này cho thấy rõ ràng chỗ sâu. Có 3 loại sâu răng: - Sâu ở bề mặt phẳng: Vết sâu ở nơi mặt phẳng của răng, chỗ vi trùng dính lâu và chất acid có thể làm hư men răng. Thường là mặt hướng về phía má, gần đường nướu răng. Đây là loại sâu răng dễ ngừa và chữa, trừ khi là mặt phẳng giữa 2 răng. - Sâu trên mặt có rãnh và chỗ lõm của mặt nhai: Thường là của các răng bên trong. Loại sâu răng này thường tiến rất nhanh nếu chúng ta không chữa trị kịp thời hay săn sóc răng thật cẩn thận. - Sâu ở chân răng: Thường xẩy ra ở người lớn tuổi khi nướu răng bị tuột để hở chân răng.
Biến chứng Nhiều người trong chúng ta hay cho rằng sâu răng không có gì quan trọng, ai mà chẳng sâu răng. Hơn nữa, răng sữa của các em mà sâu thì đâu có gì đáng kể vì trước sau gì thì chúng cũng thay răng khác.Tuy nhiên, sâu răng có thể gây ra nhiều biến chứng nặng và kéo dài, ngay cả nơi răng sữa. Biến chứng gồm có: - Đau răng - Bọc mủ răng - Mất răng - Mẻ răng - Không nhai được - Nhiễm trùng nặng Khi chúng ta bị đau răng dữ dội, ai cũng biết là khó mà tiếp tục công việc hằng ngày, đi học, đi làm... Răng đau còn khiến ta khó thể ăn, uống, nói chuyện. Mất răng có thể khiến ta bị mặc cảm. Nếu bị bọc mủ răng, ta có thể bị nhiễm trùng nặng, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng nếu không được chữa kịp thời. Nơi các em bé, răng sâu cũng có thể gây ra nhiễm trùng; ngoài ra, răng bị nhổ sớm có thể đưa đến việc răng vĩnh viễn bị mọc lệch lạc.
Chữa trị Có nhiều cách: - Chữa bằng chất flouride: Flouride là một khoáng chất có tác dụng ngừa sâu răng và giúp răng tự hàn gắn. Nếu răng mới bắt đầu sâu, chữa bằng flouride có thể giúp giữ lớp men răng. Khi chũa, nha sĩ sẽ dùng lượng flouride nhiều hơn là có trong kem đánh răng. Nha sĩ có thể quét một lớp flouride nước, gel hay foam lên mặt răng hoặc để chất này trong bộ nhựa phủ lên cả hàm răng. Mỗi lần chữa kéo dài khoảng vài phút. Nha sĩ có thể khuyên bạn chữa bằng flouride theo định kỳ. - Trám răng: Khi răng đã sâu quá hơn mức chỉ xoi mòn lớp men, nha sĩ thường chữa bằng cách trám răng, tức dùng chất đặc để trám vào chỗ răng đã bị hủy sau khi đã đào lấy chỗ hư này ra. Chất trám răng có thể là chất resin tiệp màu răng, chất sứ, hoặc hỗn hợp nhiều chất. Chất trám “silver amalgam” gồm nhiều chất trong đó có một ít thủy ngân, vì thế một số người không thích dùng vì sợ bị nhiễm độc. Tuy nhiều nghiên cứu cho thấy chất trám này vẫn an toàn nhưng điều này hiện nay vẫn còn được bàn cãi. - Bọc răng: Nếu chỗ sâu quá nặng hoặc răng bạn đã bị yếu, nha sĩ có thể khuyên bạn bọc thay vì trám răng. Chỗ sâu sẽ bị đục bỏ và phần răng còn lại sẽ được bọc kín bằng chất vàng, chất sứ hoặc sứ trộn với kim loại. - Lấy tủy: Khi chỗ sâu rất nặng, ăn đến phần tủy răng, bạn sẽ cần được lấy tủy. Phần tủy răng sẽ được đục bỏ và răng được trám lại. - Nhổ răng: Răng hư quá nhiều không còn cứu vãn được sẽ phải nhổ đi. Vì hàm răng có chỗ trống, các răng chung quanh có thể xê dịch khiến hàm bị lệch lạc. Nha sĩ có thể khuyên bạn cấy răng vào chỗ trống.
Phòng ngừa Quan trọng nhất là phải săn sóc răng miệng hằng ngày. - Đánh răng sau khi uống hay ăn: Đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày, lý tưởng là sau mỗi bữa ăn. Nên dùng kem đánh răng có chất flouride. Cần làm sạch giữa kẽ răng bằng cách dùng chỉ kéo răng (floss). Nếu không đánh răng sau khi ăn uống, ít nhất là phải tráng miệng bằng nước lạnh. - Súc miệng bằng nước thuốc có chất flouride có thể giúp ngừa sâu răng. - Gặp nha sĩ thường xuyên: Mỗi 6 tháng hay ít hơn nên gặp nha sĩ để được khám răng miệng và làm sạch răng. - Gắn lên răng chất bọc bằng plastic(sealant): Thường chất này được gắn vào mặt nhai của những răng bên trong, nơi dễ bị sâu răng nhất. Chất gắn này sẽ bảo vệ lớp men răng khỏi bựa và acid. Có thể dùng cách này cho cả trẻ em và người lớn. Cơ quan CDC khuyên các em nhỏ tuổi đi học nên được bảo vệ răng bằng cách này. Chất gắn này có thể tốt cho nhiều năm trước khi phải thay thế. - Uống nước máy: Nước này có chứa chất flouride tốt cho răng. Nếu bạn chỉ uống nước trong chai, răng bạn sẽ không được bảo vệ. - Không ăn vặt hay uống nước ngọt quá nhiều: Lúc nào cũng ăn uống sẽ khiến răng bạn bị “tấn công” thường xuyên bằng chất acid. - Ăn những thức ăn tốt cho răng: Những thức ăn như cheese, trái cây và rau tươi làm tăng lượng nước bọt. Trà, cà phê và kẹo gum không đường “quét” những mảnh thức ăn đọng trên răng. Những thức ăn uống nói trên, do đó, có lợi trong việc ngừa sâu răng. Ngược lại, những thức ăn dễ dính vào những rãnh trên răng như chips, kẹo, cookies sẽ làm ta dễ bị sâu răng hơn. - Chà chất flouride lên răng (flouride treament): Nha sĩ có thể khuyên bạn làm flouride treatment nếu bạn không ăn uống vào người đủ chất flouride. Nha sĩ sẽ xát lên răng một lớp flouride trong vài phút. Bạn cũng có thể chải răng bằng kem có chất flouride hoặc súc miệng bằng thuốc chứa flouride. - Dùng thuốc trụ sinh: Nếu bạn dễ bị sâu răng vì một lý do nào đó, nha sĩ có thể cho bạn dùng thuốc súc miệng có chất trụ sinh hay những chất khác để giúp giảm số lượng vi trùng trong miệng bạn.
Tự giúp khi đau răng - Làm hẹn gặp nha sĩ ngay - Làm sạch răng và tất cả những vùng trong miệng, ngay cả những chỗ đang bị đau - Đánh răng bằng nước ấm - Dùng kem đánh răng đặc biệt cho răng nhậy cảm - Không ăn uống thức ăn nóng, lạnh hay ngọt. - Uống thuốc giảm đau sau khi hỏi ý kiến nha sĩ - Dùng thuốc tê chấm vào chỗ đau sau khi hỏi ý kiến nha sĩ.
|
|