|
Post by NHAKHOA on Apr 26, 2009 14:59:13 GMT -5
Bệnh Ngoài Da Acanthosis Nigracans (AN) Bs Trần Mạnh Ngô Ai cũng có thể bị bệnh ngoài da Acantosis Nigracans (AN), đặc biệt người mập. Vết da đen và nâu xuất hiện đằng sau cổ, dưới cánh tay hay dưới bẹn, háng, đôi khi có thể ở môi hay lòng bàn chân. Vậy triệu chứng độc nhất của bệnh Acantosis Nigracans (AN) là thay đổi mầu da. Thay đổi mầu sắc kéo dài cả năm, tháng (muốn biết thêm về Acantosis Nigracans, xin bấm chuột vào Reference này: medicine.ucsd.edu/clinicalimg/Skin-skintags.html). Nguyên nhân bệnh có thể bởi ăn quá nhiều chất bột hay đường tăng nguy cơ bệnh ngoài da với những vết nâu hay đen. Phần lớn bệnh nhân có kích thích tố insulin cao trong máu: cao hơn những người mập khác không bị AN. Kích thích tố Insulin lọt vào da hoạt hóa thụ thể Insulin làm da tăng trưởng bất bình thường gây bệnh AN. Ðiều trị bằng dinh dưỡng giảm insulin trong máu thuyên giảm AN. Ngược lại, nếu người bình thường không mập mà bị bệnh ngoài da AN thì phải truy tầm nguyên nhân gây bệnh. Trong vài trường hợp hiếm có, AN có thể liên hệ bệnh u bướu. Những vết thâm ngoài da có thể xuất hiện ở những nơi khác trong cơ thể như tay hay môi và thường là bệnh nặng. Ðôi khi có thể do di truyền liên hệ bệnh tuyến nội tiết. Nói chung thì không có phương pháp đặc biệt điều trị bệnh AN. Nếu vì do bệnh nhân bị mập quá thì nên giảm cân, ăn uống giảm năng lượng. Ðiều trị bệnh ngoài da Acantosis Niagrans có thể dùng Retin-A, dung dịch 20% urea, alpha hydroxyacids và salicylic acid. Bác sĩ chuyên khoa ngoài da có thể giúp các bạn điều trị bệnh ngoài da Nicantosis Nigracans, bằng những phương pháp như ủi da (dermabrasion) hay kỹ thuật laser. Điều trị có kết quả sẽ nhanh hơn nếu biết rõ nguyên nhân gây bệnh. References: 1) American Osteopathic College of Dermatology, 2005 2) Mayo Clinic, 2006 3) Skin and Aging Journal, 2006 [Chú thích: Acanthosis Nigracans (AN) là loại bệnh ngoài da nổi lên những vết da đen (hyperpigmentation) và dầy (hyperkeratosis), đặc biệt ở những vùng da bị gấp lại, như cổ, nách hay bẹn. Bác sĩ chuyên khoa chỉ cần nhìn là có định bệnh AN. Vài trường đặc biệt phải làm sinh thiết. Bệnh ngoài da AN có thể liên hệ mỡ mập, do vài loại thuốc như kích thích tố tăng trưởng, thuốc ngừa thai hay dùng quá nhiều chất niacin, hay liên hệ u bướu ung thư. Có người cho rằng bệnh ngoài da AN là tiền triệu chứng của bệnh kháng insulin, thường thấy trong bệnh tiểu đường loại 2. Có 2 loại: kháng sinh insulin A và kháng sinh insulin B. Như vậy tức là điều kiện kháng insulin trong trường hợp mập phì hay tiểu đường loại 2 làm thay đổi da Bệnh ngoài da AN được khám phá năm 1889. Tường trình khoa học về bệnh AN lần đầu tiên vào năm 1909. Bs Kahn và các đồng nghiệp lần đầu tiên khám phá AN liên hệ hiện tượng kháng insulin vào năm 1976. Bệnh AN bình thường, không phải ung thư, có thể do insulin hay chất giống insulin tăng trưởng (insulinlike growth factor) kích thích biểu bì tăng trưởng. Chất kích thích tố insulinlike growth hormone thấy nhiều trong tế bào fibroblasts (tế bào sợi sinh sản mô đàn hồi) và keratinocytes (tế bào tạo chất xơ keratin). Bệnh AN có thể do di truyền. Bệnh AN có thể xuất hiện ở nhiều lứa tuổi, đặc biệt người có da ngăm đen. Hiện chưa có xác suất rõ ràng về bệnh AN ở Mỹ. Trong một tường trình trước đây cho biết khoảng 7.1% bệnh AN trong một nhóm 1412 trẻ em ở Mỹ. Khoảng phân nửa bệnh nhân mập (trên 200%) có nguy cơ bị AN. Trong một nghiên cứu khác cho thấy, ở Mỹ, cứ 12,000 bệnh nhân bị ung thư lại có 2 người bị AN ]. References: 1) American Osteopathic College of Dermatology, 2005 2) Mayo Clinic, 2006 3) Skin and Aging Journal, 2006
|
|
|
Post by NHAKHOA on Apr 26, 2009 15:00:32 GMT -5
