|
Post by NHAKHOA on Aug 22, 2006 18:54:39 GMT -5
|
|
|
Post by NHAKHOA on Nov 11, 2006 14:01:19 GMT -5
Fluoride: An toàn hay Hiểm họa 2006.10.11
Mai Tranh Truyết & Ðỗ Hiếu, RFA
Vào năm 1909, nha sĩ Frederic Mc Kay trong khi quan sát tình trạng răng của trẻ em ở vùng Pikes Peak, Colorado, nhận ra rằng răng các em bị biến thành màu nâu đậm khác thường so với trẻ em sống ở những vùng khác ở Hoa Kỳ. Kết luận của ông lúc bấy giờ là trong nước sinh hoạt nơi đây đã bị nhiễm fluor dưới dạng muối.
Câu chuyện về sự hiện diện của nguyên tố fluor trong nguồn nước và đặc biệt trong kem đánh răng cho đến hôm nay vẫn còn là một đề tài đang được các nhà chuyên môn bàn luận. Đó cũng là đề tài của tạp chí Khoa học & Môi trường kỳ này, qua cụôc trao đổi giữa biên tập viên Đỗ HIếu của Ban Việt ngữ RFA và Tiến sĩ Hoá học Mai Thanh Truyết.
Ðỗ Hiếu:
Trước hết, xin Tiến sĩ cho biết định mức sử dụng và việc ứng dụng fluor vào trong đời sống con người.
TS Mai Thanh Truyết: Thưa Anh. Cách đây không lâu, chúng tôi có nói đến nguy cơ của nguyên tố fluor trong kỹ nghệ nấu nướng. Đó là các soong chảo không dính Teflon. Hôm nay, chúng tôi chia xẻ với thính giả một đề tài ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của chúng ta. Đó là việc đem các muối fluoride vào trong nước và kem đánh răng.
Hiện tại, hàm lượng tối đa của muối fluoride có trong nước uống là 1 mg/L và kem đánh răng là 2 mg/L. Điều nầy đã được Cơ quan Bảo vệ Môi trường (gọi tắt là EPA) và Trung tâm Phòng ngừa Dịch bịnh (CDC) của Hoa Kỳ phê chuẩn. Năm 1999, chính Trung tâm nầy công bố việc cho thêm fluor vào trong nước uống là 1 trong 10 thành tựu công cộng cho thế giới trong thế kỷ 20.
Ðỗ Hiếu:
Tôi cũng còn nhớ là vào đầu thập niên 60, việc đem fluor vào kem đánh răng đã đựơc quảng cáo mạnh ở Việt Nam, dưới nhãn hiệu kem Hynos, qua hình ảnh hàm răng một anh da đen đang cười.
TS Mai Thanh Truyết: Nhưng hiện nay, câu chuyện tranh luận giữa các nhà làm khoa học đã đưa ra nhiều kết luận khác nhau về nguyên tố Fluor, và ý kiến của họ đôi khi trái ngược lẫn nhau nữa về việc sử dụng nguyên tố này.
Ðỗ Hiếu:
Tại sao có những kết luận khác biệt và mâu thuẫn với nhau như thế, thưa TS?
TS Mai Thanh Truyết: Sở dĩ có những quan điểm khác biệt về việc ứng dụng fluor là do nồng độ của nguyên tố nầy hiện diện trong nguồn nước. Mới đây, Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia (NRC) HK đã thành lập một Hội đồng nghiên cứu gồm các nha sĩ, nhà độc tố học, nhà y tế công cộng. Kết quả nghiên cứu được công bố vào tháng 3, 2006 trong đó kết luận sơ khởi là nồng độ cho phép của fluor trong nước sinh hoạt là quá cao.
Với mức cho phép nầy, HĐ kết luận rằng trẻ em sử dụng nước sinh hoạt có nồng độ trên trong một thời gian dài sẽ bị hư răng, và có thể bị tụt giảm chỉ số thông minh (IQ). Thêm nữa, nếu sử dụng nước nầy trong suốt đời sống, tuổi già có thể bị loãng xương, và nguy cơ bị gãy xương hông rất cao.
Ðỗ Hiếu:
Kết luận này rõ ràng trái hẳn với quan điểm của EPA?
TS Mai Thanh Truyết: Vâng, chính vì thế mà Do đó HĐ yêu cầu EPA giảm xuống thấp định mức cho phép của fluor trong nguồn nước. Chỉ hai tuần lễ sau khi công bố chính thức của HĐNCQG, một nhóm giáo sư ở Harward góp thêm vào kết luận là trẻ em ở lớp tuổi thiếu niên có thể bị ung thư xương khi dùng nước sinh hoạt có chứa fluor.
Và sau cùng giáo sư Hardy Limeback thuộc Đại học Toronto đã đóng góp thêm cho HĐNCQG là việc đem fluor vào trong kem đánh răng sẽ là một trong mười lỗi lầm của thế kỷ 21.
Ðỗ Hiếu:
Như vâỵ, hiện tại qua những quan điểm đối nghịch trên, những cơ quan có thẩm quyền Hoa Kỳ trong vấn đề nầy như HĐNCQG, Trung tâm Kiểm soát Độc chất (PCC) có ý kiến gì về sự hiện diện của fluor trong nguồn nước và kem đánh răng thưa ông?
TS Mai Thanh Truyết: Thưa Anh. Đối với kem đánh răng có chứa fluor, quy định cho nhà sản xuất là phải ghi rõ trên nhãn hiệu bên ngoài ống kem là :"sản phẩm phải để ngoài tầm tay của trẻ em dưới sáu tuổi. Nếu vì một lý do gì đó trẻ em cho kem vào đường thực quản, thì phải liên lạc ngay với TTKSĐC". Riêng Cơ quan An tòan Sức khoẻ (OSHA), quy định cho công nhân làm việc trong công tác đem fluor vào nước phải mặc áo quần bảo hộ lao động và mặt nạ chống khí độc.
Ðỗ Hiếu:
Lý do?
TS Mai Thanh Truyết: Các công nhân làm việc trong cơ xưởng liên quan đến nguyên tố fluor thường bị những dị ứng về da, và bịnh đường tiêu hóa do ảnh hưởng của khí fluor phát thải vào không khí. Đôi khi công nhân cũng bị tử vong trong vài trường hợp nặng. Sở dĩ fluor cũng được xếp vào danh sách hoá chất độc hại (poison) vì fluor với nồng độ cao được dùng để giết chuột và tiêu diệt một số loài sâu rầy trong nông nghiệp.
Ðỗ Hiếu:
Vậy Qua phần trình bày trên thì fluor tiếp nhiễm vào cơ thể và ảnh hưởng lên con người như thế nào, thưa TS?
TS Mai Thanh Truyết: Fluor đi vào cơ thể qua đường thực quản và được hấp thụ qua các tế bào da do xử dụng nguồn nước chứa fluor hay hít thở không khí đã bị ô nhiễm khí fluor. Có thể nói, phân nửa lượng 50% fluor hấp thụ trong cơ thể sẽ bị tống ra khỏi cơ thể qua đường tiểu, và phân nửa còn lại sẽ tích tụ trong răng và xương.
