Post by NHAKHOA on Nov 20, 2006 20:22:31 GMT -5
Cái răng cái tóc, một góc con người
Nguyễn Dư
Nhiều người trong chúng ta còn thuộc lòng bảng xếp hạng:
Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua
(...)
Trong số mười cái dễ thương của các bà, các cô, mái tóc được xếp hàng đầu, hàm răng đen chiếm hạng tư. Điều đó đủ nói lên rằng xã hội Việt Nam ngày xưa rất trọng tóc và răng, kể cả tóc và răng của các ông. Thảo nào mới có câu cái răng cái tóc, một góc con người.
Lịch sử mái tóc, hàm răng của dân ta cũng đã trải qua nhiều cuộc thăng trầm, đổi thay như vận nước. Nhưng các sách chỉ ghi chép một cách tổng quát. Đại khái chúng ta được biết:
Về thời Hùng Vương, ai cũng xăm mình. Ai cũng búi tó hoặc cắt tóc ngắn (nhưng cũng có người bỏ xoã tóc hoặc tết đuôi xam). Ai cũng thích đeo hoa tai và nhiều vòng tay. Người ta nhuộm răng, ăn trầu.(Uỷ ban Khoa Học Việt Nam, Lịch sử Việt Nam, tập 1, Khoa Học Xã Hội, 1971, tr. 48).
Thời nhà Trần, người trong nước đều cạo đầu, cho nên trong Sứ Giao Châu thi tập của Trần Cương Trung nhà Nguyên chua rằng: "con trai đầu trọc, người nào có quan chức thì trùm đầu bằng khăn xanh, nhân dân đều như sư cả".Tục cắt tóc này đến Hoàng Phúc nhà Minh mới cấm, nay dân ở Kiên Lao và Trà Lũ huyện Giao Thuỷ (Nam Định ngày nay) vẫn còn giữ tục ấy.(…) Đàn bà cắt tóc để lại 3 tấc tết ở trên đỉnh đầu, buộc lấy đầu sợi tóc rồi búi chặt lại và cài bằng trâm, ở đằng sau gáy không có tóc, cũng không xoa dầu xoa sáp gì cả. (…) Tôi nhận thấy, đấy là phong tục triều nhà Trần, đến bản triều ngày nay thì tục đội khăn xanh, mặc áo thâm, cắt tóc và xăm mình đã thay đổi rồi. (Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, Khoa Học Xã Hội, 1977, tr. 68-70).
Lê Quý Đôn cho biết thời nhà Trần người trong nước đều cạo đầu, nhân dân đều như sư cả, nghĩa là dân ta gọt tóc hay ít nhất cũng là cắt tóc ngắn.
Đến thời thuộc Minh (1414-1427) Hoàng Phúc ra lệnh cấm dân ta cắt tóc.
Rồi giặc (chỉ quân Minh) chia châu đặt huyện, đắp thành đào hào; đóng quân trấn giữ, hơn hai chục năm, biến phong tục thành tóc dài răng trắng, hóa làm người Ngô cả. Than ôi! Họa loạn tột mực đến như thế ư? (Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử kí toàn thư).
Sử sách không cho biết từ năm 1428, năm Lê Lợi đánh đuổi được quân Minh và lên làm vua, thì đầu tóc dân ta ra sao? Chỉ biết rằng năm 1470, Lê Thánh Tôn cấm người không phải là sư sãi không được gọt tóc (Đại Việt sử kí toàn thư). Lê Thánh Tôn bắt dân chúng phải để tóc dài. Năm Lê Quý Đôn viết sách Kiến văn tiểu lục (1777), thì tục cắt tóc và xăm mình đời nhà Trần đã thay đổi, nghĩa là dân ta vẫn còn để tóc dài.
Tóm lại, từ năm 1470 đến khoảng vài năm sau năm1777 dường như dân ta liên tục để tóc dài. Nếu suy đoán thêm thì có thể nói rằng từ thời thuộc Minh đến gần cuối đời nhà Lê dân ta để tóc dài.
Sở dĩ nói rằng đến gần cuối đời nhà Lê là bởi vì năm 1789, trước lúc xuất quân dẹp giặc Thanh, Nguyễn Huệ đã tuyên bố:
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ
(Lịch sử Việt Nam, sđd, tr. 353)
Vua Quang Trung quyết tâm đánh giặc Thanh để giành lại chủ quyền cho đất nước, giành lại quyền để tóc dài, răng đen cho nhân dân! Điều này có nghĩa là trước đó quân Thanh đã bắt dân ta cắt tóc ngắn. Thật là quái gở ! Ta đang để tóc ngắn thì nhà Minh bắt phải để tóc dài. Ta để tóc dài thì nhà Thanh lại bắt phải cắt tóc ngắn. Đúng là mấy ông con trời chỉ thích đi phá thối. Nhưng điều bất ngờ nhất là hành động cõng rắn cắn gà nhà của Lê Chiêu Thống đã ảnh hưởng đến cả mái tóc của dân ta.
Không những thế, mái tóc của Lê Chiêu Thống cũng chẳng óng mượt gì hơn mái tóc của đám dân ngu khu đen.