Bệnh Ngoài Da: Ung Thư Da (Basal Cell Carcinoma) Ung thư da Basal Cell Carcinoma thường thấy nhiều nhất ở mặt, chân tay, cổ hay bất phần nào trong cơ thể không che kín ánh sáng mặt trơì. Ung thư da basal cell carcinoma (ung thư da tế bào căn bản) còn gọi là basal cell epithelioma. Ung thư da basal cell cancer dưới nhiều thể dạng khác nhau như: da đỏ hay vùng da kích thích, da bóng hay trồi lên, vùng da mầu trắng hay vàng giống như vết thẹo, có thể là một vùng da nhỏ, bóng, và tiếp tục tang trưởng, hay nơi da bị đau, không lành, chảy máu. Ðôi khi có mầu sắc đen hay nâu tương tự như ung thư da melanoma. Thử nghiệm sinh thiết để khẳng định có phải ung thư da hay không. Nguyên nhân chính ung thư da tế bào căn bản (basal cell carcinoma) là do ra nắng nhiều. Tia tử ngoại trong ánh sáng mặt trơì là nguyên nhân gây ung thư da basal cell cancer. Thanh thiếu niên thích phơi nắng ngoài trơì thật lâu, sau này có nguy cơ bị ung thư da basal cell carcinoma. Ung thư da thường xuất hiện nơi da không khó xậm mầu khi phơi nắng. Ung thư da basal cell cancer có thể do di truyền hay rối loạn miễn dịch. Ung thư da thường xuất hiện nơi biểu bì. Biểu bì có 3 loại tế bào: 1) tế bào da dẹp, có vẩy, 2) loại tế bào tròn, và 3) tế bào sinh sản sắc tố mầu đen. Ung thư 3 loại tế bào kể trên gây 3 loại ung thư da khác nhau: ung thư da tế bào có vẩy, ung thư da tế bào tròn, và ung thư da sác tố đen mà mọi người chúng ta đều biết tên là melanomas. Ở đây chúng ta chỉ nói về ung thư da tế bào tròn, tế bào căn bản của da, tức là basal cell carcinomas. Ðiều trị ung thư da basal cell cancer tùy thuộc hình dáng, kích thước ung thư da, vị trí và thể loại bệnh lý ung thư da. Thường thì khi ung thư da nhỏ hơn một phân thường trị bằng cách nạo hay đốt bằng điện. Nhiều khi dùng giải phẫu hay đốt bằng khí trơ đông lạnh. Nếu kích thước ung thư da lớn hơn thì dùng phương pháp giải phẫu dưới kính hiển vi. Cũng có trường hợp phải chiếu phóng xạ hay ghép da. Rất nhiều phương pháp điều trị ung thư da basal cell cancer khác nhau nhưng tựu chung phương pháp giải phẫu Mohn dưới kính hiển vi hữu hiệu nhất và bệnh ít tái phát. Khoảng 50% bệnh nhân ung thư da dễ bị trở lại trong vòng 5 năm. Bởi vậy bệnh nhân cần khám bệnh định kỳ, đôi khi mỗi tháng để rình ung thư da tái phát. Những ai đã từng bị ung thư da basal cell cancer thì nên tránh ra nắng, dùng nón rộng vành, mặc quần áo kín không phơi nắng và phải dùng kem chống nắng. American Osteopathic College of Dermatology, 2005. (Chú thích: Ung thư da basal cell carcinoma là loại thông thường nhất. 90% ung thư da người sống ở Mỹ bị ung thư da loại này (thêm khoảng 800,000 người, mỗi năm) . Cũng may mắn là ung thư basal cell không nguy hiểm vì phát triển chậm và ít lan truyền. Chỉ khoảng 1/1000 bệnh nhân bị ung thư da loại này bị lây lan sang các cơ quan khác trong cơ thể. Ung thư da basal cell thường thấy nơi ngươì già, và những công nhân làm việc ngoài trời hay phơi nắng thường xuyên. Những người da không xậm, hay người Mỹ tóc hung, tóc bạch kim, tóc đỏ, mắt xanh, mắt nâu, dễ bị ung thư loại này. Nói như vậy không có nghĩa người da xậm mầu như người Việt không bị ung thư da basal cell carcinoma. Trong việc hành nghề hàng ngày, lác đác vài bệnh nhân người Việt, có tuổi, thấy bị ung thư da basal cell cancer). (Chú thích: Basal cell carcinoma (BCC) chiếm 75% trong mọi ung thư da. Ung thư da BCC có thể ăn vào da và lan xâu dưới da, như xương và bắp thịt. Ung thư da BCC ít di căn, hiếm thấy ăn sang các cơ quan khác trong cơ thể.Các bác sĩ chuyên khoa về da thường dùng 2 loại kem chống ung thư da BCC. Loại thứ nhất tên là imiquimod thường để chữa mụn cơm, nay được FDA cho phép trị ung thư da BCC. Sau khi giải phẫu cắt bỏ ung thư da BCC, các bác sĩ dùng kem imiquimod thấy 2/3 ung thư da BCC không phát triển trở lại. Thuốc thứ 2 tên là fluorouracil cũng hiệu nghiêm trị ung thư da BCC sau khi giải phẫu cắt bỏ ung thư da). Trần Mạnh Ngô, M.D., Ph.D.