Ðỗ Hiếu:
Còn fluor ảnh hưởng lên răng và làm giảm chỉ số thông minh như thế nào?
TS Mai Thanh Truyết: Ở những vùng nguồn nước sinh hoạt đã có sẳn hàm lượng fluor cao, răng và lợi của ngươi dân sống ở nơi đây bị ảnh hưởng nhiều nhất. Răng sẽ bị đổi thành màu nâu đậm, và lợi thường hay bị nhiễm trùng.
Sự đổi màu của răng được giải thích như sau: Khi răng đang phát triển và bị tiếp nhiễm fluor trong một thời gian dài, nguyên tố fluor sẽ thấm sâu vào trong ngà răng và răng sẽ chuyển sang màu nâu. Chứng bịnh nầy có tên là fluorosis răng. Chứng nầy được phát hiện cho trẻ em trong lứa tuồi thiếu niên sống trong những vùng có fluor trong nguồn nước cao hơn 4 mg/L.
Ðỗ Hiếu:
Ở Việt Nam, những địa phương nào bị tình trạng này?
TS Mai Thanh Truyết: Tại Việt Nam, nguồn nước giếng ở vùng Ninh Hòa, Nha Trang chứa hàm lượng fluor trên 10 mg/L, do đó hầu hết người dân sống ở đây đều bị chứng fluorosis trong răng. Và vào năm 2003, UNICEF đã tài trợ cho vùng nầy một ngân khoản là 3 triệu Mỹ kim để lấp đặt hệ thống khử fluor cho người dân.
Theo nghiên cứu, nếu sử dụng nguồn nước có hàm lượng cao hơn 4 mg/L thì nguy cơ bị hư răng càng cao nhất là đối với trẻ em. Trong lịch sử HK, từ khi áp dụng việc đem fluor vào nguồn nước sinh hoạt, bịnh hư răng của trẻ em và thiếu niên ở lứa tuổi từ 6 đấn 19 đã tăng từ 23% vào cuối thập niện 80, lên đến 32% năm 2006, tức là tăng gấp rưỡi. Theo ước tính, hiện tại 1/4 trẻ em HK đã hấp thụ gấp đôi lượng fluor cần thiết cho cơ thể.
Ðỗ Hiếu:
Thế còn ảnh hửơng đến trí thông minh thì thế nào?
TS Mai Thanh Truyết: Còn về chỉ số thông minh, trẻ em trong vùng nước chứa nồng độ fluor từ 2,5 mg/L trở lên có chỉ số IQ giảm đi 8 điểm so với trẻ em sống trong vùng nước chứa lượng fluor thấp hơn. Qua nghiên cứu trên thú vật, nguyên tố fluor ảnh hưởng lên tế bào não nhưng các nhà làm khoa học vẫn chưa giải thích được cơ chế ảnh hưởng như thế nào..
Ðỗ Hiếu:
Còn ảnh hưởng của fluor lên xương thì được giải thích như thế nào thưa TS?
TS Mai Thanh Truyết: Đối với người lớn khi bị tiếp nhiễm fluor trong một thời gian dài, Tạp chí Y khoa HK (AJM) có công bố kết quả nghiên cứu vào cuối năm 2005 trên một phụ nữ đã bị tiếp nhiễm fluor và bị chứng fluorosis xương, cũng như bị đau nhức khớp xương khi chuyển động. Nguyên do là do phụ nữ nầy đã uống từ một đến hai gallons trà liên tục trong suốt trên 20 năm. Bà sống ở một vùng đất có đá vôi và có hàm lượng fluor cao trong đất.
Cũng theo nghiên cứu các khoa học gia đã ước tính rằng phụ nữ trên đã hấp thụ ít nhất là 10 mg fluor một ngày trong hơn 20 năm qua lá trà đã hấp thụ fluor trong đất. Và Trà Lipton Instant chúng ta thường thấy ỏ thị trường có hàm lượng trung bình khoảng 6,5 mg/L. Cũng qua Tc Y khoa trên, những người già sống trong vùng có hàm lượng fluor cao trong đất từ 2 đến 4 mg/Kg như ở Texas, Virginia, Oklahoma có khả năng bị gãy xương háng 41% cao hơn những người sống trong vùng có hàm lượng thấp.
Ðỗ Hiếu:
Vậy ta có thể tổng kết về nguyên tố Fluor ra sao? Qua những chứng minh, nghiên cứu trên, quả thật nguyên tố fluor cũng có lợi và cũng có thể là một nguy cơ ảnh hưởng lên sức khỏe của con người. Như vậy quan điểm của TS như thế nào trước những kết luận có vẽ đối nghịch nhau giữa các nhà làm khoa học?
TS Mai Thanh Truyết: Thưa Anh. Giống như tất cả các hóa chất được xử dụng như thuốc trị liệu, các sinh tố, hay những hóa chất dùng trong việc bảo quản thức ăn, phân bón thuốc trừ sâu rầy v.v.. tất cả đều thể hiện hai mặt: Dương tính và âm tính hay tích cực hoặc tiêu cực. Nếu chúng ta xử dụng hóa chất trong một chừng mực nào đó, và với một liều lượng thích hợp nào đó, hóa chất sẽ là một yếu tố giúp chúng ta giải quyết nhiều vấn nạn trong đời sống, hay giúp chúng ta triệt tiêu hay ngăn ngừa được một số bịnh tật cho con người.
Còn nếu chúng ta xử dụng quá liều lượng , nguy cơ bị phản ứng ngược lại chắc sẽ khó tránh khỏi. Trường hợp của fluor cũng không là một ngoại lệ. Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia HK kết luận rằng, sau 55 năm, việc đem nguyên tố fluor vào nguồn nước sinh hoạt đúng mức nghĩa là dưới 1mg/L là an toàn. Có những kết quả cụ thể cho thấy là sự hiện diện của fluor dưới nồng độ trên làm giảm tỷ lệ bị sâu răng nơi trẻ em.
Tuy nhiên, ngay định mức 1mg/L này cũng không đủ tính cách thuyết phục cho một số nhà khoa học cũng như những nhà làm luật.
Fluor có lợi hay là một hiễm họa tùy theo quan niệm và định nghĩa của mỗi nhà làm khoa học. Trong tất cả những nghiên cứu về fluor, chúng ta chỉ nhìn thấy một góc cạnh náo đó của vấn đề, do đó kết quả của một vài nghiên cứu cá biệt không thể nào đưa đến một kết luận chung có tính cách thuyết phục được. Và vấn đề ảnh hưởng lên sức khỏe của con người qua sự tiếp nhiễm fluor còn tùy thuộc vào tính ái lực (affinity) hay phản ứng của từng cơ thể cá biệt đối với fluor,
Tóm lại, đây là một vấn đề hiện đang còn trong vòng tranh cãi gay gắt giữa các nhà làm khoa học. Trong thực tế, năm ngoái Tuy nhiên vào nam 2005, trên toàn quốc Hoa Kỳ và trong nhiều thành phố ở chín tiểu bang, trong đó có California, New York, Washington v.v... người dân đã bỏ phiếu không chấp nhận việc cho thêm fluor vào trong nguồn nước sinh hoạt của thành phố nữa.
|
|
|
Post by NHAKHOA on Oct 10, 2008 16:06:13 GMT -5
Để có hàm răng trắng?