Hoàng Lê nhất thống chí kể rằng lúc mới lưu vong bên Trung quốc, một hôm Lê Chiêu Thống được Khang An đãi yến tiệc tại Quế Lâm. Khang An nói với vua Lê:
-Ngày xuất quân không còn xa, vương nên tự mình đem tả hữu liêu thuộc làm quân dẫn đường đi trước. Nhưng bây giờ nên gọt đầu gióc tóc, thay đổi quần áo giống như người Trung quốc, để khi về Nam quân giặc không thể phân biệt được, thì công lớn mới có thể thành. Sau khi khôi phục nước nhà, bấy giờ sẽ lại theo như tục cũ. "Việc binh không ngại dùng cách xảo trá". Vương nên nghĩ tới chỗ đó.
Vua Lê cho là phải và đáp:
-Chúng tôi không giữ được nước nhà, may nhờ thiên triều cứu viện, dù cả nước phải ăn mặc như người Trung quốc, cũng xin vâng mệnh. Việc ấy còn có tiếc gì?
Rồi vua Lê cùng các bề tôi đều gióc tóc, thay đổi đồ mặc (…). (Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Văn Học, 1970, tr. 377).
Ít lâu sau, Lê Quýnh và một nhóm cựu thần nhà Lê cũng chạy sang Trung quốc. Khang An lại định giở trò cũ, sai người đi mời bọn Lê Quýnh.
Lúc họ tới nơi, An chẳng hỏi han gì, chỉ bàn về việc gọt đầu gióc tóc và đổi đồ mặc mà thôi.
Quýnh biết An dối trá, giận lắm, nói:
-Đòi ta đến ngỡ là để giáp mặt mà bàn bạc, nay té ra lại chẳng bàn bạc gì, mà chỉ toàn bảo gọt đầu gióc tóc và đổi đồ mặc. Chúng ta đây, đầu có thể chặt, tóc không thể cắt, da có thể lột, đồ mặc không thể đổi!
Khang An biết là không thể ép buộc được, bèn sai đem bọn họ an trí ở tỉnh Quảng Tây. (Hoàng Lê nhất thống chí, sđd, tr. 379).
Tiếc thay! Trung thần không gặp minh vương! Dẫu sao thì mái tóc của Lê Quýnh cũng đáng được sử sách tôn trọng hơn mái tóc của Lê Chiêu Thống.
Thời Pháp thuộc, xã hội Việt Nam, đặc biệt là các nhà nho, chia ra làm hai phe. Họ đem mái tóc ra phê bình, chỉ trích nhau.
Phe thủ cựu thì câu nệ vào chữ thánh hiền, thân thể phát phu, thụ chi phụ mẫu, bất khả huỷ thương, nghĩa là thân thể, da tóc mình là thụ hưởng của cha mẹ, không được huỷ hoại. Vì vậy phải giữ tóc dài cho tròn chữ hiếu.
Phe đổi mới chủ trương cắt tóc cho hợp vệ sinh. Họ cho rằng hành động cắt tóc không dính líu gì tới chữ hiếu cả.
Đến đầu thế kỉ 20, khoảng năm 1905, phe để tóc dài chắc vẫn còn đông, khiến cụ Phan Châu Trinh phải diễn thuyết kêu gọi dùng nội hoá, hớt tóc ngắn, bận đồ tây.
Dân gian có bài vè:
Tay trái cầm lược,
Tay phải cầm kéo.
Húi hề! Húi hề!
Thủng thẳng cho khéo.
Bỏ cái ngu này,
Bỏ cái dại này.
Ăn ngay nói thẳng
Học mới từ đây
(...)
(Bài ca húi tóc)
Ngày nay, đàn ông hầu như không còn ai để tóc dài, búi tó.
Xưa kia, trẻ con từ lúc sơ sinh đến khoảng ba, bốn tuổi, trai hay gái đều:
Đầu trọc lông lốc bình vôi
Mẹ ngồi mẹ iả, mẹ bôi lên đầu
Từ bốn tuổi trở lên, con trai để ít tóc trên đỉnh đầu, gọi là cái chỏm, hoặc để hai bên gọi là hai trái đào. Con gái để ít tóc đằng trước hoặc sau gáy, gọi là cái cút. Đến chừng mười hai, mười ba tuổi trở lên thì để tóc, không cạo nữa. Để cho đến khi có tóc dài, đàn ông bới tròn một nắm đằng sau, gọi là búi tó, búi tó củ hành là anh thiên hạ, đội khăn xếp. Đàn bà thì búi tóc hoặc cuộn tóc vấn khăn, để lòi cái đuôi gà. Chỉ có các nhà sư hoặc một số ít những người làm ăn lam lũ mới cạo trọc đầu, ngoài ra ai cũng để tóc dài. Những người ít tóc thì mua tóc độn vào cho dày để làm tăng vẻ đẹp.
Tục nhuộm răng đen có từ thuở xa xưa, nhưng chỉ thông dụng ở miền Bắc và phía bắc Trung kì. Từ mười ba, mười bốn tuổi, trai gái đều lo nhuộm răng.