|
|
|
Post by NHAKHOA on Apr 26, 2009 15:01:26 GMT -5
Bệnh Ngoài Da Tiết Chất Nhờn Seborrheic Dermatitis Trần Mạnh Ngô, M.D., Ph.D. Bệnh ngoài da tiết chất nhờn gây gầu trên đầu hay ngoài da khi tuyến tiết chất nhờn làm việc quá lố. Bệnh thường thấy ở những vùng da có nhiều tuyến chất nhờn hay da đầy chất nhờn. Người lớn gọi là bệnh gầu trên đầu còn trẻ em thì gọi là bệnh chỏm đầu khi mơí sanh (crandle cap). Bệnh ngoài da sinh chất nhờn còn thấy ở những nơi khác như ngoài mặt, xung quanh mắt, râu cằm, tai, trước ngực, tay chân và bẹn háng hay xung quanh hậu môn. Bệnh ngoài da sinh chất bã nhờn làm cho da nhờn hay có vẩy. Bệnh da tiết chất bã nhờn thường thấy nơi trẻ sơ sinh chưa đầy 3 tuổi hay người lớn từ 30 tới 60 tuổi. Bệnh thấy ở đàn ông nhiều hơn đàn bà. Vì đây cũng là loại bệnh viêm nên vết da có vẩy, ngứa và nóng. Nguyên nhân bệnh chưa biết rõ. Bệnh có thể phát hiện ở từng người, từng trẻ em, hay người lớn. Bệnh có thể liên hệ kích thích tố vì bệnh thường phát hiện khi còn nhỏ cho tơí lúc trưởng thành thì bệnh biến mất. Bệnh có thể một loại nấm tên là malassezia. Thường thì ít nhiều nấm malassezia quanh quẩn ngoài da, nhưng khi mọc quá nhiều có thể sinh bệnh chất bã nhờn ngoài da. Bệnh nhân dễ bị mẫn cảm malassezia dễ mắc bệnh ngoài da sinh chất nhờn. Bệnh ngoài da seborrheic dermatitis có thể liên hệ biến chứng bệnh thần kinh vì bệnh thường thấy ở người già bị Parkinson hay bệnh nhân kinh phong, tai biến mạch máu não, bệnh xơ cứng thần kinh hay tê liệt. Nhiều nghiên cứu khác cho rằng bệnh có tính chất di truyền, hệ thống miễn dịch ngoài da bất thường, thay đổi môi trường sống xung quanh như nhiệt độ hay ẩm ướt, da bị kích thích bởi những hóa chất dùng để rửa cầu tiêu nhà tắm, kích thích tố nam, HIV, trạng thái tâm thần, căng thẳng, uống rượu, đồ ăn thiếu dinh dưỡng và kém vệ sinh. Ðiều trị bệnh Seborrheic dermatitis tùy theo tuổi tác. Trẻ em vị thành niên hay người lớn bị bệnh ngoài da Seborrheic dermatitis thường chữa bằng thuốc gội đầu có chất salicylic acid hoặc dùng thuốc có toa bác sĩ như selenium sulfite, hay chất kẽm pyrithione zinc. Thường thì gội đầu tuần 2 lần. Thuốc gội đầu có chất Coal Tar có thể gội tuần 3 lần. Cũng có thể dùng shampoo mỗi ngày cho đến khi bớt bệnh sẽ dùng tuần vài, 3 lần. Khi dùng shampoo gôi đầu thì để thuốc cùng khắp đầu, gãi, rồi để lâu chừng 5 phút sau hãy xối nước. Có bác sĩ cho bệnh nhân dùng thêm thuốc (cần có toa) loại steroid. Thuốc nước steroid chỉ dùng cho trẻ vị thành niên hay người già. Khi chữa bệnh cho trẻ em nhất là trẻ sơ sinh, không thể dùng những thuốc mạnh của người lớn. Có thể dùng shampoo của trẻ em, nhẹ và không chứa thuốc gì. Trải đầu bằng bàn chải thật mềm dùng cho trẻ em, nhè nhẹ cho gầu bong ra. Phải coi chừng: chải thật nhẹ. Vì nếu làm hư da đầu trẻ dễ bị nhiễm trùng. Nếu vẫn không khỏi phải ý kiến bác sĩ nhi đồng có thể dùng thuốc chứa chất Tar hay 2% thuốc Nizoral (ketoconazole). Vài loại thuốc gội đầu hay kem nhẹ chứa steroid có thể dùng cho trẻ em nhưng cũng phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Tham Khảo: 1) American Academy of Family Physicians, 2) 2006 Family Doctor, 2005 Trần Mạnh Ngô, M.D., Ph.D.
|
|
|
Post by NHAKHOA on Apr 13, 2013 17:04:12 GMT -5
Bệnh khô da dị ứng (eczema)
BS. Nguyễn Thị Nhuận/Viễn Đông
Bệnh khô da dị ứng (eczema) là một bệnh khá thông thường ở trẻ em, có thể kéo dài cho đến tuổi người lớn. Bệnh nhân bị những vết lở ngứa ngáy trên da, có lúc thuyên giảm, có lúc nặng lên và thường đi kèm với những bệnh dị ứng khác như suyễn, viêm mũi...
Triệu chứng Bệnh nhân khô da dị ứng thường có những triệu chứng sau: - Có những khoảng da màu đỏ hay nâu xám - Ngứa từ nhẹ đến nặng, thường tăng về đêm - Nhiều mụn nhỏ bể ra và đóng mài lại khi bệnh nhân gãi - Da dầy lên, nứt nẻ, đóng vẩy và mẫn cảm Những vết thương này thường mọc ở bàn chân và bàn tay, cánh tay, phía sau đầu gối, cổ chân, cổ tay, mặt, cổ và ngực. Vết thương cũng có thể mọc ở vùng da chung quanh mắt gây ra sưng, đỏ và rụng lông mi, lông mày khi bệnh nhân gãi hay dụi mắt thường xuyên.
