Post by NHAKHOA on Apr 26, 2009 15:06:30 GMT -5
Mắt Đỏ
Bác sĩ Trần Mạnh Ngô
Người Việt ở hải ngoại lo lắng những bệnh về mắt nhiều hơn khi còn ở Việt Nam. Có lẽ một phần do phương tiện y tế ở đây phổ thông hơn. Phần khác là nhờ kiến thức y học của người Việt ở hải ngoại dồi dào hơn. Lại nữa, một số Y sĩ hay Dược sĩ ở hải ngoại tiếp xúc với bệnh nhân người Việt đôi khi cũng muốn tìm hiểu những danh từ chuyên môn để dễ dàng thông cảm trong việc trao đổi nghề nghiệp.
Bệnh mắt được nhiều người lưu ý là chứng mắt Đỏ. Có những chứng mắt đỏ của học sinh luôn luôn được thầy cô chăm sóc ở trường học như bệnh mắt Hồng (pink eye).
Tuy nhiên, trong trường hợp phức tạp, bệnh mắt Đỏ (Red eye) rất đa dạng.
Có những loại bệnh mắt Đỏ thông thường như bệnh khô mắt (dry eye syndrome), viêm mí mắt (blepharitis), mọc lẹo (stye), chấp (chalazion), viêm kết mạc (conjunctivitis), tật bẩm sinh nghẹt ống dẫn nước mắt (congenital nasolacrimal duct obstruction), hay mắt bị vật lạ rớt vào (superficial foreign body), bị xây sát giác mạc (corneal abrasions) và chảy máu dưới màng kết mạc (subconjunctival hemorrhage).
Cũng có những nguyên nhân khác gây bệnh mắt Đỏ, rất nguy hiểm, cần bác sĩ chuyên khoa trị liệu khẩn cấp như viêm giác mạc (keratitis), viêm màng mạch nho phía trước (anterior uveitis), tăng nhãn áp cấp tính (acute glaucoma), viêm củng mạc (scleritis) hay viêm thượng củng mạc (episcleritis), v..v.. Bây giờ, chúng ta hãy lần lượt đi sâu hơn vào từng loại bệnh làm mắt bị đỏ dựa theo những cấu trúc của mắt.
Bệnh mí mắt và bộ phận thuộc tròng mắt:
Bệnh viêm mí mắt (blepharitis) thường do nguyên nhân dị ứng vì bọ mite (Demodex folliculo- rum) nằm dọc theo lông nheo và lông mày mắt. Đôi khi mọc vẩy là bởi nhiễm trùng ăn vào lỗ chân lông. Lên mủ trong lỗ chân lông do vi trùng S. aureus hay vi trùng S. epidemidis. Từ đó mọc lẹo (Stye) hay lên chấp (Chalazion).
Lẹo cũng do những vi trùng như Pseudomonas aeruginosa hay Proteus.
Như vậy, những bệnh thông thường mí mắt là mọc lẹo (hordeolum), lên chấp, hay viêm mí mắt. Lúc đầu mí mắt sưng đỏ, sau đó nổi thành lẹo cứng.
Lẹo (styes, external hordeolum) là do nhiễm trùng hay viêm phần trước cấu trúc mắt, thí dụ viêm gốc lông nheo (hair follicles) hay tuyến hạch (accessory glands).
Còn bệnh chấp (chalazion, internal hordeolum) là viêm sưng những hạch tuyến Meibomius bên trong mí mắt, không phải viêm nhiễm trùng, không đỏ, nhưng tạo thành cục nhỏ ở mí mắt Lẹo để lâu ngày cũng có thể làm thành chấp mắt.
Nếu tuyến Meibomius ngoài mí mắt không thể hoạt động được sẽ bị viêm, như viêm mí mắt (blepharitis) hay viêm tuyến Meibomius (meibomeitis), đôi khi liên đới viêm kết mạc hoặc mọc thêm mạch máu giác mạc (cornea neovascularization). Bệnh nhân bị viêm mí mắt (blepharitis) cảm thấy như nóng mắt, và sáng dậy thấy mí mắt dính vào nhau.
Nhiễm trùng hệ thống dẫn nước mắt gây đau đớn, làm đỏ mí mắt và chảy nước mắt. Đôi khi ra ghèn.