Thuốc nhuộm răng làm bằng cánh kiến. Trải thuốc nhuộm lên hai miếng lá cau dài chừng tám phân, rộng độ một phân. Trước khi đi ngủ ấp lên trên hai hàm răng, như vậy môi trên và môi dưới tự nhiên ôm chặt lấy hai miếng thuốc. Tránh không ăn thịt cá và tất cả những thứ phải nhai. Chỉ ăn cơm nuốt chửng với nước mắm… Lúc mới nhuộm răng màu vàng sẫm, tiếp tục nhuộm độ nửa tháng thì ngả sang màu đen.
Muốn cho màu đen bền chắc, không phai lạt thì phải chiết răng.
Có người chiết răng bằng cách ngậm và súc miệng nhiều lần bằng nước dưa chua. Có người dùng dao hơ nóng sọ dừa cho chảy nhựa, lấy nhựa này phết vào răng.
Lần đầu nhuộm răng thường bị đau lợi, sưng môi. Nhưng vì:
Năm quan mua lấy miệng cười
Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen.
cho nên nữ nhi chẳng mấy người quản ngại. Nhuộm răng đen, ngoài cái đẹp theo óc thẩm mĩ ngày xưa, dường như còn ngừa được sâu răng, giữ cho chân răng chắc hơn. Muốn cho hàm răng lúc nào cũng đen nhánh thì độ một năm lại nhuộm bồi thêm một lớp. Răng không được chăm sóc sẽ bị phai màu, loang lổ, gọi là răng cải mả, trông không đẹp.
Trẻ con bị gãy răng, nếu là răng hàm dưới thì vứt răng xuống gầm giường cho chuột nó tha, nếu là răng hàm trên thì vứt lên mái nhà. Con gì tha không biết, không nghe nói.
Từ ngày Việt Nam tiếp xúc với phương Tây, tục nhuộm răng dần dần bị bỏ. Các bà, các cô chuyển sang hãnh diện với hàm răng trắng muốt. Các ông cười duyên khoe dăm chiếc răng vàng, răng bạc, lóng lánh vẻ giàu sang. Từ nay phải nhớ là:
Răng đen bôi bác, răng vàng lịch sự
Ngọn gió Tây thổi qua mái nhà, chiếc chong chóng xoay chiều thích ứng!
Cũng bởi vì cái răng, cái tóc là của riêng, của quý của mỗi người, được mọi người nâng niu, chăm sóc, nên chúng cũng dễ trở thành nạn nhân của những cuộc đòn ghen, đòn thù. Hoạn Thư lúc nổi trận tam bành đã không ngần ngại
Vội vàng xuống lệnh ra uy
Đứa thì vả miệng, đứa thì bẻ răng
cho bõ ghét nàng Kiều. Nữ nhi thường tình vốn hiền lành, lúc mất gà cũng như đỉa phải vôi, vén quần chửi đổng, lôi cả hàng xóm ra tát cho gãy hết răng! Anh em, họ hàng, láng giềng lúc cơm lành canh ngọt thì thơn thớt thề không bao giờ để cho môi hở răng lạnh. Lúc lục đục, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, thôi thì răng cắn phải lưỡi cũng chả sao.
Tóc lồ lộ như suối chảy, mây bay.
Người, dáng bước bơ vơ của bầu trời hải đảo
Tóc bồng bềnh trên nếp trán ưu tư… (Nguyên Sa, Đẹp)
Mái tóc em đây hay là mây là suối
Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông…
(Tố Hữu, Người con gái Việt Nam)
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da (Kiều)
Tóc quyến rũ hơn răng nên số phận của tóc cũng lận đận, điêu đứng hơn răng.
Nhà nước phong kiến đã định ra một tội để hành hạ tóc. Đó là Tội Khôn. Tội này được Nguyễn Mạnh Hùng bình luận, giải thích như sau:
(…) Lớp người trên đây (thông ngôn, ký lục, bồi bếp hay lái xe cho quan Tây) tiếp thu nhanh chóng văn minh phương Tây: nói tiếng Tây, mặc đồ Tây và hớt tóc ngắn như bốn người đàn ông trong hình bên đây (hình Phải tội Khôn). Chế độ phong kiến thấy chướng tai gai mắt bèn ra lệnh đóng cùm cả bọn và ghi rõ tội danh bằng ba chữ Nôm "Phải tội Khôn". Vậy Tội Khôn là tội gì? (…) Tội Khôn chính là tội cắt tóc. Bốn tội nhân đây, có hai người đầu chải không ngay ngắn, búi tóc không còn, còn hai người thì bịt khăn ... chắc là xấu hổ (?) vì mất "búi tó củ hành" mà tờ Phong Hoá đã chế nhạo là "quốc hồn quốc tuý". Dưới con mắt người dân thời ấy, lớp người này bị coi khinh (…) là "hạng vong bản" chạy theo bơ sữa. (Nguyễn Mạnh Hùng, Ký họa Việt Nam đầu thế kỷ 20, Trẻ, 1990, tr.152-153).