Hàm răng trắng và nụ cười rạng rỡ luôn là mơ ước của nhiều người. Công nghệ y học hiện đại ngày nay đã giúp con người biến ước mơ đó trở thành hiện thực. Tuy nhiên theo ý kiến của nhà chỉnh hình răng isabelle Schwartz, khái niệm răng trắng là hoàn toàn tương đối vì độ trắng của răng phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có cả màu da. Thuốc lá, cà phê, chè, một số loại thuốc, hoa quả và những thức ăn có phẩm màu tổng hợp là những tác nhân có thể làm răng bị xỉn và vàng đi thậm chí làm thay đổi cả màu gốc của răng. Đây chính là lý do mà chúng ta phải học cách đánh răng, nghĩa là phải biết đánh răng đúng cách.Trước hết, đánh từ phần lợi xuống răng, chải kỹ mỗi khoảng kẽ răng. Dùng bàn chải mini để có thể lôi hết được những chất bẩn đóng cáu cặn trong kẽ răng. Sau đó xúc lại miệng thật sạch. Đồng thời bạn nên đi lấy cao răng trung bình mỗi năm 2 lần để làm mới và luôn giữ được màu gốc của răng.
Ngoài ra, hiện nay có công nghệ làm sáng răng với 2 tác động phụ làm nướu khoẻ và răng chắc. Các nha sỹ sẽ sử dụng các tác nhân làm trắng răng để can thiệp vào màu nền của răng. Điều này có nghĩa là can thiệp trực tiếp lên ngà răng. Để làm điều này bạn có 2 lựa chọn:
• Làm trắng tại phòng chăm sóc răng: sau khi đã bảo vệ lợi, nha sỹ sẽ bôi chất gen peoxit, cacbamit lên răng với độ tập trung cao. Thực hiện từ 4 đến 6 lần trong khoảng 3 tháng.
• Làm trắng răng tại nhà: khi răng bắt đầu có dấu hiệu vàng, nha sỹ sẽ dùng 2 khung nẹp răng (1 ở hàm trên, 1 ở hàm dưới) trong vòng nửa giờ mỗi ngày, thực hiện trong khoảng 3 tuần. Để có hiệu quả tốt hơn nên kết hợp với biện pháp làm trắng tại phòng chăm sóc răng.
Trong thời gian điều trị làm trắng răng, răng sẽ có nhiều lỗ xốp và có thể rất dễ bị ố bẩn. Vì vậy, để có một kết quả điều trị hoàn hảo cho hàm răng, nên hạn chế tối đa các loại thực phẩm hàng ngày dễ tác động đến răng như: cà phê, chè, thuốc lá, rượu và các loại thực phẩm có màu.
Minh Phương (theo E-sante)
|
|
|
Post by NHAKHOA on Oct 10, 2008 17:03:38 GMT -5
Tái tạo răng lợn từ… tế bào gốc răng người
Các nhà khoa học Trường Đại học Nam California, Mỹ vừa tái tạo thành công răng lợn trong phòng thí nghiệm từ tế bào gốc của những chiếc răng khôn ở người.
Từ những tế bào gốc trong những chiếc răng khôn được mọc thêm của người trưởng thành, các nhà khoa học tái tạo thành công chân răng và dây chằng răng phụ giúp phục hồi thân răng lợn con trong phòng thí nghiệm.
Bằng phương pháp sử dụng công nghệ tế bào gốc sinh ra mô trong giai đoạn mọc răng và chân răng kết hợp với với thân răng bằng sứ dùng cho y tế, các nhà khoa học đã khôi phục lại được chức năng răng cho lợn con.
Đây là một công nghệ lai ghép (tế bào gốc và các công nghệ y tế) để khôi phục lại chức năng răng ở động vât có cấu trúc răng tương tự như răng người.
Công nghệ này đã phản ánh được chức năng và sự khoẻ mạnh của răng gốc. Thành công của việc tái tạo này sẽ được áp dụng trên người trong vòng vài năm tới.
Công nghệ này thu hút đặc biệt những bệnh nhân không có mô cấy răng thích hợp hoặc cấy mô răng sống bắt nguồn từ chính răng gốc của họ.
Thế nhưng, đối với các bệnh nhân cấy mô từ chính răng gốc của mình phải có xương thích hợp trong hàm răng để cung cấp mô cấy. Còn đối với những bệnh nhân không có xương thích hợp thì liệu pháp này sẽ là một sự lựa chọn tuyệt vời.
Ngọc Huyền (Theo Reuters, ABC news, BBC)
|
|
|
Post by NHAKHOA on Oct 10, 2008 17:05:26 GMT -5
Răng “nhạy cảm” - bệnh dễ gặp, chữa mệt
Không sâu răng và chịu khó vệ sinh răng miệng nhưng vẫn thấy đau buốt, nhất là khi chạm răng vào kem lạnh hoặc các chất chua.
Triệu chứng này thường gặp với 50% bệnh nhân răng, chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi 20-50 (tập trung ở chị em 30-40 tuổi).
Về cấu tạo, răng của chúng ta gồm hai phần: thân răng (phần có thể nhìn thấy được) và chân răng (phần nằm trong lợi không thấy được). Thân răng chia làm nhiều tầng gồm: men răng, ngà răng, tủy răng gồm các mạch máu nuôi dưới răng và thần kinh cảm giác cho răng.
Tuy nhiên, những cơn đau buốt hoàn toàn không phải do sâu răng hoặc do thiếu vệ sinh răng miệng.
Nguyên nhân đầu tiên gây bệnh răng nhạy cảm là mất men răng. Bác sĩ Chiristophe Lequart, chuyên gia thẩm mỹ răng đồng thời là tổng biên tập các ấn phẩm của tổ chức sức khỏe răng miệng Pháp, đã giải thích rằng lớp ngà răng được nuôi dưỡng bằng các rãnh xương nhỏ chứa dung dịch, nối liền phần trong và ngoài của răng. Khi men răng bị hỏng, ngà răng sẽ tiếp xúc trực tiếp với các chất trong thức ăn gây giãn nở hoặc rút dung dịch trong ống ngà, làm đau nhức răng.
Răng có thể bị mất men do nhiều nguyên nhân: do thói quen chải răng theo chiều ngang với bàn chải cứng, khiến răng bị mòn, mất khả năng bảo vệ. Hoặc ăn nhiều thức ăn có chứa axit cũng có thể làm xuất hiện những lỗ nhỏ trên mặt răng, hủy hoại hoàn toàn lớp men bảo vệ răng.
Nguyên nhân thứ hai: lợi bị thoái hóa, không bao bọc hết chân răng nên lớp ngà răng sẽ phải tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, dễ gây tổn hại răng, làm răng trở nên nhạy cảm.
