Bệnh Thống Phong ( Gout )
Thống Phong là một trong những bệnh được biết tới từ lâu. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu vết bệnh ở xác ướp cổ nhân Ai Cập 4000 năm về trước.
Danh y Hyppocrate nói tới bệnh này từ 2500 năm trước. Theo ông, thống phong là bệnh của người cao tuổi, giàu có, rượu chè ăn uống quá độ, còn viêm xương khớp là bệnh của người nghèo lao động chân tay vất vả.
Danh y Thomas Hydenham (1624-1689), cha đẻ nền y học Anh quốc, đã mô tả chi tiết về bệnh như sau: “Bệnh nhân lên giường ngủ ngon lành tới hai giờ sáng thì bị đánh thức dậy bởi cơn đau không chịu nổi ở ngón chân cái, đôi khi ở gót chân, bắp chuối và cổ chân. Cơn đau giống như trường hợp trật khớp. Rồi trong người thấy run lạnh, nóng sốt. Cơn đau tăng dần đến nỗi bệnh nhân không đi lại được và chỉ một lớp quần áo đè nhẹ lên cũng tăng đau”.
Bản thân bác sĩ Hydenham cũng bị thống phong hành hạ.
Nạn nhân của thống phong gồm đủ hạng người, từ thứ dân cho tới các nhân vật quyền quý, văn nghệ sĩ, chính trị gia…Các nhân vật thời danh như Alexander Đại Đế, Vua Louis XVI, phụ thân và nội tổ của ngài; bốn hoàng tử và một công chúa của vua George III bên Anh, Benjamin Franklin, Isaac Newton, thủ tướng Anh Chamberlain… đều bị thống phong thăm viếng.
Antoni Van Leeuwenhoek (1632–1723), một trong nhiều khoa học gia khám phá ra kính hiển vi, đã tả hình dạng của các tinh thể ở khớp sưng vì thống phong, nhưng thành phần hóa chất lúc đó chưa được biết tới.
Colchicum (meadow saffron) đã được các y sĩ Ả Rập sử dụng khoảng năm 1000 để trị TP.
Dược phẩm Allopurinol do khoa học gia George H. Hitchings, Giám Đốc Phòng thí nghiệm Burrouhs Wellcome ở Nữu Ước chế biến năm 1943.
Tiếng Anh của thống phong là “Gout”, tiếng Pháp là “Goutte”.
Gout có nguồn gốc La Tinh “gutta”, nghĩa là “giọt”, vì khi xưa có tin tưởng là một chút chất lỏng nào đó tụ tại khớp và gây ra bệnh.
* Nguyên nhân gây bệnh
Thống Phong là một loại viêm khớp với đặc tính là tăng mức độ uric acid trong máu và sự kết tụ tinh thể urate trong mô bào. Acid này đến từ chất purines trong một số thực phẩm và từ sự chuyển hóa căn bản của cơ thể. Mức độ trung bình uric acid trong máu là 6.8 mg/dl.
Bình thường, uric acid hòa tan trong máu và được thận thải ra ngoài theo nước tiểu. Nếu uric acid lên quá cao mà không được thải ra ngoài, chúng phải kiếm chổ để dung thân, như trên da, trong thận. Sạn urate (tophi) thường thấy ở dái tai, khuỷu tay và ngón tay, ngón chân. Nhưng khi chúng tập trung ở khớp xương thì có chuyện chẳng lành. Nơi đây, uric acid tích tụ dưới dạng các tinh thể dài sắc bén như kim, châm chích vào cấu tạo khớp và gây ra cơn đau khủng khiếp.
Các khớp xương thường bị tấn công là ngón chân cái, gót chân, mu bàn chân, gân Achilles là các vùng nhiệt độ thấp và tinh thể acid thích kết tụ nơi mát lạnh.
Tinh thể uric acid kết tụ dần dần, có khi cả chục năm trước khi gây ra cơn đau viêm sưng khớp đầu tiên. Cơn đau này có thể xẩy ra sau khi chân bị một chấn thương nhỏ và thường thì tự hết sau vài ngày. Tuy nhiên, cơn viêm đau thường tái phát trong vòng một vài năm với nhịp độ thường xuyên hơn ở nhiều khớp khác nhau.
Có nhiều lý do đưa tới cao uric acid: giảm bài tiết từ thận, tăng sản xuất trong cơ thể và tăng tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều chất đạm purines.
Một phần lớn uric acid do chính cơ thể sản xuất mỗi ngày qua các phản ứng sinh học hoặc trong một số bệnh kinh niên (như bệnh ung thư máu, hoại huyết hoặc bệnh vẩy nến.)