Khiếp nhỉ! Đành rằng chế độ phong kiến rất tàn ác, rất bất công, nhưng đến mức thấy chướng tai gai mắt là ra lệnh đóng cùm thì… hơi quá.
Chúng ta hãy bình tĩnh lật tự điển, tra nghĩa chữ Khôn xem nó là cái gì.
Theo Thiều Chửu, Khôn nghĩa là cắt tóc, ngày xưa có một thứ hình phạt cắt tóc, nhà Hán gọi là Khôn kiềm.
Gustave Hue định nghĩa Khôn: couper les cheveux à un cond**né, émonder un arbre (cắt tóc người bị kết tội, cắt tỉa cây).
À, thì ra thế!
Bốn người trong tranh Phải tội khôn làm chuyện bậy bạ gì đó mới bị phạt, bị cùm, bị đem ra cắt tóc. Tội khôn là tội bị đem ra cắt tóc, chứ không phải vì cắt tóc ngắn mà bị đóng cùm, mang tội. Hú vía! Cũng may Nguyễn Mạnh Hùng chỉ lẫn lộn hậu quả với nguyên nhân. Nếu không thì chỗ đâu mà nhốt hết hạng vong bản ?
Chúng ta còn biết hình phạt Bè chuối trôi sông, một hình thức dã man của Tội khôn, áp dụng cho nữ giới. Đàn bà gian dâm, con gái chửa hoang, bị làng gọt gáy bôi vôi, trói vào bè chuối, thả trôi sông. Có người chết đói, chết khát trên bè. Có người chết đuối. Người nào may mắn được dân làng khác cứu vớt thì cũng suốt đời phải sống tha phương cầu thực, không dám trở về làng cũ.
Nước Pháp sau ngày giải phóng năm 1945 cũng đã áp dụng Tội khôn với một số phụ nữ đi lại với lính Đức quốc xã.
Nói đến mái tóc, tưởng cũng nên nói vài câu đến mũ và nón.
Việt Nam có rất nhiều kiểu mũ (chữ Hán là mạo) và nón (lạp). Ngày xưa chỉ có hoàng tộc, các quan văn võ, các người đỗ đạt cao mới được đội mũ. Giới bình dân, không chức tước thì đội nón.
Trong số 11 thứ nón được P. Huard và M. Durand (Connaissance du Vietnam, EFEO, Paris, 1954, tr.182) liệt kê, có một chiếc đã làm hai ông thắc mắc. Các ông gọi nó là chiếc nón giâu, chapeaux des brus? (chữ giâu ngày nay viết là dâu, như cô dâu). Huard và Durand thắc mắc vì hình dáng cái nón chăng? Nó có vẻ là nón đàn ông. Hay là vì tên gọi?
Câu trả lời cho thắc mắc của hai ông nằm ở bức tranh Hôn lạp trong bộ tranh Oger. Nón dâu và hôn lạp giống nhau. Vậy Hôn nghĩa là gì? Theo Thiều Chửu, hôn nghĩa là lấy vợ, con dâu. Hôn còn có nghĩa là lễ cưới, ngày xưa cưới xin cứ đến tối mới đón dâu nên gọi là hôn lễ. Gustave Hue cũng định nghĩa chữ hôn là prendre femme, femme, parenté de la femme (lấy vợ, vợ, họ hàng bên vợ). Vậy thì chữ hôn trong tranh Hôn lạp phải được hiểu là lễ cưới, lấy vợ, hay con dâu? Huard và Durand hiểu là con dâu.
Tranh Hôn lạp có ghi thêm câu chữ Hán Cổ giả nghênh hôn tắc dụng, kim tắc cải chi(ngày xưa dùng lúc đón dâu, ngày nay (khoảng 1909) tục này đã thay đổi). Vậy Hôn lạp có nghĩa là nón đội lúc nghênh hôn, đi đón dâu, tức là…nón của chú rể.
Yêu cầu Huard và Durand nhắn cô dâu trả Hôn lạp lại cho chú rể!
Xã hội Việt Nam đã trải qua nhiều thời đại. Mái tóc của người Việt Nam nhiều phen rối bù với những cơn gió bụi. Hàm răng thay trắng đổi đen mấy lần? Lúc thì trọng tóc dài, khinh tóc ngắn. Lúc thì thích tóc ngắn, chê tóc dài. Ngày nào còn yêu hạt huyền, hạt na, bỗng chốc quay sang chuộng răng lợn luộc, hắt hủi răng đen mã tấu.
Ngày nay thì ngắn dài, đen trắng, sao cũng được. Thời kì mở cửa, kinh tế thị trường, ối dào, ai hơi đâu mà vẽ vời để ý đến một góc con người nữa?
Các ông, các cậu tha hồ để tóc chấm vai, húi cua, móng ngựa, sọ dừa. Các bà, các cô cứ việc búi tóc, vấn khăn, phi dê, đuôi ngựa…
Ai cũng vui vẻ, thoải mái, vô tư.