Có nhiều cách để chăm sóc răng nhạy cảm. Bệnh nhân có thể sử dụng các loại kem đánh răng dành cho răng nhạy cảm. Chúng có tác dụng trám đầy các lỗ trên bề mặt ngà răng. Thành phần của kem đánh răng loại này thường có chứa nhiều strontium clorua (SrCl2) và các loại muối kali.
Bệnh nhân cũng có thể sử dụng các loại nước xúc miệng giàu khoáng, nhằm cung cấp thêm khoáng chất cho ngà răng. Thêm nữa, cần phải thay đổi cách đánh răng. Không nên đánh răng theo chiều ngang mà nên chải răng theo chiều từ lợi lên thân răng. Cách này giúp không làm tổn hại lợi và răng. Những biện pháp này khá hiệu quả trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên theo bác sĩ Lequart, nếu sau hai tháng tự điều trị mà không có kết quả, thì bệnh nhân nên đến khám nha sĩ.
Để trám đầy các lỗ li ti trên ngà răng, bác sĩ sẽ phủ lên răng bạn một lớp men sứ. Rồi sau đó sử dụng sản phẩm làm cố định chất protein trong ngà răng. Cách này có tác dụng ngăn chặn hiện tượng giãn nở - co rút gây đau buốt răng. Cuối cùng, trong trường hợp men răng bị mất hoàn toàn, đặc biệt, do chải răng không đúng cách, bác sĩ sẽ dùng một lớp nhựa siêu bền để tái tạo lại một phần lớp men bảo vệ răng.
Nếu như các cách trên chưa đạt hiệu quả, bác sĩ có thể chọn giải pháp diệt tủy của chiếc răng bị hỏng. Trong trường hợp bị tụt lợi, có thể cấy ghép lợi vào chỗ răng bị tụt lợi, giúp răng được bao bọc tốt hơn.
Ngọc Hà (Theo Doctissimo )
|
|
|
Post by NHAKHOA on Oct 10, 2008 17:07:01 GMT -5
Loại vi khuẩn mới gây bệnh răng miệng
Một loại vi khuẩn mới, phát triển ngày càng mạnh trong miệng người, có thể góp phần gây bệnh nướu và sâu răng vừa được các nhà khoa học Trường King’s College London phát hiện, đặt tên là "Prevotella histicola".
GS. William Wade (Viện Nha khoa, Trường King’s College London) đã tìm thấy 3 loại sinh vật mới ẩn bên trong lớp thịt của miệng và cái tên “histicola” để thể hiện điều đó, có nghĩa là “nơi cư trú của các mô” trong tiếng Latin.
Theo GS. Wade, “miệng của một người khỏe mạnh là nơi trú ngụ của vô vàn các vi trùng khác nhau, trong đó có cả virus, nấm, sinh vật đơn bào và vi khuẩn. Vi khuẩn chiếm số lượng đông đảo nhất - có khoảng 100 triệu vi khuẩn trong mỗi một mml nước bọt và hơn 600 loại vi khuẩn khác nhau trong miệng".
Họ vi khuẩn Prevotella có liên quan đến rất nhiều loại bệnh đường miệng cũng như các bệnh nhiễm trùng trong các bộ phận khác của cơ thể. GS. Wade cho biết ông đã thành công khi tìm ra những loại vi khuẩn mới ở mô khỏe mạnh bình thường lẫn những vi khuẩn sống bên trong các tế bào ung thư miệng. “Điều này khẳng định lại rằng vi khuẩn đường miệng có thể xâm nhập vào cả mô và tế bào đơn”.
Bệnh sâu răng và các bệnh liên quan đến nướu là những loại bệnh vi khuẩn thường gặp nhất ở con người. Phát hiện nói trên có thể giúp cho các nhà khoa học hiểu về những thay đổi trong các hoạt động của vi khuẩn dẫn tới các vấn đề về răng miệng.
Giáo sư Hugh Pennington, giáo sư danh dự về ngành Vi trùng học tại trường Đại học Aberdeen cho biết, việc tiếp tục kiểm tra các loại vi khuẩn chưa được biết đến là hết sức quan trọng đặc biệt đối với những loại vi khuẩn có thể gây bệnh. Ông cũng khẳng định, việc tiến hóa không ngừng của vi khuẩn cho thấy khả năng về một sự thay thế không ngừng và không có điểm dừng của các loài và giống mới.
Mai Trang (Theo BBC )
|
|
|
Post by NHAKHOA on Oct 10, 2008 17:08:15 GMT -5
Nâng cấp nụ cười
Đừng để mọi người nghĩ bạn là một người không biết cười chỉ vì mấy cái răng bất thường.
Bệnh của nướu Bắt bệnh: Đó là hiện tượng nướu bị nhiễm trùng mà thủ phạm chính là cao răng bám chắc quanh răng và xương. Vi khuẩn trong cao răng sẽ phá huỷ các mô chống đỡ quanh răng và không loại trừ cả xương. Những dấu hiệu chung của bệnh này là chảy máu nướu khi đánh răng, sưng, đau nướu, nhiễm trùng nướu, bưng mủ, răng lung lay hoặc tách rời nhau, hơi thở không thơm và không thoải mái khi nhai.
Đối tượng: Những người cẩu thả trong vệ sinh răng miệng, những người hút thuốc lá, những người mắc bệnh tiểu đường và phụ nữ mang thai (phải chịu những thay đổi bất thường của hocmone). Các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra mối liên quan giữa các bệnh tim mạch, trẻ sinh thiếu tháng với các bệnh về nướu.
Giải pháp: Đầu tiên là lên một lịch chăm sóc răng miệng cẩn thận để giúp răng luôn có sự sẵn sàng trước những thay đổi. Trong những trường hợp đặc biệt, có thể tìm tới phẫu thuật để điều chỉnh những căn bệnh về nướu. Nướu có thể được phục hồi sau 6 tháng điều trị.
Hình răng xấu
Bắt bệnh: Hiện tượng này là do việc phát triển không hoàn hảo của hàm răng, chấn thương răng, răng sâu với số lượng lớn dẫn tới phá vỡ cấu trúc răng cũng như khả năng phục hồi răng kém. Biểu hiệu của một hàm răng xấu là ngả màu và không đều.
Đối tượng: Là những người có sự phát triển răng không bình thường, hay bị sâu răng, khả năng phục hồi răng kém cũng như những người đã từng bị chấn thương ở răng.
Giải pháp: Phổ biến nhất là bọc răng. Tuy nhiên để cho một hàm răng thật sự thì lớp bọc phải mỏng, làm bằng nguyên liệu có màu giống màu thật của răng. Lớp bọc sẽ giúp cải thiện nụ cười, điều chỉnh nhẹ nhàng các hình răng xấu, làm sít những lỗ hổng giữa các răng, che đi các vết nhơ trên răng và phục hồi một phần các răng bị vỡ.