Phần khác do tiêu thụ thực phẩm có nhiều chất purines như cá cá trích (anchovies), cá mòi (sardines), cá thu (mackerel), sò điệp (scallops), cá hồi (trout) một vài loại thịt như thịt bê, thịt heo, thịt gà tây; trong bộ phận nội tạng gia súc như tim, thận, óc; trong các loại bia rượu và vài loại rau như hạt đậu khô, măng, rau spinach. Có nghiên cứu cho hay purines trong rau trái cây không gây ra cao uric acid như thịt đỏ động vật.
Giảm bài tiết uric ở thận là lý do thông thường đưa tới cao chất này trong máu.
* Nguy cơ đưa tới thống phong
Sau đây là một số nguy cơ có thể đưa tới tăng uric acid và bệnh thống phong:
-Tuổi tác
Đa số nạn nhân của thống phong là nam giới, ở tuổi trung niên, nhưng bệnh có thể thấy ở mọi lứa tuổi.
-Phái tính
Khoảng 90% các trường hợp thống phong xẩy ra ở nam giới. Chỉ có khoảng từ 5-10% trường hợp thống phong ở phụ nữ mà đa số ở tuổi mãn kinh. Lý do là ở nữ giới, mức độ uric acid trong máu thấp hơn ở nam giới, nhưng tới tuổi mãn kinh lại lên cao.
-Dược phẩm
Một số dược phẩm có thể tăng uric acid như thuốc lợi tiểu nhóm hydrochlorothiazide (Esidrix, Hydro-D), viên aspirin để phòng tránh tai biến não hoặc cơn đau tim; thuốc ức chế tự miễn cyclosporine làm hư hao ống tiết niệu, giảm bài tiết urate; thuốc chữa bệnh Parkinson Levodopa; vitamin niacin
-Tiếp cận với chì
Theo kết quả một số nghiên cứu, tiếp cận lâu ngày với chì trong môi trường cũng là rủi ro đưa tới thống phong.
-Rượu
Tiêu thụ nhiều rượu làm tăng sự chuyển hóa purines ở gan và tăng sản xuất acid lactic mà acid này lại gây trở ngại cho thận trong việc thải uric acid khỏi cơ thể.
Theo kết quả nghiên cứu của bác sĩ Hyon K Choi và Gary Curhan, Trường Y tế Công Cộng Harvard, công bố trên tập san Arthritis and Rheumatism tháng 12 năm 2004, bia gây ra cơn đau thống phong nhiều gấp đôi rượu mạnh, rượu vang và tác dụng xảy ra trong vòng 24 giờ sau khi uống.
Cũng cần lưu ý là, uống tới say túy lúy càn khôn sẽ tức thì gây ra cơn đau ở người bị thống phong, dù là đang điều trị.
-Caffeine
Có nghiên cứu cho rằng nước uống có caffeine như cà phê, nước trà là rủi do đưa tới thống phong.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây do bác sĩ Hyon K. Choi, Đại học British Columbia, Vancouver công bố trong tạp chí Arthritis số tháng 6-2007 cho hay, uống 4 ly cà phê mỗi ngày có thể giảm rủi ro thống phong tới 40%.
Vỉ vậy, nếu cứ dùng một hai y cà phê như thường lệ có lẽ vô hại.
-Di truyền
Bệnh có tính cách di truyền. Theo thống kê, cứ bốn người bị thống phong thì một người có thân nhân mang bệnh này.
-Bệnh của cơ thể
Suy chức năng thận, mập phì, cao huyết áp, tiểu đường, thiểu chức năng truyến giáp, bệnh vẩy nến, một vài loại ung thư, thiếu máu vì hủy hoại hồng cầu nâng cao uric trong máu, đưa tới thống phong.
-Chần thương, mệt mỏi cơ thể, căng thẳng tinh thần, chề độ dinh dưỡng ít tinh bột đểu kích thích cơn viêm thống phong
* Triệu chứng
Thống phong có thể xảy ra bất thình lình mà không có dấu hiệu báo trước, thường là vào ban đêm hoặc sau khi ăn thực phẩm có nhiều purine, bị chấn thương cơ thể, uống rượu, trong người mệt mỏi.
Thường thường thì chỉ một khớp xương bị tấn công. Khớp sưng đỏ, đau, nóng với lớp da bóng loáng, mầu đỏ hoặc tím. Các đốt của ngón chân cái là nơi thường bị phong nhiều nhất, nhưng phong cũng có ở đầu gối, cổ tay, khuỷu tay. Ở nhiều người, ngón chân cái sưng đỏ bóng loáng như quả nhót chín mọng.
Bệnh nhân đau như đàn bà đau đẻ, đến nỗi một tấm chăn mỏng phủ lên người, một đôi tất hơi ôm vào chân cũng gây đau, nói chi đến chuyện mang giày, đi lại.