Cả làng múa ca:
Trên trời có xấp mây xanh
Ở giữa mây bạc, xung quanh mây vàng
Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua cát "Dã Tràng" về xây…
Nguyễn Dư
(Lyon, 4/2003)
Nguyễn Dư
Nhiều người trong chúng ta còn thuộc lòng bảng xếp hạng:
Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua
(...)
Trong số mười cái dễ thương của các bà, các cô, mái tóc được xếp hàng đầu, hàm răng đen chiếm hạng tư. Điều đó đủ nói lên rằng xã hội Việt Nam ngày xưa rất trọng tóc và răng, kể cả tóc và răng của các ông. Thảo nào mới có câu cái răng cái tóc, một góc con người.
Lịch sử mái tóc, hàm răng của dân ta cũng đã trải qua nhiều cuộc thăng trầm, đổi thay như vận nước. Nhưng các sách chỉ ghi chép một cách tổng quát. Đại khái chúng ta được biết:
Về thời Hùng Vương, ai cũng xăm mình. Ai cũng búi tó hoặc cắt tóc ngắn (nhưng cũng có người bỏ xoã tóc hoặc tết đuôi xam). Ai cũng thích đeo hoa tai và nhiều vòng tay. Người ta nhuộm răng, ăn trầu.(Uỷ ban Khoa Học Việt Nam, Lịch sử Việt Nam, tập 1, Khoa Học Xã Hội, 1971, tr. 48).
Thời nhà Trần, người trong nước đều cạo đầu, cho nên trong Sứ Giao Châu thi tập của Trần Cương Trung nhà Nguyên chua rằng: "con trai đầu trọc, người nào có quan chức thì trùm đầu bằng khăn xanh, nhân dân đều như sư cả".Tục cắt tóc này đến Hoàng Phúc nhà Minh mới cấm, nay dân ở Kiên Lao và Trà Lũ huyện Giao Thuỷ (Nam Định ngày nay) vẫn còn giữ tục ấy.(…) Đàn bà cắt tóc để lại 3 tấc tết ở trên đỉnh đầu, buộc lấy đầu sợi tóc rồi búi chặt lại và cài bằng trâm, ở đằng sau gáy không có tóc, cũng không xoa dầu xoa sáp gì cả. (…) Tôi nhận thấy, đấy là phong tục triều nhà Trần, đến bản triều ngày nay thì tục đội khăn xanh, mặc áo thâm, cắt tóc và xăm mình đã thay đổi rồi. (Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, Khoa Học Xã Hội, 1977, tr. 68-70).
Lê Quý Đôn cho biết thời nhà Trần người trong nước đều cạo đầu, nhân dân đều như sư cả, nghĩa là dân ta gọt tóc hay ít nhất cũng là cắt tóc ngắn.
Đến thời thuộc Minh (1414-1427) Hoàng Phúc ra lệnh cấm dân ta cắt tóc.
Rồi giặc (chỉ quân Minh) chia châu đặt huyện, đắp thành đào hào; đóng quân trấn giữ, hơn hai chục năm, biến phong tục thành tóc dài răng trắng, hóa làm người Ngô cả. Than ôi! Họa loạn tột mực đến như thế ư? (Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử kí toàn thư).
Sử sách không cho biết từ năm 1428, năm Lê Lợi đánh đuổi được quân Minh và lên làm vua, thì đầu tóc dân ta ra sao? Chỉ biết rằng năm 1470, Lê Thánh Tôn cấm người không phải là sư sãi không được gọt tóc (Đại Việt sử kí toàn thư). Lê Thánh Tôn bắt dân chúng phải để tóc dài. Năm Lê Quý Đôn viết sách Kiến văn tiểu lục (1777), thì tục cắt tóc và xăm mình đời nhà Trần đã thay đổi, nghĩa là dân ta vẫn còn để tóc dài.
Tóm lại, từ năm 1470 đến khoảng vài năm sau năm1777 dường như dân ta liên tục để tóc dài. Nếu suy đoán thêm thì có thể nói rằng từ thời thuộc Minh đến gần cuối đời nhà Lê dân ta để tóc dài.
Sở dĩ nói rằng đến gần cuối đời nhà Lê là bởi vì năm 1789, trước lúc xuất quân dẹp giặc Thanh, Nguyễn Huệ đã tuyên bố:
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ
(Lịch sử Việt Nam, sđd, tr. 353)
Vua Quang Trung quyết tâm đánh giặc Thanh để giành lại chủ quyền cho đất nước, giành lại quyền để tóc dài, răng đen cho nhân dân! Điều này có nghĩa là trước đó quân Thanh đã bắt dân ta cắt tóc ngắn. Thật là quái gở ! Ta đang để tóc ngắn thì nhà Minh bắt phải để tóc dài. Ta để tóc dài thì nhà Thanh lại bắt phải cắt tóc ngắn. Đúng là mấy ông con trời chỉ thích đi phá thối. Nhưng điều bất ngờ nhất là hành động cõng rắn cắn gà nhà của Lê Chiêu Thống đã ảnh hưởng đến cả mái tóc của dân ta.
Không những thế, mái tóc của Lê Chiêu Thống cũng chẳng óng mượt gì hơn mái tóc của đám dân ngu khu đen.