Mất răng
Bắt bệnh: Nguyên nhân chính là do sâu răng, bệnh của nướu và chấn thương răng. Việc mất một hay một vài cái răng đều ảnh hưởng lớn tới việc ăn, nói và tất nhiên là thẩm mỹ. Nếu chiếc răng mất không được thay thế kịp thời thì những chiếc "hàng xóm" rất có thể sẽ bị nghiêng sang và vô tình tạo thành những lỗ "chôn" thức ăn rất hữu hiệu.
Đối tượng: Những người không vệ sinh răng thường xuyên, những người hay ăn đồ ngọt, thức ăn dính, cũng như những người đã gặp phải những tổn thương về răng.
Giải pháp: Có thể thay thế răng mất bằng cầu răng giả hoặc cấy răng.
Răng xỉn mầu
Bắt bệnh: Hiện tượng xỉn màu có thể xảy ra bên trong hoặc bên ngoài răng. Răng xỉn màu bên ngoài là do những sở thích hàng ngày như chè, cà phê hay chocolate. Hút thuốc lá và vệ sinh răng miệng không cẩn thận cũng có thể là lý do. Hiện tượng xỉn răng từ bên trong lại xuất phát từ nguyên nhân sinh lý, tổn thương răng, sâu răng, hay các nhân tố di truyền. Florua vượt quá giới hạn cho phép hoặc uống quá nhiều tetracyline trong suốt những năm hình thành răng cũng có thể gây ra việc biến đổi màu răng bên trong.
Đối tượng: Những người hút thuốc nhiều, sâu răng và tổn thương răng hoặc có những thói quen không tốt như đánh răng quá ít và ăn đồ ngọt quá nhiều.
Giải pháp: Những vết xỉn bên ngoài có thể biến mất bằng cách đánh bóng, cạo cao răng trong khi những vết nhơ bên trong đòi hỏi nhiều thời gian và tiền hơn để loại bỏ. Phương pháp tẩy trắng răng đang được xem là phổ biến nhất nhưng lời khuyên cho bạn trong trường hợp này là "chọn mặt" thật kỹ trước khi "gửi vàng".
Răng "mất trật tự"
Bắt bệnh: Bệnh này hầu hết là do di truyền và liên quan tới mức độ tiếp xúc đều đặn giữa răng với hai hàm. Sự biến đổi về kích cỡ răng, dị tật của hàm cũng ảnh hưởng rất lớn tới hàm răng. Các thói quen khi còn nhỏ như ngậm tay, thọc tay vào lưỡi, ngậm vú giả ngoài tuổi lên ba hay bú bình quá lâu cũng là thủ phạm. Không chỉ làm xấu, răng mất trật tự còn khiến bất tiện khi cắn hay nhai, nói khó và ít nhiều ảnh hưởng tới việc thở.
Đối tượng: Là những người trong gia đình có di truyền về răng xộc xệch và những người mắc những thói quen xấu khi còn nhỏ như đã nói ở trên.
Giải pháp: Kẹp đều răng để định hướng cho những chiếc răng mọc không quy củ. Những phẫu thuật hiện đại cũng có thể giúp mang lại một bộ răng đều hơn.
theo Netmode
|
|
|
Post by NHAKHOA on Oct 10, 2008 17:09:47 GMT -5
10 loại thức ăn giúp răng trắng đẹp
Thành phần trong một số thức ăn tự nhiên có thể chống lại các vi khuẩn gây sâu răng trong khoang miệng, giúp men răng thêm chắc khỏe, khiến bạn càng tự tin hơn với nụ cười trên môi. Có thể thử 10 loại thức ăn dưới đây
1. Rau cần
Khi bạn nhai rau cần chính là lúc răng của bạn đang được quét dọn sạch sẽ. Vì thế, rau cần giúp giảm bớt được nguy cơ sâu răng. Bác sĩ Trần Lập Thịnh thuộc khoa răng, bệnh viện Mã Nhai Trung Quốc đã giải thích rằng: "Do những thức ăn dạng sợi thô này giống như một chiếc chổi vậy, nó có thể quét đi được một phần cặn bã của thức ăn trên răng".
Ngoài ra bạn càng nhai kỹ thì càng kích thích nước bọt tiết ra, cân bằng lượng axit và kiềm trong khoang miệng, đạt được hiệu quả kháng khuẩn tự nhiên.
Ăn như thế nào?
Khi thèm ăn, đừng nghĩ ngay đến đồ ngọt, có thể thái rau cần, dưa chuột, củ cải thành sợi, rồi cho vào miệng nhai, như vậy vừa chà xát được hàm răng, vừa bổ sung được lượng rau trong ngày.
2. Hành tây
Hỗn hợp lưu hóa trong hành tây là thành phần kháng khuẩn rất mạnh, thí nghiệm cho thấy, hành tây có thể giết chết rất nhiều vi khuẩn, trong đó bao gồm khuẩn chuỗi cầu biến hình gây bệnh sâu răng. Dùng hành tây tươi sống có hiệu quả nhất.
Ăn như thế nào?
Mỗi ngày nên ăn nửa củ hành tây, không chỉ chống được bệnh sâu răng mà còn giúp giảm bớt cholesteron, phòng chống được bệnh tim và nâng cao khả năng miễn dịch.
Khi làm món rau sống, salat, có thể cho thêm vài lát hành tây tươi vào, hoặc kẹp vài miếng hành tây trong bánh sandwich.
3. Pho mát
Ai cũng biết nếu hấp thu canxi không đủ sẽ dẫn đến xương yếu, cũng sẽ làm tổn hao đến sức khỏe của răng. Bởi vậy trong những nguồn cung cấp canxi tốt mà còn phát huy tác dụng trong việc bảo vệ răng.
Nghiên cứu ở Anh cho thấy, canxi và muối axit photphorich trong pho mát có thể làm cân bằng lượng axit cho các vi khuẩn hoạt động trong khoang miệng dẫn đến sâu răng, hơn nữa thường xuyên ăn pho mát có thể làm tăng lượng canxi cho răng, giúp men răng chắc và khỏe (do canxi là thành phần chủ yếu tạo nên men răng), khiến răng càng khỏe mạnh.
Ăn như thế nào?
Bữa sáng ăn một chiếc Sandwich kẹp pho mát và cà chua.
4. Trà xanh
Trà xanh được người Nhật Bản coi là viên ngọc trường thọ. Rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy khả năng chống oxy hóa của nó tương đối mạnh, có thể phòng chống được rất nhiều bệnh ung thư. Ngay cả uống trà xanh cũng rất tốt cho việc bảo vệ răng, giúp răng khỏe mạnh.
Mặt khác, trà xanh có chứa lượng lớn flour, có thể kết hợp với apatit trong răng tạo nên hiệu quả chống axit, phòng sâu răng. Theo một số nghiên cứu cho thấy catechins trong trà xanh có thể làm giảm bớt khuẩn cầu chuỗi biến hình gây nên bệnh sâu răng trong khoang miệng, đồng thời cũng có thể khử được mùi hôi của răng miệng.
Uống như thế nào?