Diễn biến của bệnh Bệnh khô da dị ứng thường bắt đầu ở tuổi nhỏ, từ 5 tới 7 tuổi và có thể kéo dài cho đến tuổi người lớn. Bệnh có thể giảm đi một thời gian rồi nặng lại. Bệnh nhân có thể bị ngứa dữ dội và nhiều khi càng gãi thì càng ngứa. Những thứ sau đây có thể làm ngứa thêm lên: tắm quá lâu, không khí khô, bị căng thẳng, nhiệt độ thay đổi quá nhanh, ra mồ hôi nhiều, những chất dùng chùi rửa, xà bông, bột giặt, quần áo bằng len hay những chất nhân tạo, bụi cát, khói thuốc lá...
Bệnh khô da dị ứng của trẻ em nhỏ dưới 1 tuổi Thường bắt đầu từ lúc em vài tuần tới vài tháng tuổi và có thể kéo dài cho đến lúc lớn. Các em bé này thường bị những mảng da lầy nhầy chảy nước, đóng mài, rất ngứa ngáy trên đầu và mặt nhưng cũng có thể ở chân tay, người... Khi các em qua 1 tuổi, các vết thương này thương khô hơn, màu đỏ xám. Khi đến tuổi dậy thì, da các em bị dầy, đóng vẩy và rất mẫn cảm. Các em thường xuyên tiếp tục bị ngứa nhiều.
Nguyên nhân Hiện vẫn chưa biết nguyên nhân rõ rệt của bệnh này nhưng có lẽ là do bị da khô kèm theo trục trặc trong hệ miễn nhiễm của cơ thể. Sự căng thẳng hoặc những bệnh về tình cảm sẽ làm triệu chứng bệnh tăng lên nhưng chúng không phải là nguyên nhân chính. Trẻ bị bệnh da khô dị ứng thường bị những bệnh dị ứng khác và những người trong gia đình cũng thường bị bệnh suyễn hay viêm mũi dị ứng. Khoảng 3 trong 4 em bị bệnh da khô dị ứng sẽ bị thêm bệnh suyễn hay viêm mũi sau này.
Những biến chứng - Ngứa và gãi lâu ngày có thể đưa đến bệnh viêm da thần kinh, khi làn da bị dầy lên như da thú vật, đỏ và đậm màu hơn những phần da bình thường. Gãi lâu ngày cũng có thể gây ra sẹo hay đổi màu da. - Nhiễm trùng do gãi nhiều khiến làn ra bị rách ra, vi trùng dễ xâm nhập gây ra nhiễm trùng, thường là vi trùng Staph. - Biến chứng ở mắt có thể đưa tới hư hoại mắt vĩnh viễn. Lúc này, bệnh nhân bị ngứa dữ dội trong và chung quanh mắt. Những triệu chứng của biến chứng ở mắt cũng gồm có chảy nước mắt, viêm mí mắt và viêm giác mạc. Nếu bạn nghĩ rằng mắt bạn có vấn đề, nên gặp bác sĩ ngay.
Chữa bệnh Mục đích chữa bệnh là làm giảm viêm, ngứa và đề phòng bệnh trở nặng. Nếu bệnh nhẹ, bệnh nhân có thể mua những kem thoa trị ngứa bán tự do để dùng. Mặc dù bệnh này có liên quan đến dị ứng nhưng những biện pháp chống dị ứng thường không hiệu quả. Chích chữa dị ứng thường cũng không giúp ích mấy và đôi khi có thể làm bệnh nặng hơn.
1. Thuốc Bạn có thể được bác sĩ viết toa cho mua những kem có chứa chất corticosteroid để làm bớt đóng vẩy và ngứa. Nhiều loại kem chứa chất steroid nhẹ được bán tự do không cần toa nhưng bạn cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng chúng cho các em. Những tác dụng phụ không tốt của việc dùng các kem này lâu ngày thường là da bị đổi màu, mỏng ra, nhiễm trùng hoặc thành vết nứt. Khi bị ngứa, bệnh nhân có thể mua thuốc chống dị ứng antihistamine như Benadryl uống. Thuốc này giúp bệnh nhân dễ ngủ ban đêm khi cơn ngứa nặng nhất. Nếu da bị nứt nẻ chảy nước, bác sĩ có thể cho đắp băng ướt để tránh bị nhiễm trùng. Khi bệnh quá nặng, bác sĩ cũng có thể cho uống thuốc steroid trong một thời gian ngắn độ vài ngày để giảm thiểu dị ứng nhưng thuốc này không được dùng lâu ngày vì những phản ứng phụ tai hại của nó. Một loại thuốc khác có tên immunomodulators (tên thương mại Protopic và Elidel ảnh hưởng lên hệ miễn nhiễm và giúp bảo vệ làn da bình thường cũng như tránh những cơn bệnh nặng. Nhưng các thuốc này chỉ được dùng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên và chỉ dùng khi các thuốc steroids đã vô hiệu vì người ta lo ngại những ảnh hưởng của chúng lên hệ miễn nhiễm.
2. Chữa bằng ánh sáng Trong cách chữa này, bác sĩ chiếu ánh sáng tự nhiên hay nhân tạo (tia UVA hay UVB) vào da bệnh. Tuy cách chữa này hiệu nghiệm nhưng nó cũng không được dùng nhiều vì tác dụng làm da lão hóa hay ung thư của ánh sáng.
3. Chữa bệnh khô da dị ứng của trẻ nhỏ dưới 1 tuổi Ở trẻ nhỏ, cần tránh những chất dễ kích thích da, tránh nhiệt độ quá cao hay quá thấp và dùng những chất nhờn như bath oil, lotions, kem thoa để làm da bớt khô. Đem em đi khám bệnh nếu bệnh không đỡ hoặc có vẻ bị nhiễm trùng.