Hoàng Lê nhất thống chí kể rằng lúc mới lưu vong bên Trung quốc, một hôm Lê Chiêu Thống được Khang An đãi yến tiệc tại Quế Lâm. Khang An nói với vua Lê:
-Ngày xuất quân không còn xa, vương nên tự mình đem tả hữu liêu thuộc làm quân dẫn đường đi trước. Nhưng bây giờ nên gọt đầu gióc tóc, thay đổi quần áo giống như người Trung quốc, để khi về Nam quân giặc không thể phân biệt được, thì công lớn mới có thể thành. Sau khi khôi phục nước nhà, bấy giờ sẽ lại theo như tục cũ. "Việc binh không ngại dùng cách xảo trá". Vương nên nghĩ tới chỗ đó.
Vua Lê cho là phải và đáp:
-Chúng tôi không giữ được nước nhà, may nhờ thiên triều cứu viện, dù cả nước phải ăn mặc như người Trung quốc, cũng xin vâng mệnh. Việc ấy còn có tiếc gì?
Rồi vua Lê cùng các bề tôi đều gióc tóc, thay đổi đồ mặc (…). (Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Văn Học, 1970, tr. 377).
Ít lâu sau, Lê Quýnh và một nhóm cựu thần nhà Lê cũng chạy sang Trung quốc. Khang An lại định giở trò cũ, sai người đi mời bọn Lê Quýnh.
Lúc họ tới nơi, An chẳng hỏi han gì, chỉ bàn về việc gọt đầu gióc tóc và đổi đồ mặc mà thôi.
Quýnh biết An dối trá, giận lắm, nói:
-Đòi ta đến ngỡ là để giáp mặt mà bàn bạc, nay té ra lại chẳng bàn bạc gì, mà chỉ toàn bảo gọt đầu gióc tóc và đổi đồ mặc. Chúng ta đây, đầu có thể chặt, tóc không thể cắt, da có thể lột, đồ mặc không thể đổi!
Khang An biết là không thể ép buộc được, bèn sai đem bọn họ an trí ở tỉnh Quảng Tây. (Hoàng Lê nhất thống chí, sđd, tr. 379).
Tiếc thay! Trung thần không gặp minh vương! Dẫu sao thì mái tóc của Lê Quýnh cũng đáng được sử sách tôn trọng hơn mái tóc của Lê Chiêu Thống.
Thời Pháp thuộc, xã hội Việt Nam, đặc biệt là các nhà nho, chia ra làm hai phe. Họ đem mái tóc ra phê bình, chỉ trích nhau.
Phe thủ cựu thì câu nệ vào chữ thánh hiền, thân thể phát phu, thụ chi phụ mẫu, bất khả huỷ thương, nghĩa là thân thể, da tóc mình là thụ hưởng của cha mẹ, không được huỷ hoại. Vì vậy phải giữ tóc dài cho tròn chữ hiếu.
Phe đổi mới chủ trương cắt tóc cho hợp vệ sinh. Họ cho rằng hành động cắt tóc không dính líu gì tới chữ hiếu cả.
Đến đầu thế kỉ 20, khoảng năm 1905, phe để tóc dài chắc vẫn còn đông, khiến cụ Phan Châu Trinh phải diễn thuyết kêu gọi dùng nội hoá, hớt tóc ngắn, bận đồ tây.
Dân gian có bài vè:
Tay trái cầm lược,
Tay phải cầm kéo.
Húi hề! Húi hề!
Thủng thẳng cho khéo.
Bỏ cái ngu này,
Bỏ cái dại này.
Ăn ngay nói thẳng
Học mới từ đây
(...)
(Bài ca húi tóc)
Ngày nay, đàn ông hầu như không còn ai để tóc dài, búi tó.
Xưa kia, trẻ con từ lúc sơ sinh đến khoảng ba, bốn tuổi, trai hay gái đều:
Đầu trọc lông lốc bình vôi
Mẹ ngồi mẹ iả, mẹ bôi lên đầu
Từ bốn tuổi trở lên, con trai để ít tóc trên đỉnh đầu, gọi là cái chỏm, hoặc để hai bên gọi là hai trái đào. Con gái để ít tóc đằng trước hoặc sau gáy, gọi là cái cút. Đến chừng mười hai, mười ba tuổi trở lên thì để tóc, không cạo nữa. Để cho đến khi có tóc dài, đàn ông bới tròn một nắm đằng sau, gọi là búi tó, búi tó củ hành là anh thiên hạ, đội khăn xếp. Đàn bà thì búi tóc hoặc cuộn tóc vấn khăn, để lòi cái đuôi gà. Chỉ có các nhà sư hoặc một số ít những người làm ăn lam lũ mới cạo trọc đầu, ngoài ra ai cũng để tóc dài. Những người ít tóc thì mua tóc độn vào cho dày để làm tăng vẻ đẹp.
Tục nhuộm răng đen có từ thuở xa xưa, nhưng chỉ thông dụng ở miền Bắc và phía bắc Trung kì. Từ mười ba, mười bốn tuổi, trai gái đều lo nhuộm răng.