Theo sở thích của mỗi người, mỗi ngày uống từ 2 đến 5 cốc, nên uống sau khi ăn nhất là sau khi ăn đồ ngọt. Nhưng trong trà xanh có chứa caffeine, phụ nữ đang mang thai nên hạn chế uống.
5. Ổi
Muốn có được một hàm răng trắng, đẹp có một cách khác nữa là gặm một quả ổi. Trong các loại hoa quả thì ổi có hàm lượng vitamin C nhiều nhất. Vitamin C là chất dinh dưỡng quan trọng để bảo vệ răng chắc khỏe, người thiếu chất này, răng sẽ rất yếu, dễ mắc các bệnh như sưng lợi, chảy máu, răng bị thưa hoặc bị rụng.
6. Nấm hương
Các loại nấm không chỉ trở thành món ăn hấp dẫn, mà còn có tác dụng bảo vệ răng. Trong nấm hương có chứa chất làm giảm các vết đen trên răng do vi khuẩn gây ra.
Ăn như thế nào?
Dù là nấu canh, xào hay làm nộm đều rất ngon, mỗi tuần ăn 2 - 3 lần.
7. Mù tạt
Thưởng thức món cá sống của Nhật Bản phải dùng thêm chút mù tạt, mục đích chủ yếu là sát khuẩn. Mù tạt tạo ra chất cay là do trong nó chứa một loại thành phần có tên là isothiocyanates. Trong những nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy, isothiocyanates trong mù tạt có thể ức chế sự sinh sôi nảy nở của khuẩn cầu chuỗi biến hình.
Ăn như thế nào?
Ngoài ăn cùng cá sống ra, cũng có thể trộn lẫn một thìa cà phê mù tạt với một ít dầu ăn làm thành nhóm nước chấm cho các loại hải sản.
8. Kẹo cao su không đường
Nhai kẹo cao su không đường có thể làm tăng lượng nước bọt tiết, trung hòa tính axit trong khoang miệng, đề phòng răng không bị sâu. Theo nghiên cứu của khoa răng trường Đại học MingNiSuDa - Mỹ, nhai kẹo cao su không đường có chứa "xylitol" có hiệu quả rõ rệt trong việc ức chế tạo ra những vi khuẩn của răng. Xylitol là một loại chất có thể thay thế đường, nhiệt lượng rất thấp, có thể tạo ra vị ngọt, nhưng sẽ không cho vi khuẩn có cơ hội phát triển.
Ăn như thế nào?
Sau khi ăn xong, nếu không thể đánh răng ngay thì có thể thay thế bằng cách nhai kẹo cao su không đường trong vòng 5 phút. Song, bác sĩ khoa nha nhấn mạnh rằng, nhai kẹo cao su không thể hoàn toàn thay thế được việc đánh răng và sử dụng chỉ nha khoa trong việc giữ gìn vệ sinh răng miệng.
9. Bạc hà
Hương thơm nhẹ nhàng của bạc hà có tác dụng làm đầu óc sảng khoái, đồng thời cũng có thể giảm bớt được mùi hôi của miệng. Trong lá bạc hà chứa một loại chất tổng hợp, có thể thông qua sự tuần hoàn của máu đưa tới phổi, khiến khi bạn thở có cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng.
Nghiên cứu cũng cho thấy, sử dụng loại nước súc miệng bằng dược thảo này có thể làm giảm bớt sự sinh sôi nảy nở của vi khuẩn trong khoang miệng.
Dùng như thế nào?
Sau khi ăn cá hoặc thịt xong, uống một cốc trà bạc hà không cho đường. Nếu bạn quá khổ sở vì mùi hành, mùi tỏi còn trong miệng mà không dám nói chuyện, hãy nhai 2 - 3 lá bạc hà tươi.
10. Nước
Cuối cùng đừng quên, uống nước là một cách bảo vệ răng rất quan trọng lại đơn giản nhất. Uống nước khiến hàm răng luôn sạch sẽ, bỏ bớt đi những cặn bã còn lưu lại trong miệng, không để cho vi khuẩn có cơ hội làm tổn hại răng.
Uống như thế nào?
Nên uống 6-8 cốc nước. Nếu không thể lập tức đánh răng ngay sau khi ăn, hãy nhớ uống một cốc nước để rửa sạch khoang miệng, giảm bớt nguy cơ gây sâu răng. Trich tu website nhakhoa
|
|
|
Post by NHAKHOA on Oct 10, 2008 17:11:51 GMT -5
Làm gì khi bị tụt lợi ? Cháu bị viêm lợi đã mấy năm nay, có uống thuốc vitamin C, PP nhưng không đỡ được là bao, răng rất hay bị chảy máu và buốt. Thời gian gần đây, lợi của cháu bị tụt rất nhiều, trông rất xấu. Cháu xin hỏi bác sĩ bệnh của cháu phải điều trị như thế nào? Trả lời: Viêm lợi, viêm quanh răng là nguyên nhân thường gặp của tụt lợi. Hậu quả của tụt lợi là làm mất men răng và cement chân răng, lộ ngà, ê buốt răng, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm tủy răng. Mặt khác, tụt lợi ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ. Để khắc phục tình trạng bệnh của mình, cháu nên chọn loại bàn chải có đầu lông tròn, mềm, khi đánh răng cố gắng đừng tác động đến lợi, nên dùng nước ấm để chải răng. Nên dùng nước súc miệng chứa chlorhexidin, sodium fluorid, potassium nitrat có tác dụng giảm ê buốt và mòn chân răng. Tùy theo mức độ tụt lợi mà các bác sĩ có chỉ định biện pháp điều trị khác nhau, có thể là ngậm máng plastic có bôi gel fluorid khi ngủ hoặc hằng ngày, dùng laser kết hợp với fluorid, phủ mặt răng bằng vật liệu composit, phẫu thuật… Cháu nên đi khám để có được biện pháp điều trị phù hợp. Cũng lưu ý là không ăn các đồ ăn, uống chua, có gas, lạnh, nóng quá mức tránh ê buốt răng nặng hơn. Theo BS. Nguyễn Trọng Lân (Sức khỏe & Đời sống)
|
|
|
Post by NHAKHOA on Oct 10, 2008 17:13:46 GMT -5
5 nguyên nhân gây hôi miệng
Biết rõ nguyên nhân gốc rễ gây hôi miệng sẽ giúp điều trị chứng hôi miệng triệt để và hiệu quả nhất.
1. Hôi miệng do vi khuẩn trong miệng gây nên
Đây là nguyên nhân gây hôi miệng phổ biến nhất do các vi khuẩn sống chủ yếu ở vùng miệng và lưỡi gây nên.
Thường xuyên đánh răng, dùng nước súc miệng diệt khuẩn và sử dụng đồ chuyên dụng để vệ sinh lưỡi sẽ giúp loại bỏ các vi khuẩn khó chịu rất hiệu quả.
2. Hôi miệng do hàm răng giả
Làm hàm răng giả mà không thường xuyên tháo ra đánh rửa thì thức ăn có thể bám vào các kẽ răng tăng cường sự phát triển của các vi khuẩn gây hôi miệng.