Phòng ngừa Cần nhất là làm cho da bớt bị khô. Dùng những cách sau đây: - Ít tắm hơn. Chỉ nên tắm mỗi 2 hay 3 ngày. Khi tắm, nên tắm thật nhanh trong vòng 10, 15 phút, dùng nước ấm, tránh nước nóng. Dùng thêm bath oil. - Dùng những xà bông hay bột giặt đặc biệt. Chọn những xà bông nhẹ, không lấy mất chất nhờn ở da nhiều. Không nên dùng thuốc xịt chống mùi hôi deodorant hay xà bông có chất sát trùng vì chúng làm khô da thêm. Chỉ dùng xà bông ở những vùng như mặt, nách, bộ phận sinh dục, tay và chân. Những phần còn lại của cơ thể chỉ nên dùng nước mà thôi. - Lau khô một cách nhẹ nhàng. Chỉ dùng khăn lông chậm nhẹ trên da. - Làm da nhờn thêm bằng những thuốc làm nhờn như Cetaphil, Vanicream hay Eucerin. Bạn cũng có thể dùng baby oil.
Tự săn sóc - Tìm xem chất gì dễ làm da bị phản ứng và tránh nó. Tránh những tình trạng thay đổi nhiệt độ quá nhanh, ra mồ hôi và căng thẳng cũng như tránh đụng chạm trực tiếp những vật dụng bằng len như thảm, quần áo, khăn trải giường hoặc xà bông và bột giặt quá mạnh. - Bôi kem chống ngứa hoặc calamine lotion lên vết thương. Có thể dùng Hydrocortisone cream 1% hoặc uống Benadryl cho bớt ngứa. - Tránh gãi càng nhiều càng tốt. Mặc đồ che bớt vết thương, cắt và dũa móng tay kỹ, đeo găng tay ban đêm. - Đặt băng ướt lên vết thương. Băng vết thương lại. - Tắm nước mát, cho baking soda, oatmeal sống hoặc oatmeal nghiền nhỏ (Aveeno) vào nước tắm. - Dùng xà bông nhẹ không có thuốc nhuộm hay mùi thơm. Xả kỹ để không còn dính xà bông trên người. - Bôi oil, kem, lotion ngay sau khi tắm lúc da còn ướt. - Dùng máy phun ẩm humidifier. - Mặc quần áo bằng cotton rộng rãi thoải mái.
|
|
|
Post by NHAKHOA on Apr 13, 2013 18:00:35 GMT -5
Mụn
Bs. Nguyễn Thị Nhuận Không ai không biết mụn là gì vì ai cũng đã có lần bị qua, không nhiều thì ít.
Theo thống kê, nhiều hơn 4 trong 5 người tuổi từ 12 tới 24 đã từng bị mụn ít nhất là một lần. Tuổi vị thành niên hay teenagers thường bị mụn nhất. Tuy nhiên ai cũng có thể bị mụn cả. Tuổi 20 và 30 bị mụn là thường, mà tuổi 40, 50 cũng có người bị mụn. Nhiều cô và bà bị mụn theo chu kỳ kinh nguyệt, trong lúc uống thuốc hay ngưng thuốc ngừa thai, hay trong thời gian mang thai vì những tình trạng này liên quan tới chất kích thích tố trong cơ thể họ. Mụn thì không nguy hiểm gì cho tính mạng cả nhưng có nhiều mụn quá làm cho người bệnh bị buồn bực, mặc cảm và có thể để thẹo lại. Tuy nhiên, nếu trị đúng cách, người ta có thể hết mụn. Thẹo cũng có thể được tẩy xóa bớt. Các loại mụn Thường người ta bị mụn ở mặt, cổ, ngực, lưng và vai là những nơi có nhiều tuyến chất nhờn nhất. Có nhiều loại mụn: - Mụn đầu trắng: xảy ra khi lỗ chân lông bị nghẹt vì nhiều chất nhờn và những tế bào chết. - Mụn đầu đen: giống như mụn đầu trắng nhưng hở ra khiến những chất nhờn tiếp xúc với không khí trở thành đen. - Mụn trứng cá: những mụn đỏ nổi lên do phản ứng viêm hoặc nhiễm trùng nơi lỗ chân lông. - Mụn bọc: mụn to và dầy nằm dưới mặt da, gây ra do tích tụ những chất nhờn sâu phía trong những lỗ chân lông. Nguyên nhân Có 3 yếu tố gây ra mụn - Nhiều chất nhờn quá - Những tế bào da chết và tróc ra quá nhiều , gây nên phản ứng viêm nơi lỗ chân lông - Vi trùng tích tụ lại Nguyên nhân khiến cơ thể tiết ra nhiều chất nhờn vẫn còn là một bí ẩn. Nhưng người ta thấy rằng những yếu tố như kích thích tố, vi trùng, vài loại thuốc, sự di truyền... có vẻ như làm tăng khả năng bị mụn ở một số người. Không như nhiều người thường nghĩ, thức ăn đóng vai trò rất ít trong việc gây ra mụn. Chất bẩn cũng không gây ra mụn. Ngược lại, rửa, chà mặt nhiều quá bằng những thứ xà bông quá mạnh còn có thể làm mụn nặng hơn do da bị kích thích quá nhiều. Yếu tố khiến dễ bị mụn - Kích thích tố thay đổi: tuổi dậy thì ở con trai hay con gái là giai đoạn thay đổi kích thích tố nhiều nhất. Do đó, tuổi này dễ bị mụn. Các cô các bà cũng bị kích thích tố thay đổi khoảng 2 tới 7 ngày trước khi có kinh khiến dễ bị mụn. Những người sau đây cũng dễ bị mụn vì thay đổi kích thích tố: đàn bà có thai, người dùng thuốc cortisone