Nhiễm trùng mí mắt đỏ và sưng viêm (cellulites), thường do vi trùng S. aureus, hay nhiễm trùng tròng mắt, nguy hiểm, cần bác sĩ chuyên khoa mắt điều trị khẩn cấp.
Khi chẩn bệnh, chúng ta cần tìm hiểu tiểu sử thương tích mắt, thí dụ như có vật nhọn đâm vào mắt, hoặc do ai đánh đập đụng mạnh vào mắt hay do vật lạ rớt vào mắt.
Nhiều người bị thương tích mắt làm mắt đỏ kéo dài cả năm, trở đi trở lại nhiều lần và đôi khi thêm nhiễm trùng làm mủ. Vật lạ rớt vào mắt cần bác sĩ chuyên khoa điều trị khẩn cấp.
Nghẹt ống dẫn nước mắt:
Llà nguyên nhân chính làm nhiễm trùng túi nước mắt (lacrimal sac). Viêm đường dẫn nước mắt và viêm túi nước mắt là nguyên nhân gây bệnh nghẹt ống dẫn nước mắt, thường do những vi trùng như S. aureus, S. epidermidis, và Streptococcus pneumonia.
Viêm hay nhiễm trùng kinh niên ăn vào hệ thống dẫn nước mắt do nhiều nguyên nhân như thương tích, nổi mụn, vật lạ rớt vào mắt, tật bẩm sinh nghẹt ống dẫn nước mắt và cũng do nhiễm vi trùng Streptococcus pneumonia, Hemophilus influenzae, hay nấm mốc như Candida albicans, Aspergillus và Actinomyces.
Bệnh tròng mắt và mắt Đỏ:
Mặc dầu chỉ bị nhiễm trùng phần trước và ngoài mắt, bác sĩ chuyên khoa vẫn chăm chú khám nghiệm nếu lỡ bị nhiễm trùng sâu bên trong tròng mắt.
Triệu chứng bao gồm: nhìn một thành hai, lồi mắt, hay mờ mắt, hoặc bị hư dây thần kinh mắt (optic nerve). Chuyển động con ngươi mắt bất bình thường là do viêm tròng mắt và làm tê liệt thần kinh mắt. Nhiễm trùng có thể lan rộng sau mắt, biến chứng làm viêm hay nhiễm trùng xoang, nguy hiểm chết người. Bệnh nhân phát hiện những triệu chứng như giảm thị lực, mờ mắt và nhìn một vật thành hai. Bệnh nhân phải gặp bác sĩ chuyên khoa mắt ngay. Ngoài việc khám bệnh bao gồm việc thử thị lực, thử con ngươi, khám sát võng mạc hay khám giây thần kinh thị giác, v..v.. , bác sĩ chuyên khoa còn đưa bệnh nhân đi chụp hình quang tuyến cắt lớp (computerized tomography) để truy tầm bọc mủ (abscess). Nhiễm trùng mô tròng mắt thường lan sang nhiễm trùng xoang. Bệnh nhân tiểu đường hay yếu miễn nhiễm dễ bị nhiễm trùng nấm (mucormycosis). Chụp hình quang tuyến không thể thấy những màng xoang dầy thêm do nghẹt mạch máu. Cần soi xoang khẩn cấp nếu lỡ bị viêm nấm.
Viêm tròng mắt không do nhiễm trùng làm đỏ mắt:
Kết mạc đỏ kinh niên có thể do áp xuất tĩnh mạch mắt tăng cao. Nguyên nhân chính là do những đường thông (fistulas) giữa tĩnh và động mạch trong mắt, hay do hậu quà thành lập tiểu động mạch (arteriolization) nơi hệ thống tĩnh mạch (venous outflow system), do những đường thông từ màng cứng hay những hang động mạch cảnh (carotid cavernous fistulas).
Bệnh nhân thấy triệu chứng như ngứa mắt, mắt lồi ra ngoài, nhẩy theo nhịp hay nghe như có tiếng động mạch máu đập (bruit). Thử nghiệm tiếp theo cần siêu âm hay chụp quang tuyến mạch máu (angiography).
Kết mạc đỏ (conjunctival erythrema):
Viêm kết mạc (conjunctivitis) hay mắt Hồng (pink eye) là bệnh mắt khá thông thường, đặc biệt do dị ứng, nhiễm siêu vi trùng hay nhiễm vi trùng.
Mắt đỏ vì dị ứng tùy theo từng mùa. Mắt bị ngứa ngáy, kích thích và chảy nước mắt.
Dị ứng của mắt là một trong nhiều thứ dị ứng khác như di ứng tai, mũi và họng, dị ứng da, v..v.. Nguyên nhân có thể do phấn hoa từ bông cỏ, hay lông súc vật như chó, mèo, v..v.. Nguyên nhân mắt đỏ dị ứng mắt có thể nhầm với những nguyên nhân khác không phải do dị ứng như xà bông, đồ giặt tẩy quần áo, v..v..
Viêm kết mạc do siêu vi trùng thường xẩy ra trong lúc bị cảm cúm. Đây là bệnh rất hay lây, thường do siêu vi trùng như Enteroviruses, Adenovirus loại 3, 7, và 8, siêu vi trùng herpes như Human Herpes 1 (Herpes simplex 1) hay Human Herpes 2, 3 và 5.
Bệnh nhân than phiền mắt bị đau và đỏ, chảy nước mắt và sợ ánh sáng. Bệnh nhân không được dùng chung chạ khăn mặt, chăn gối, hay xà bông, v..v.., vì dễ bị lây.
Viêm kết mạc do nhiễm vi trùng (Haemophilus aegypticus và Moraxella lacunata). Viêm mí mắt (inclusion conjunctivitis) hay đau mắt hột (trachoma) do vi trùng Chlamydia trachomatis.
Viêm kết mạc do nhiễm trùng là loại viêm cấp tính, thường xẩy ra ở bệnh nhân thanh niên và khỏe mạnh. Nhưng ngược lại, bệnh nhân trẻ em lại dễ bị viêm cấp tính hơn.
Nếu bệnh nhân than phiền đau mắt hay mờ mắt, có thể nghi ngờ viêm giác mạc hay nhiễm trùng con ngươi mắt. Nếu mắt ra ghèn và làm mủ quá nhiều thì phải nghi ngờ nhiễm trùng bệnh lậu (Neisseria gonorrhea).
Viêm kết mạc có thể do những nấm như Candida Albicans, Sporothrix schenkii, Allescheria, Aspergillus và Mucor hay do ký sinh trùng như Onchocerca volvulus, Loa loa, Wulchereria bancroftii, Trichinella spiralus, Schistosoma haematobium, Taenia solium, Echinococcus và Thelazia.
Khô mắt làm đỏ mắt:
Khô mắt theo định nghĩa đúng cách là thiếu sản xuất nước mắt. Tuy nhiên, trong việc định bệnh, phải kiểm chứng nếu nước mắt không tiết ra được có phải do những bệnh khác như chứng Sjogren, Stevens-Johnson, do phỏng vì hóa chất, hay do mí mắt bị tật bẩm sinh vì cấu trúc bất thường. Nhưng thực tế, chứng khô mắt (dry eye syndrome lại được hiểu là nước mắt vẫn được sản xuất điều hòa. Và chứng khô mắt có thể liên hệ tới nhiều lý do như cách cấu tạo nước mắt khác nhau, nồng độ nước mắt khác nhau (osmolarity), do mí mắt bị viêm nhẹ (mild blepharitis), do những chất gây kích thích mắt (irritants) từ những môi trường xung quanh, hay do bệnh mỏi mắt (asthenopia, eyestrains).
Bệnh mắt không do nhiễm trùng cũng làm đỏ mắt: Đó là chứng đỏ hạt kết mạc góc mắt (pinguecula) hay mây mắt (ptyrigium). Bệnh này do mô kết mạc mọc ra. Đặc biệt mây mắt có thể lan vào giác mạc. Nguyên nhân do mắt khô, do ánh sáng mặt trời hay gió thổi mạnh vào mắt, nhất là những bệnh nhân thường đi biển đánh cá ở Việt Nam trước đây.
Đỏ mắt vì đeo contact lens không đúng cách:
Chẳng hạn khi dùng contact lens dơ bẩn, đeo contact lens quá chặt, không chuyển động khi nhắm mắt hay mở mắt, gây thương tích cho giác mạc.
Chảy máu dưới kết mạc (subconjunctival hemorrhage):
Là do máu chảy từng vùng dưới kết mạc, mắt đỏ lòm và không đau, bất chợt xuất hiện hay cũng có thể vì day tay mạnh vào mắt khi bị ngứa mắt. Có thể do thương tích haysau khi giải phẫu mắt. Đôi khi vì ho mạnh, ói hay khiêng đồ quá nặng cũng làm bật chảy máu dưới kết mạc. Đây là chứng đau mắt rất thường thấy nơi bệnh nhân tiểu đường hay cao huyết áp. Chảy máu dưới kết mạc cũng giống như bị máu bầm trong mắt, tự nó sẽ tan đi ít tuần hay vài ngày. Nhưng nếu bệnh không thuyên giảm, cần đi bác sĩ chuyên môn để loại bỏ nguyên nhân ung thư máu (lymphoma) hay ung thư Kaposi, phát hiện vết đỏ ngoài kết mạc.
Đỏ mắt và nổi bướu cực nhỏ trong kết mạc có thể nghi ngờ ung thư: Như loại ung thư cơ vân (rhadomyosarcoma) của trẻ em. Cộng thêm những loại ung thư mắt hiếm có khác như ung thư ở nguyên vị trí (carcinoma in situ), ung thư tế bào có vẩy (squamous cell carcinoma), ung thư bạch huyết (malignant lymphoma), ung thư chứa sắc tố melanin (malignant melanoma ung thư Kaposi.
Đỏ mắt vì thương tích hay bệnh ngoài kết mạc: Khi bệnh nhận than phiền mắt đỏ thì trước hết phải để ý nếu mắt bị thưong tích, tìm hiểu những hóa chất lau chùi trong nhà, hay bệnh nhân thay đổi hóa chất khi rửa contact lens. Mắt đỏ thật nhiều là do hóa chất tạt vào mắt hay mắt bị phỏng, phải vào nhà thương cấp cứu. Nếu để lâu sẽ nặng thêm nhất là hóa chất sẽ tiếp tục làm đỏ mắt, làm hư kết mạc và làm mắt bị thốn, kích thích khó chịu.
Mắt đỏ vì giác mạc bị sây sát hay có vật lạ rớt vào mắt:
Mắt có thể bị đau. Đôi khi thấy mờ mắt nếu bị vật lạ rớt vào chính giữa con ngươi mắt.
Vật lạ rơi vào mắt làm xây sát giác mạc. Mặc dù đã lấy vật lạ ra khỏi mắt, vẫn có thể để lại vết thương nơi giác mạc trong mắt. Phải kiểm chứng nếu còn sót lại nhiều vật lạ khác trong giác mạc. Nếu giác mạc bị nhiễm trùng hay bị viêm thì càng nguy hiểm hơn.
Viêm giác mạc do siêu vi trùng herpes làm sưng giác mạc, vì đây là bệnh liên hệ tới diễn biến miễn nhiễm. Bệnh nhân cũng bị mờ mắt và đỏ mắt.
Giác mạc bị nhiễm vi trùng có thể làm lở loét giác mạc, đỏ mắt, và đau tròng mắt.
Viêm giác mạc do rất nhiều vi trùng, siêu vi trùng hay nấm mốc gây ra, như Pseudomonas aeruginosa, Streptococcus pneumonia, Staphylococcus aureus, Streptococcus pyogenes, Proteus, Neisseria, Corynebacterium, Haemophilus, Mycobacterium fortuitum, Human Herpesvirus 1, Adenovirus types 3 and 8, Fusarium, Aspergillus, và Candida albicans.
Viêm củng mạc (sclera) và viêm thượng củng mạc (episclera) thỉnh thoảng làm đỏ mắt:
Viêm thượng củng mạc mắt nghĩa là viêm phần ngoài mắt không làm đau đớn. Đôi khi không thấy rõ triệu chứng và không thấy hoa mắt. Mắt chỉ bị đỏ từng vùng. Định bệnh bằng cách nhỏ thuốc epinephrine. Viêm thượng củng mạc cũng có thể liên hệ tới bệnh phong thấp (rheumatologic) hay bệnh u hạt (granulomatous). Ngược lại, viêm củng mạc nguy hiểm hơn và có thể làm hư mắt. Viêm củng mạc làm mắt đau đớn, đỏ mắt và chảy nước mắt ràn rụa (epiphora). Viêm củng mạc đôi khi phát hiện những cục nhỏ, làm hư mô mắt. Phân nửa viêm củng mạc của mắt liên hệ đến bệnh viêm ruột (inflammatory bowel diseases), bệnh phong thấp, bệnh ngoài da, bệnh mạch máu hay bệnh u hạt.
Tăng nhãn áp góc hẹp (narrow-angle glaucoma):
Lúc đầu bệnh phát hiện phần trước của mắt và tập trung phần rìa xung quanh mắt.
Triệu chứng đặc biệt của bênh tăng nhãn áp hẹp là con ngươi nở lớn và không di động, giác mạc sưng, kết mạc đỏ và áp xuất trong mắt tăng cao do thị dịch chảy ra ngoài bị nghẽn. Bệnh nhân than phiền ói, mửa và nhức đầu. Bệnh nhân phải gặp bác sĩ nhãn khoa khẩn cấp.
Viêm bên trong mắt (Intraocular inflammation):
Viêm bên trong mắt cũng làm mắt đỏ, có thể do nhiễm vi trùng. Nhưng cũng có trường hợp không do nhiễm trùng. Thí dụ như viêm màng mạch nho (uveitis). Viêm mống mắt (iritis) là viêm phần phòng trước của mắt (anterior chamber). Bệnh nhân than phiền đau mắt, sợ ánh sáng và đỏ mắt. Đôi khi bệnh nhân than phiền mắt hoa mắt mờ và cảm thấy như có vật gì bay trước mắt (floaters). Thường thì viêm màng mạch nho (uveitis) có thể liên hệ tới thử nghiệm HLA-B27 dương (+) và liên hệ bệnh phong thấp (ankylosing spondylitis).
Viêm màng mạch nho phía trước (Anterior uveitis) có thể liên hệ tới bệnh giang mai (syphilis), bệnh lao, bệnh u hạt như bệnh sarcoidosis hay Behcet’s, siêu vi trùng bệnh quai bị (Mumps virus), siêu vi trùng Human Herpesvirus 3 (Varicella-Zoster virus), Rubella virus, Rubeola virus, Human Herpesvirus 1 (Herpes simplex 1 virus). Đôi khi có thể do vi trùng Treponema pallidum, Neisseria gonorrhoea, Brucella, Borrelia burgdorferi, Rickettsia rickettsii, HIV, Leptospira interrogans.
Viêm màng mach nho phía sau (Posterior uveitis) cũng do nhiều vi trùng và siêu vi trùng như: Toxoplasma gondii, Toxocara, Cryptococcus neoformans, Histoplasma capsulatum, Myco -bacterium tuberculosis, Human Herpesvirus 5 (cytomegalovirus), Human Herpesvirus 1 (Herpes simplex 1 virus) và HIV.
Nhiễm vi trùng bên trong mắt là bệnh nguy hiểm có thể làm hư và mù mắt do thương tích mắt, hậu giải phẫu mắt, hay nhiễm trùng máu (bacteremia). Điều trị khẩn cấp may ra tránh khỏi bị mù mắt.
Để kết luận, bệnh nhân thường xuyên than phiền chứng đỏ mắt. Nguyên nhân mắt đỏ đa dạng: từ giản dị tới phức tạp. Bệnh lý mắt đỏ thay đổi từ nhẹ sang nặng, đôi khi rất nguy hiểm gây thương tích cho mắt và có thể làm mù mắt rất nhanh chóng. Cần gặp bác sĩ nhãn khoa khẩn trương.
Bài này chỉ tóm tắt những triệu chứng và nguyên nhân của những bệnh làm mắt đỏ, giới hạn trong Y Dược Khoa Tổng Quát và Thực Hành.
References:
1. Steven R.Shields: Managing eye disease in primary care, Postgrad Med, 108: 83-96, 2000
2. Lynn K. Gordon: Clinical approach to the red eye, Family Practice Recertification, 24: 25-41, 2002.
3. D.A. Jabs et all: Episcleritis and scleritis, Am J Ophthalml, 130: 469-476, 2000.
4. C. Lederman, M. Miller: Hordeola and chalazia, Pediatric Rev., 20: 283-284, 1999.
5. K.F. Heffler: Tumors of the conjunctiva and conjunctivitis. Curr Opin Ophthalmol, 6:32-38, 1995.
6. Infectious Eye diseases: www.kcom.edu/faculty, 2002
Bác sĩ Trần Mạnh Ngô