Vậy nên, việc tháo ra đánh rửa răng giả thường xuyên là việc rất cần thiết để giảm nguy cơ bị hôi miệng.
3. Hôi miệng do khô miệng
Khô miệng cũng có thể là nguyên nhân gây hôi miệng, do thiếu độ ẩm các mô vùng miệng, không được làm sạch và vi khuẩn tiếp tục phát triển nhanh.
Uống đủ nước giúp tăng cường độ ẩm cho các mô vùng miệng để giảm vi khuẩn. Đánh răng và súc miệng đều cũng giúp giảm hôi miệng đáng kể.
4. Hôi miệng do thức ăn
Sử dụng các loại gia vị như hành, tỏi thường xuyên cũng có thể gây hôi miệng.
Giải pháp hiệu quả giảm hôi miệng sau khi ăn hành, tỏi là nên ăn rau mùi tây hoặc bạc hà để khử mùi hôi khó chịu này.
Cần đánh răng sau mỗi bữa ăn để giảm mùi khó chịu của thức ăn và hạn chế sự phát triển của các vi khuẩn gây hôi miệng.
5. Hôi miệng do hút thuốc lá
Hút thuốc lá không những gây hôi miệng mà còn gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về nướu, lợi và phổi.
Tốt nhất nên bỏ hút thuốc để giảm hôi miệng và tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Theo Dân Trí
|
|
|
Post by NHAKHOA on Oct 10, 2008 17:14:36 GMT -5
Lưỡi trắng do đâu? Hỏi:
Thưa bác sĩ một vài ngày gần đây, tôi phát hiện thấy lưỡi mình bị trắng. Tôi đã thử đánh răng và kỵ lưỡi nhiều lần nhưng không đem lại kết quả gì. Xin cho hỏi nguyên nhân của hiện tượng trên là gì và có nguy hiểm không? Xin cảm ơn.
Trả lời:
Trước hết phải nói với bạn rằng, hiện tượng trắng lưỡi không xảy ra thường xuyên và không nguy hiểm.
Trắng lưỡi có thể là do bị viêm nhiễm ở bề mặt của lưỡi.
Các loại vi khuẩn và tế bào chết chính là “thủ phạm” chính gây nên hiện tượng trên.
Bên cạnh đó, những tác nhân như hút thuốc, sự mất nước hay vệ sinh răng miệng và lưỡi không sạch sẽ cũng là một trong số những nguyên nhân.
Để phòng ngừa hiện tượng trắng lưỡi, hãy tuân thủ theo các nguyên tắc dưới đây:
- Nên cạo lưỡi đều đặn cùng với những lần đánh răng.
- Tránh xa thuốc lá
- Uống đủ lượng nước cần thiết ( từ 7 đến 8 cốc/ngày)
- Bổ sung chất xơ trong chế độ ăn uống.
- Nên ăn nhiều táo, bông cải xanh, ngô
Sau vài ngày nếu vẫn không thấy màu lưỡi trở lại bình thường bạn nên đi kiểm tra để có những kết luận rõ ràng từ phía các chuyên gia.
Theo Dân Trí
|
|
|
Post by NHAKHOA on Oct 10, 2008 17:15:44 GMT -5
Có nên vệ sinh lưỡi? Hỏi Thưa bác sĩ, em thường có thói quen đánh răng rất cẩn thận và thường xuyên. Tuy nhiên em còn được khuyên là nên cạo lưỡi nếu muốn hơi thở không có mùi khó chịu. Việc này có cần thiết và có gây ảnh hưởng gì không? Mong bác sĩ trả lời giúp em. Trả lời: Nếu đánh răng là việc bắt buộc thì vệ sinh lưỡi bằng cách cạo rửa lại chủ yếu phụ thuộc vào sự lựa chọn của bạn. Tại sao việc đánh răng lại rất quan trọng? Đó là bởi chức năng chủ yếu của việc đánh răng là giúp loại trừ các mảng bám trên răng, chứ không phải để loại trừ mầm bệnh. Mảng bám trên răng sẽ hình thành trong miệng của bất cứ ai. Các loại vi khuẩn sẽ luôn “hiện diện” trong các loại thức ăn và đồ uống bạn sử dụng mỗi ngày. Theo các chuyên gia, mảng bám thường được hình thành trong vòng 24 giờ. Chính vì thế, mỗi ngày bạn nên đánh răng ít nhất từ 1 - 2 lần/ngày để ngăn ngừa việc hình thành những mảng bám. Đây cũng là cách tốt nhất để giữ cho hàm răng của bạn luôn chắc, khỏe và hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ bị mắc các bệnh về răng. Còn mục đích chính của việc cạo lưỡi là để giữ cho hơi thở luôn được thơm tho. Một số người cần làm việc này rất thường xuyên nhưng thậm chí có những người lại chưa từng cạo lưỡi bao giờ. Nhìn chung, đa phần lưỡi có khả năng tự làm sạch mà không nhất thiết phải nhờ đến sự trợ giúp từ phía “thân chủ”. Bởi lẽ lưỡi luôn có thể di chuyển và nhờ vào quá trình tiết nước bọt liên tục nên có thể tự làm sạch. Chính vì thế, chỉ cần đánh răng, xúc miệng, loại bỏ những thực phẩm còn mắc lại là đủ để có một hơi thở được thơm tho. Nếu việc đánh răng, xúc miệng không đủ để làm bạn thấy tự tin với hơi thở của mình thì có thể dùng đến thêm cách vệ sinh lưỡi. Hiện nay, trên thị trường cũng có bán rất nhiều những dụng cụ cạo lưỡi có nhiều kiểu dáng và tiện ích khác nhau, bạn có thể chọn cho mình một chiếc dụng cụ cạo lưỡi hợp nhất, nếu muốn. Theo Dân Trí
|
|
|
Post by NHAKHOA on Oct 10, 2008 17:17:05 GMT -5
Làm giảm đau răng bằng bấm huyệt Xưa đã có câu: “Thứ nhất đau mắt, thứ nhì nhức răng”. Đau răng tuy không làm chết người nhưng gây nhức buốt và khổ sở vô cùng. Trong Đông y có huyệt thương dương mà khi bấm vào đó ta có thể làm giảm cơn nhức răng. Vị trí và cách xác định huyệt: Huyệt này nằm ở trên đầu ngón tay trỏ, cách gốc móng tay về phía ngón cái khoảng 0,2mm trên đường tiếp giáp da gan ngón tay và mu ngón tay. Bạn bị đau răng bên nào thì bấm huyệt bên tay đó. Ví dụ, đau răng hàm bên phải thì chọn huyệt ở ngón tay trỏ bên phải, đau răng hàm bên trái thì bấm huyệt thương dương ở ngón tay trỏ bên trái. Cách làm này không thể chữa cho bạn khỏi bị sâu răng, hay bệnh viêm lợi răng… nhưng ít nhất cũng làm giảm đau giúp bạn có thể bình tĩnh đi đến bác sĩ khám răng mà không còn bị hành hạ bởi các cơn nhức răng nữa. Theo Sức Khỏe & Đời Sống