Thuốc nhuộm răng làm bằng cánh kiến. Trải thuốc nhuộm lên hai miếng lá cau dài chừng tám phân, rộng độ một phân. Trước khi đi ngủ ấp lên trên hai hàm răng, như vậy môi trên và môi dưới tự nhiên ôm chặt lấy hai miếng thuốc. Tránh không ăn thịt cá và tất cả những thứ phải nhai. Chỉ ăn cơm nuốt chửng với nước mắm… Lúc mới nhuộm răng màu vàng sẫm, tiếp tục nhuộm độ nửa tháng thì ngả sang màu đen.
Muốn cho màu đen bền chắc, không phai lạt thì phải chiết răng.
Có người chiết răng bằng cách ngậm và súc miệng nhiều lần bằng nước dưa chua. Có người dùng dao hơ nóng sọ dừa cho chảy nhựa, lấy nhựa này phết vào răng.
Lần đầu nhuộm răng thường bị đau lợi, sưng môi. Nhưng vì:
Năm quan mua lấy miệng cười
Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen.
cho nên nữ nhi chẳng mấy người quản ngại. Nhuộm răng đen, ngoài cái đẹp theo óc thẩm mĩ ngày xưa, dường như còn ngừa được sâu răng, giữ cho chân răng chắc hơn. Muốn cho hàm răng lúc nào cũng đen nhánh thì độ một năm lại nhuộm bồi thêm một lớp. Răng không được chăm sóc sẽ bị phai màu, loang lổ, gọi là răng cải mả, trông không đẹp.
Trẻ con bị gãy răng, nếu là răng hàm dưới thì vứt răng xuống gầm giường cho chuột nó tha, nếu là răng hàm trên thì vứt lên mái nhà. Con gì tha không biết, không nghe nói.
Từ ngày Việt Nam tiếp xúc với phương Tây, tục nhuộm răng dần dần bị bỏ. Các bà, các cô chuyển sang hãnh diện với hàm răng trắng muốt. Các ông cười duyên khoe dăm chiếc răng vàng, răng bạc, lóng lánh vẻ giàu sang. Từ nay phải nhớ là:
Răng đen bôi bác, răng vàng lịch sự
Ngọn gió Tây thổi qua mái nhà, chiếc chong chóng xoay chiều thích ứng!
Cũng bởi vì cái răng, cái tóc là của riêng, của quý của mỗi người, được mọi người nâng niu, chăm sóc, nên chúng cũng dễ trở thành nạn nhân của những cuộc đòn ghen, đòn thù. Hoạn Thư lúc nổi trận tam bành đã không ngần ngại
Vội vàng xuống lệnh ra uy
Đứa thì vả miệng, đứa thì bẻ răng
cho bõ ghét nàng Kiều. Nữ nhi thường tình vốn hiền lành, lúc mất gà cũng như đỉa phải vôi, vén quần chửi đổng, lôi cả hàng xóm ra tát cho gãy hết răng! Anh em, họ hàng, láng giềng lúc cơm lành canh ngọt thì thơn thớt thề không bao giờ để cho môi hở răng lạnh. Lúc lục đục, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, thôi thì răng cắn phải lưỡi cũng chả sao.
Tóc lồ lộ như suối chảy, mây bay.
Người, dáng bước bơ vơ của bầu trời hải đảo
Tóc bồng bềnh trên nếp trán ưu tư… (Nguyên Sa, Đẹp)
Mái tóc em đây hay là mây là suối
Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông…
(Tố Hữu, Người con gái Việt Nam)
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da (Kiều)
Tóc quyến rũ hơn răng nên số phận của tóc cũng lận đận, điêu đứng hơn răng.
Nhà nước phong kiến đã định ra một tội để hành hạ tóc. Đó là Tội Khôn. Tội này được Nguyễn Mạnh Hùng bình luận, giải thích như sau:
(…) Lớp người trên đây (thông ngôn, ký lục, bồi bếp hay lái xe cho quan Tây) tiếp thu nhanh chóng văn minh phương Tây: nói tiếng Tây, mặc đồ Tây và hớt tóc ngắn như bốn người đàn ông trong hình bên đây (hình Phải tội Khôn). Chế độ phong kiến thấy chướng tai gai mắt bèn ra lệnh đóng cùm cả bọn và ghi rõ tội danh bằng ba chữ Nôm "Phải tội Khôn". Vậy Tội Khôn là tội gì? (…) Tội Khôn chính là tội cắt tóc. Bốn tội nhân đây, có hai người đầu chải không ngay ngắn, búi tóc không còn, còn hai người thì bịt khăn ... chắc là xấu hổ (?) vì mất "búi tó củ hành" mà tờ Phong Hoá đã chế nhạo là "quốc hồn quốc tuý". Dưới con mắt người dân thời ấy, lớp người này bị coi khinh (…) là "hạng vong bản" chạy theo bơ sữa. (Nguyễn Mạnh Hùng, Ký họa Việt Nam đầu thế kỷ 20, Trẻ, 1990, tr.152-153).
Khiếp nhỉ! Đành rằng chế độ phong kiến rất tàn ác, rất bất công, nhưng đến mức thấy chướng tai gai mắt là ra lệnh đóng cùm thì… hơi quá.
Chúng ta hãy bình tĩnh lật tự điển, tra nghĩa chữ Khôn xem nó là cái gì.
Theo Thiều Chửu, Khôn nghĩa là cắt tóc, ngày xưa có một thứ hình phạt cắt tóc, nhà Hán gọi là Khôn kiềm.
Gustave Hue định nghĩa Khôn: couper les cheveux à un cond**né, émonder un arbre (cắt tóc người bị kết tội, cắt tỉa cây).
À, thì ra thế!
Bốn người trong tranh Phải tội khôn làm chuyện bậy bạ gì đó mới bị phạt, bị cùm, bị đem ra cắt tóc. Tội khôn là tội bị đem ra cắt tóc, chứ không phải vì cắt tóc ngắn mà bị đóng cùm, mang tội. Hú vía! Cũng may Nguyễn Mạnh Hùng chỉ lẫn lộn hậu quả với nguyên nhân. Nếu không thì chỗ đâu mà nhốt hết hạng vong bản ?
Chúng ta còn biết hình phạt Bè chuối trôi sông, một hình thức dã man của Tội khôn, áp dụng cho nữ giới. Đàn bà gian dâm, con gái chửa hoang, bị làng gọt gáy bôi vôi, trói vào bè chuối, thả trôi sông. Có người chết đói, chết khát trên bè. Có người chết đuối. Người nào may mắn được dân làng khác cứu vớt thì cũng suốt đời phải sống tha phương cầu thực, không dám trở về làng cũ.
Nước Pháp sau ngày giải phóng năm 1945 cũng đã áp dụng Tội khôn với một số phụ nữ đi lại với lính Đức quốc xã.
Nói đến mái tóc, tưởng cũng nên nói vài câu đến mũ và nón.
Việt Nam có rất nhiều kiểu mũ (chữ Hán là mạo) và nón (lạp). Ngày xưa chỉ có hoàng tộc, các quan văn võ, các người đỗ đạt cao mới được đội mũ. Giới bình dân, không chức tước thì đội nón.
Trong số 11 thứ nón được P. Huard và M. Durand (Connaissance du Vietnam, EFEO, Paris, 1954, tr.182) liệt kê, có một chiếc đã làm hai ông thắc mắc. Các ông gọi nó là chiếc nón giâu, chapeaux des brus? (chữ giâu ngày nay viết là dâu, như cô dâu). Huard và Durand thắc mắc vì hình dáng cái nón chăng? Nó có vẻ là nón đàn ông. Hay là vì tên gọi?
Câu trả lời cho thắc mắc của hai ông nằm ở bức tranh Hôn lạp trong bộ tranh Oger. Nón dâu và hôn lạp giống nhau. Vậy Hôn nghĩa là gì? Theo Thiều Chửu, hôn nghĩa là lấy vợ, con dâu. Hôn còn có nghĩa là lễ cưới, ngày xưa cưới xin cứ đến tối mới đón dâu nên gọi là hôn lễ. Gustave Hue cũng định nghĩa chữ hôn là prendre femme, femme, parenté de la femme (lấy vợ, vợ, họ hàng bên vợ). Vậy thì chữ hôn trong tranh Hôn lạp phải được hiểu là lễ cưới, lấy vợ, hay con dâu? Huard và Durand hiểu là con dâu.
Tranh Hôn lạp có ghi thêm câu chữ Hán Cổ giả nghênh hôn tắc dụng, kim tắc cải chi(ngày xưa dùng lúc đón dâu, ngày nay (khoảng 1909) tục này đã thay đổi). Vậy Hôn lạp có nghĩa là nón đội lúc nghênh hôn, đi đón dâu, tức là…nón của chú rể.
Yêu cầu Huard và Durand nhắn cô dâu trả Hôn lạp lại cho chú rể!
Xã hội Việt Nam đã trải qua nhiều thời đại. Mái tóc của người Việt Nam nhiều phen rối bù với những cơn gió bụi. Hàm răng thay trắng đổi đen mấy lần? Lúc thì trọng tóc dài, khinh tóc ngắn. Lúc thì thích tóc ngắn, chê tóc dài. Ngày nào còn yêu hạt huyền, hạt na, bỗng chốc quay sang chuộng răng lợn luộc, hắt hủi răng đen mã tấu.
Ngày nay thì ngắn dài, đen trắng, sao cũng được. Thời kì mở cửa, kinh tế thị trường, ối dào, ai hơi đâu mà vẽ vời để ý đến một góc con người nữa?
Các ông, các cậu tha hồ để tóc chấm vai, húi cua, móng ngựa, sọ dừa. Các bà, các cô cứ việc búi tóc, vấn khăn, phi dê, đuôi ngựa…
Ai cũng vui vẻ, thoải mái, vô tư.
Cả làng múa ca:
Trên trời có xấp mây xanh
Ở giữa mây bạc, xung quanh mây vàng
Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua cát "Dã Tràng" về xây…
Nguyễn Dư
(Lyon, 4/2003)