và vài loại thuốc khác. - Bôi mỹ phẩm có nhiều chất nhờn quá - Di truyền. Nếu cha mẹ bạn từng bị mụn nhiều, bạn cũng dễ bị mụn - Sự cọ xát hay sức đè lên da từ những thứ như điện thoại di động, điện thoại thường, nón an toàn, cổ áo quá chặt, túi đeo lưng... cũng làm dễ bị mụn ngay chỗ cọ xát hay bị đè lâu ngày. Khi nào nên đi gặp bác sĩ? Mụn không phải là một bệnh nguy hiểm. Nhưng nếu bạn bị mụn quá lâu ngày hoặc bị mụn bọc sưng đỏ, bạn nên đi khám bệnh ở bác sĩ da để tránh bị thẹo. Nếu bị thẹo do mụn để lại quá nhiều, bạn cũng có thể nhờ bác sĩ giúp làm bớt thẹo. Cách chữa Cách chữa gồm có giảm bớt chất nhờn, làm cho những tế bào chết chóng bị tróc ra, trị nhiễm trùng. Dù cho dùng thuốc mạnh phải có toa mới mua được, có thể bạn sẽ chưa thấy kết quả gì trong 4 tới 8 tuần đầu mà mụn có thể trông còn nhiều hơn trước khi bớt đi. Không được dùng những thuốc trị mụn uống nếu đang có thai, nhất là trong thai kỳ đầu tiên. Những loại thuốc chữa mụn gồm có: - Thuốc thoa: sẽ làm chất nhờn khô đi, giết vi trùng và làm tế bào da chết mau tróc ra. Những thuốc bán tự do gồm có benzoyl peroxide, sulfur, resorcinol, salycilic acid dưới nhiều nhãn hiệu khác nhau. Bạn nên đọc nhãn hiệu để biết mình đang dùng thuốc gì. Những thuốc này trị mụn nhẹ. Nếu bị nặng hơn, bác sĩ có thể cho toa mua thuốc mạnh hơn như Tretinoin (dưới tên Avita, Retin-A, Renova) và adapalene (dưới tên Diiferin) là những thuốc thoa chế từ vitamin A, có tác dụng khiến tế bào da chóng tróc ra và tránh nghẹt lỗ chân lông. Một vài thuốc thoa có chất trụ sinh để giết vi trùng trên da. Nhiều khi bạn cần phải dùng 2,3 thứ cùng một lúc mới có hiệu quả. - Thuốc trụ sinh: Bị mụn nặng, có thể bạn cần phải uống thuốc trụ sinh nhiều tháng trời, cộng thêm với những thuốc thoa nói trên. - Isotretinoin: Đối với mụn bọc ở sâu, trụ sinh cũng không thể có hiệu quả. Thuốc Isotretinoin (dưới nhãn hiệu Accutane) là thuốc cực mạnh dùng cho những mụn bọc để thẹo hoặc những mụn không thuốc nào chữa khỏi. Thuốc này chỉ được dùng cho những trường hợp nặng nhất, tuy nhiên bệnh nhân cần được theo dõi kỹ vì thuốc có những tác dụng phụ tai hại. Một trong những tác dụng tai hại nhất là gây ra dị dạng bẩm sinh cho thai nhi. Do đó, phụ nữ mang thai hoặc trong tuổi mang thai sẽ không được dùng thuốc này. Phụ nữ muốn dùng thuốc này phải đăng ký vô một chương trình của liên bang theo dõi cặn kẽ để bảo đảm họ sẽ không mang thai trong thời gian uống thuốc. Thuốc Isotretinoin còn làm tăng chất mỡ triglycerides và cholesterol cũng như những chất enzyme của gan. Nhưng khi ngưng uống thuốc những con số này sẽ trở lại bình thường. - Thuốc ngừa thai: Thuốc ngừa thai có thể làm giảm mụn ở phụ nữ. Tuy nhiên thuốc này cũng có nhiều tác dụng phụ không tốt, cần nói chuyện với bác sĩ. - Thủ thuật thẩm mỹ: bác sĩ có thể dùng thủ thuật thẩm mỹ làm giảm sẹo. Nhưng coi chừng, nếu da của bạn quá nhậy cảm, dễ bị sẹo, những thủ thuật này có thể làm da xấu hơn. Tự săn sóc - Rửa mặt một cách nhẹ nhàng: Những thuốc chà xát da, làm mặt nạ... có thể làm da bị kích thích thêm và làm mụn tăng lên. Rửa mặt và chà xát quá mạnh tay cũng có thể làm mụn nặng hơn. Nếu hay bị mụn chỗ đường tóc mọc, nên gội đầu thường hơn. - Dùng những thuốc thoa ngoài da bán tự do như kể trên - Tránh dùng những chất có thể làm da khó chịu như mỹ phẩm nhiều chất dầu, thuốc chống nắng, thuốc chải tóc, thuốc thoa che vết sẹo (concealers). Nên dùng những thuốc có chữ “water-based” hay “noncomedogenic”. Một số người bị nhạy cảm với ánh nắng mặt trời có thể bị mụn nhiều hơn khi ra nắng nhiều. Thuốc thoa trị mụn cũng có thể làm da bị nhậy cảm hơn với ánh nắng. Trong trường hợp này, nên tránh ra nắng. Nếu ra nắng nên bôi thuốc chống nắng không làm nghẹt lỗ chân lông. - Tránh đùng để bất cứ vật gì chạm vào mặt. Cột tóc cho khỏi vướng vào mặt. Tránh áp điện thoại vào má. Không nên mặc quần áo hay đội nón quá chật. - Không nặn mụn vì có thể bị sẹo hoặc nhiễm trùng. Đa số những loại mụn nhẹ sẽ tự hết. Nếu mụn không tự hết, cần đi gặp bác sĩ.
Chữa mụn theo cách thiên nhiên
Bs. Nguyễn Thị Nhuận Cạo tóc có làm cho tóc mọc lại rậm hơn? Chữa mụn theo cách thiên nhiên Hút thuốc có làm da nhăn không? Lời từ chối trách nhiệm (Disclaimer): Những bài viết trong mục “Sức Khỏe” chỉ nhằm mục đích chỉ dẫn tổng quát, không thể dùng thay thế sự chăm sóc của bác sĩ hay nhân viên y tế. Độc giả cần tham khảo thêm với bác sĩ của mình khi bệnh.
Hỏi: Tôi hay nghe nói càng cạo tóc hay lông thì chúng lại càng mọc lại rậm và đen hơn. Điều này có đúng không? Tại sao? Đáp: Không đúng. Cạo lông hay tóc không làm thay đổi mầu hay số lượng của chúng. Mầu, chỗ mọc, độ dầy hay chiều dài của lông trên thân thể chúng ta được định sẵn bởi di truyền và tình trạng những chất kích thích tố (hormones). Sau khi chúng ta cạo đi, lông mới mọc ra thường còn cứng và ngắn nên cho ta cảm tưởng rậm và đen hơn nhưng thật ra chúng vẫn giống như sợi lông cũ. Nếu tự nhiên lông trên mặt hay thân thể trở thành rậm hay dầy hơn, chúng ta nên đi khám bệnh vì một số bệnh có thể gây ra sự thay đổi này. Hỏi: Tôi nghe nói có nhiều cách chữa mụn theo lối thiên nhiên (natural). Chúng có hiệu quả không? Đáp: Có rất nhiều thuốc chữa mụn “thiên nhiên” bán tự do. Cô có thể mua thuốc mụn dưới hình thức gel hay lotion có chứa chất alpha hydroxy acids, salicylic acid hay “sụn bò” (bovine cartilage). Hoặc cô có thể mua gel có chất dầu cây trà (tea tree oil) vì một vài nghiên cứu cho rằng chất dầu cây trà có hiệu quả không kém gì thuốc benzoyl peroxide thường vẫn được dùng chữa mụn. Tuy nhiên dầu cây trà có thể có tác dụng chậm hơn và có thể gây ra dị ứng da. Một vài người còn cho rằng chất này còn có thể làm vú của các trẻ em trai lớn hơn. Mội vài người khác cho rằng uống chất kẽm (zinc) hay chất guggul có thể chữa được mụn. Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống những thuốc này, nhất là khi cô có những bệnh kinh niên. Nếu dùng những chất chữa mụn thiên nhiên này không hiệu quả, cô có thể hỏi ý kiến bác sĩ của mình để được chữa trị kỹ hơn. Hỏi: Hút thuốc có làm da nhăn không? Đáp: Có! Hút thuốc làm da mau già đi, dùng lại và tạo ra nếp nhăn. Những thay đổi này của da có thể xuất hiện chỉ sau 10 năm hút thuốc và không thể chữa được. Hút thuốc làm những mạch máu ngay dưới da bị hẹp lại khiến máu đến da bị giảm đi, không mang đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho da, vì thế da mau già đi. Hút thuốc còn làm hư hại collagen và elastin là 2 loại chất sợi làm cho da chúng ta đàn hồi và săn chắc, khiến da bị dùng và nhăn vĩnh viễn. Hút thuốc không những làm nhăn da mặt mà còn làm nhăn da ở những chỗ khác của cơ thể. Thêm nữa, sức nóng của lửa khi đốt thuốc và những cử chỉ, nét mặt chúng ta làm khi hút thuốc (mím môi hít khói, nheo mắt...) sẽ làm da mặt chúng ta bị nếp nhăn nhiều hơn.
|
|
|
Post by NHAKHOA on Apr 13, 2013 19:03:50 GMT -5
Bệnh bạch tạng
BS. Nguyễn Thị Nhuận/Viễn Đông
Đa số trong chúng ta đều đã từng nghe qua hay biết một người có bệnh bạch tạng vì bệnh này khá thông thường.
Bệnh nhân bạch tạng thường khó chịu vì bị người lạ nhìn với vẻ mặt tò mò, đôi khi xoi mói, vì những mảng da trắng toát trên mặt, cổ, tay chân và trên thân mình. Những mảng da trắng toát này rất dễ thấy, nhất là ở những người da đậm mầu hơn.
* Triệu chứng Như trên đã nói, triệu chứng chính của bệnh bạch tạng chỉ là những mảng da trắng như sữa bắt đầu chỉ là một khoảng nhỏ rồi lan dần ra thành những mảng lớn, có khi chiếm hết cả khuôn mặt, hoặc những vùng khác của cơ thể. Những triệu chứng ít thấy hơn của bệnh bạch tạng gồm có: -Tóc, lông mi lông mày, râu bị bạc sớm trước tuổi. -Màng lót trong miệng bị mất mầu đỏ. -Võng mạc (retina) của mắt bị mất hay đổi mầu. Dù bất cứ vùng nào của cơ thể cũng có thể bị mất mầu nhưng những vùng hay lộ ra dưới ánh nắng mặt trời như bàn tay, bàn chân, cánh tay, mặt, môi thường bị mất mầu trước. Cũng vậy, bạch tạng có thể bắt đầu ở bất cứ tuổi nào nhưng thường nhất là giữa 10 và 30 tuổi. Thường có 3 hình thức bệnh bạch tạng: -Tập trung một vùng: Bạch tạng chỉ có ở một hay vài vùng nhỏ của cơ thể. -Tập trung một phần (segment): Da chỉ bị trắng một bên của cơ thể. -Toàn thân: Da trắng bất cứ nơi đâu trong cơ thể và thường đối xứng nhau. Diễn tiến của bệnh bạch tạng khó tiên đoán được. Bệnh có thể lan ra rồi ngưng lại nhưng cũng có thể lan ra mãi cho đến hết cả thân và mặt. Dù không thể chữa cho hết bệnh được, tiến triển của bệnh có thể được ngăn chặn. Do đó bệnh nhân nên tìm gặp bác sĩ để được chữa trị càng sớm càng tốt.
* Nguyên nhân Bệnh bạch tạng xuất hiện khi chất sắc tố melanin trong làn da bị tiêu hủy hay ngưng sản xuất khiến phần da đó bị trắng ra. Nguyên nhân tại sao chuyện này xẩy ra thì vẫn chưa được biết. Tuy nhiên, nhiều giả thuyết được đưa ra: do bệnh hệ miễn nhiễm, di truyền, do bị cháy nắng hay bị xúc cảm quá độ khiến phát ra bệnh...
* Định bệnh Khi đến khám bệnh, bệnh nhân sẽ được bác sĩ hỏi kỹ về bệnh sử cá nhân, cũng như bệnh sử gia đình, và khám bệnh toàn thân. Sau đó, bác sĩ có thể cho làm sinh thiết (biopsy) da và thử nghiệm máu để định bệnh và tìm nguyên nhân. Bác sĩ cũng có thể cho bệnh nhân đi khám mắt nơi bác sĩ chuyên môn mắt để tìm xem họ có bị bệnh trong mắt không.
* Chữa bệnh -Không phải lúc nào cũng cần chữa bệnh bạch tạng. Bệnh nhân có thể bôi kem chống nắng và bôi kem che vết trắng để dễ coi hơn. Người đã sẵn có làn da trắng chỉ cần tránh bị nắng ăn (tan). Nếu bị quá nhiều chỗ và quá lớn, bệnh nhân có thể được chữa để làm làn da có mầu đều hơn bằng nhiều cách. -Thuốc corticosteroids có thể làm da có mầu trở lại, nhất là dùng sớm. Bệnh nhân có thể phải dùng thuốc ít nhất là 3 tháng trước khi thấy có hiệu quả và cần được bác sĩ theo dõi để tìm những tác phụ phụ có hại. Thuốc calcipotriene (Doconex) cũng có thể được dùng riêng trên da hay kèm với corticosteroids và tia ultraviolet. -Ngoài ra còn rất nhiều những thuốc khác dùng thoa da hay uống, cũng như các phương pháp giải phẫu ghép da hay tia UV được dùng để chữa bệnh bạch tạng, nhất là cho những người bị nặng. Tuy nhiên các thuốc này đều có những tác dụng phụ có hại, cần được cân nhắc kỹ trước khi dùng.
* Những phương pháp tự giúp -Bảo vệ da: Nếu bạn bị bệnh bạch tạng, bạn còn cần bảo vệ da hơn: dùng kem chống nắng với độ SPF 30 hay hơn để khỏi bị cháy nắng và những hư hại da về sau cũng như khỏi làm da nâu hơn khiến những chỗ da trắng nổi bật lên. -Che khuyết điểm trên da bằng cách dùng kem như Dermablend hoặc thuốc thoa cho da nâu (sunless tanning). -Thuốc ta: Những bệnh nhân có bệnh lan chậm có thể uống 40mg ginkgo 3 lần mỗi ngày để bệnh khỏi lan thêm. Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước. -Bệnh nhân bạch tạng có thể phải đau khổ vì sự khác biệt trên dung nhan và những cái nhìn tò mò của người lạ. Họ có thể thấy xấu hổ, ngại ngùng, trầm cảm nữa, nhất là ở người trẻ tuổi bị bạch tạng nhiều chỗ. Bệnh nhân có thể áp dụng những cách sau đây để tìm lại an ổn tinh thần: -Tìm bác sĩ da biết nhiều về bệnh bạch tạng để tham khảo. -Tìm hiểu về bệnh bạch tạng và cách chữa bệnh càng nhiều càng tốt để có thể góp ý vào việc chữa bệnh của chính mình. -Nếu cảm thấy tuyệt vọng, trầm cảm, nên nói cho bác sĩ biết để tìm chữa trị. -Gia nhập những nhóm hỗ trợ để có thể cùng nhau chia sẻ những thông tin về bệnh cũng như nỗi lòng của mình. Có thể gọi National Vitiligo Foundation số 513-541-3903 hay Vitiligo Support International số 818-752-9002 để tìm những nhóm hỗ trợ trong vùng mình ở. -Tâm sự với người thân của mình để tìm sự thông cảm và hỗ trợ.
|
|