|
|
|
Post by NHAKHOA on Oct 10, 2008 17:18:47 GMT -5
Ăn sữa chua để ngừa viêm lợi Ăn sữa chua và các thực phẩm giàu axit lactic sẽ giúp chống lại chứng viêm lợi mà hậu quả lâu dài có thể dẫn tới mất răng vĩnh viễn, các nhà nghiên cứu Nhật Bản tuyên bố. TS Yoshihiro Shimazaki và các cộng sự đã phát hiện ra rằng ăn sữa chua và uống các loại nước có axit lactic sẽ mang lại những lợi ích sức khỏe không ngờ đối với vùng bao quanh chân răng. ”Nhưng sữa và phô mai thì không”, Shimazaki nói. Các bệnh bao quanh răng thường là do các vi khuẩn xâm nhập, dẫn tới tụt lợi (quá trình lộ bề mặt chân răng do sự di chuyển về phía chóp chân răng của lợi) và tình trạng mất răng ở người trưởng thành. Ngoài việc đánh răng và dùng chỉ tơ nha khoa thường xuyên thì hiện có rất ít phương pháp giúp hạn chế được bệnh này. Các nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng những người ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc từ sữa ít mắc các bệnh bao quanh chân răng nhưng không chỉ rõ là loại sản phẩm cụ thể nào mang lại lợi ích rõ nhất. Nhóm nghiên cứu của Shimazaki đã tiến hành theo dõi 942 người trong độ tuổi 40 – 70, tất cả đều có thói quen dùng các thực phẩm như sữa, phô mai và các thực phẩm chứa axit lactic. Ngoài ra, các yếu tố tuổi tác, giới tính, thói quen hút thuốc, uống rượu, thường xuyên đánh răng, đường huyết và mức cholesterol trong máu cũng được xem xét. Kết quả cho thấy: Những người thường mắc bệnh viêm lợi cũng ăn ít các thực phẩm có axit lactic hơn những người khác. Theo Dân Trí
|
|
|
Post by NHAKHOA on Oct 10, 2008 17:19:33 GMT -5
Thận trọng khi trẻ mọc răng
Không có quy định cụ thể nào cho thời gian mọc răng của các bé. Có bé mọc răng lúc 6 - 7 tháng tuổi nhưng cũng có bé ngoài 1 tuổi mới mọc răng. Tuy nhiên dù ở tháng nào, thời điểm mọc răng cũng là lúc bé có nhiều thay đổi.
Trước khi răng nhú lên, bạn sẽ thấy lợi của bé đỏ và sưng to, kèm theo sốt nhẹ. Mọc răng thường làm bé bị đau và rất khó chịu, do đó bé hay quấy khóc và lười ăn, thậm chí có bé sút cân nhanh. Hãy giúp bé vượt qua thời kỳ này với những lời khuyên dưới đây:
- Nấu cháo hoặc bột thật loãng cho bé và nhớ đừng bắt bé ăn bằng khẩu phần của ngày bình thường.
- Nếu bé không muốn ăn cháo hoặc bột, hãy cho bé uống sữa thay thế. Chỉ 1 - 2 ngày bé sẽ bình thường trở lại.
- Bạn có thể dùng những thuốc dạng xịt để xoa dịu cơn đau. Nếu trẻ vẫn ko giảm đau, bạn có thể hỏi ý kiến bác sỹ.
- Đừng đợi đến khi mọc răng mới trải răng cho trẻ. Hãy dùng một chiếc gạc mềm có tẩm một chút nước ấm hoặc nước muối sinh lý để lau lợi cho bé khi bé chưa mọc răng.
- Nếu cho bé bú bình, hãy nhớ rút bình ra khỏi miệng bé thật nhẹ nhàng khi bé uống xong sữa. Đưa bình ra khỏi miệng bé mạnh hoặc đột ngột sẽ làm tình trạng đau răng của bé tăng thêm.
- Tính cách trẻ sẽ thay đổi: hay quấy, cáu gắt, không muốn chơi… Bạn hãy kiên nhẫn dỗ dành bé, mọi chuyện sẽ qua nhanh thôi.
- Đừng tự ý cho con uống thuốc khi thấy bé sốt. Nếu nghi ngờ về việc mọc răng của bé, hãy tới bác sĩ để biết chính xác bé đang bệnh hay sốt mọc răng.
Theo Dân Trí
|
|
|
Post by NHAKHOA on Oct 28, 2008 20:44:37 GMT -5
Cẩn thận với u răng
Sâu răng, nhiễm trùng hoặc chấn thương răng rất dễ dẫn đến u răng. Bệnh gây rụng răng hàng loạt kể cả khi chạm nhẹ, nếu nặng có thể làm biến dạng hàm, mặt, cản trở các chức năng nhai, nuốt, nói... U nang răng có hai loại:
- U nang chân răng: do răng bị nhiễm trùng, sâu hoặc chấn thương gây nên. Người bệnh không hề có triệu chứng đau nhức hay khó chịu, dấu hiệu duy nhất để phát hiện sớm bệnh là răng đổi mầu. Chỉ khi bệnh nặng mới xuất hiện các triệu chứng như chảy mủ, đau ở vùng có u, lung lay răng, sưng mặt ở xương hàm...
- U nang thân răng bắt nguồn từ một chiếc răng ngầm, sau đó phát triển thành nang, nên bệnh lúc đầu khó phát hiện. Chỉ đi khám định kỳ mới phát hiện được.
Ngoài ra còn có u men dạng nang - hiện tượng những mầm men ngà còn tồn tại từ lúc sinh tạo thành u. Đặc điểm của loại u này là rất dễ tái phát. Khi phát triển, nó sẽ lan vào các tổ chức xung quanh như phần mềm, xương hàm, khớp thái dương hàm, sàn sọ, khiến gương mặt bệnh nhân bị biến dạng hoàn toàn, khó khăn khi nhai, nuốt, nói, thở... Trong trường hợp này, bác sĩ buộc phải cắt xương hàm, tháo khớp.
Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là khám răng định kỳ, 6 tháng hoặc 1 năm/lần nhằm phát hiện bệnh sớm và có hướng điều trị, tránh biến chứng xảy ra.
Phương pháp điều trị duy nhất hiện nay là phẫu thuật lấy u. Nếu bệnh nhân phát hiện bệnh sớm thì phẫu thuật đơn giản, tiên lượng tốt. Nếu bệnh đã nặng thì điều trị khó, thậm chí còn để lại nhiều di chứng như lép mặt, răng rụng hàng loạt...
Theo Người Lao Động
|
|
|
Post by NHAKHOA on Nov 19, 2008 19:29:02 GMT -5
Perio Protect Tri benh Nuou Rang hieu qua
|
|
|
Post by NHAKHOA on Nov 19, 2008 19:31:59 GMT -5
|
|
|
Post by NHAKHOA on Nov 19, 2008 19:49:46 GMT -5
LANAP Laser for Gum Treatment
|
|
|
Post by NHAKHOA on Nov 19, 2008 19:52:09 GMT -5
LANAP Laser Treatment
|
|