Danh y Hyppocrate gọi thống phong là “Bệnh-Không-Đi-Được”, vì khi bị cơn viêm đau, sự đi lại đều khó khăn giới hạn
Người bệnh đôi khi nóng sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, tim đập nhanh.
Bệnh có thể cấp tính, kéo dài từ vài ngày tới một tuần lễ hoặc mãn tính với nhiều khớp bị viêm sưng, nhiều u cục trên da, xung quanh khớp và tổn thương ở thận.
* Biến chứng
Nếu không chữa hoặc phòng ngừa, bệnh trở thành mãn tính, với nhiều khớp bị tấn công. Các khớp sẽ hư hao, biến dạng khiến cho sự cử động, di chuyển khó khăn. Các cục chứa muối urate mọc lên ở dưới da (tophi) nhất là ở tai.
Ngoài ra, uric acid trong máu quá cao có thể đưa tới sỏi thận.
* Định bệnh
Đôi khi rất khó để chẩn đoán bệnh thống phong vì các dấu hiệu không rõ rệt và có thể thấy trong các bệnh khác. Cao uric acid không đồng nghĩa với thống phong. Nhiều người dù lượng acid này lên cao mà họ vẫn không có dấu hiệu bệnh.
Để xác định bệnh. bác sĩ cần làm các việc như sau:
- Khám tổng quát cơ thể và tìm hiểu y sử bệnh nhân, gia đình.
- Lấy nước trong khớp bị viêm sưng để tìm tinh thể muối urate.
- Đo lượng uric acid trong máu và nước tiểu.
- Chụp X quang xương khớp để tìm khớp viêm sưng do muối urate tích tụ.
* Điều trị.
Mục tiêu của điều trị là làm sao giảm thiểu các cơn đau cấp tính, ngăn ngừa cơn đau tái phát và tránh sự gia tăng lượng uric acid trong máu.
Thuốc chống đau viêm không steroid như ibuprofen (motrim), indomethacin (Indocin), naproxen (anaprox), etodolac…ddều có thể kiểm soát các cơn đau cấp tính trong vòng 48 giờ.
Tác dụng ngoại ý của các thuốc này là cồn cào, xuất huyết bao tử, giảm chức năng của thận.
Khi các dược phẩm nêu trên không hiệu nghiệm, thuốc loại steroid có thể được dùng.
Thuốc cổ điển Colchicine có nguồn gốc cỏ cây vẫn còn được dùng và có tác dụng rất tốt với các cơn phong thấp cấp tính cũng như để ngăn sự tái phát của các cơn viêm đau.
Thuốc allopurinol (Zyloprim) được dùng khi acid uric lên cao vì tăng sản sản xuất.
Trường hợp uric acid lên cao vì thận giảm bài tiết, dùng thuốc loại probenecid (Benemid, Probalan) hoặc sulfinpyrazone.
Trong cơn đau, nên nằm nghỉ, nâng cao khớp viêm hơi cao hơn thân mìn một chút với cái gối nhỏ để tránh dịch nước ứ đọng ở khớp và giúp giảm viêm sưng.
Khi khớp bớt viêm, nên cử động khớp thường xuyên để tránh cứng khớp đồng thời sức mạnh các bắp thịt và gân ở xung quanh.
Chườm lạnh khớp bệnh vài lần trong ngày, mỗi lần 20 phút để giảm viêm sưng và đau.
* Kết luận
Y học cổ điển tây phương có câu nói “Once gouty, always gouty”, một khi đã bị thống phong thì thống phong suốt đời.
Tuy nhiên với các phương thức trị liệu hiện nay, thống phong có thể khuất phục được và người bệnh tiếp tục sống đời sống sinh động, sản xuất.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể giảm thiểu các rủi ro gây bệnh, như là:
a.Giảm thiểu thực phẩm có nhiều purines.
b.Vận động cơ thể đều đặn.
c.Uống nhiều nước không có rượu. Nước giúp thận loại bỏ uric acid khỏi cơ thể, trong khi đó rượu bia lại tăng acid này.
d.Giảm cân nếu mập phì nhưng không giảm quá nhanh để khỏi bị thiếu dinh dưỡng, thống phong xuất hiện nhiều hơn.
đ.Duy trì huyết áp ở mức bình thường để tránh hư hao thận, giảm bài tiết uric acid.
e.Ăn nhiều rau trái cây tươi.
g.Tiêu thụ số lượng vừa phải sữa, pho mát.
h.Thử nghiệm acid uric khi đau khớp cấp tính để kịp thời sớm khám phá bệnh.
Thực hiện được như vậy thì ta tránh được thức giấc nửa đêm, ôm trái nhót đỏ hỏn ngón chân cái mà suýt soa kêu đau.
Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức